Khung sắt lan can 'cầu Hồng Kông' gây tranh cãi

Trong khi du khách đánh giá việc lắp khung sắt làm giảm tính thẩm mỹ tại nơi check-in độc đáo của cầu Hồng Kông (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) thì nhiều tiểu thương lại đồng tình, cho rằng không ảnh hưởng mấy đến trải nghiệm của du khách

"Cầu Hồng Kông" thật ra là tên du khách đặt cho cây cầu dài khoảng 60 m, rộng khoảng 5 m, nối lầu chợ Đà Lạt với khu trung tâm Hòa Bình (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Cầu "không còn gì"?

Cầu có độ cao hơn 10 m so với tầng trệt chợ Đà Lạt, chính giữa nhìn ra dãy nhà phố cũ kỹ bên hông chợ, xung quanh khung cảnh buôn bán tấp nập, phía xa là tòa nhà Dalat Center hiện đại. Mang dáng dấp của những khu phố Hồng Kông trong các bộ phim mấy chục năm trước nên dù không có đặc trưng nào nổi bật, cây cầu vẫn được du khách ưu ái đặt tên như thế. Dần dà, cầu mang luôn tên "cầu Hồng Kông" khi được nhắc đến, không ai nhớ trước đó nó có tên gì.

Những ngày qua, du khách đến Đà Lạt và nhiều hội, nhóm, mạng xã hội gần như "dậy sóng" vì hình ảnh "cầu Hồng Kông" được lắp thêm hàng chục chậu cây cảnh có hoa tím để dọc hai bên thành cầu. Đoạn gần cổng chợ, một khung sắt dài khoảng 12 m, rộng 40 - 50 cm được lắp kiên cố vào lan can. Có trang mạng xã hội đã cho rằng "cầu Hồng Kông" nay thành cầu "không còn gì" sau khi mang dáng dấp mới.

Du khách Nguyễn Linh Anh tiếc rẻ: "Lắp khung sắt thế này thì du khách không được đứng sát lan can như trước. Hình ảnh khu phố cũ kỹ nhưng độc đáo cũng không còn đẹp vì bị sắt thép chen vào".

Chuyển lên định cư ở Đà Lạt đã được vài năm, anh Hoàng Minh cho biết dù không quá nổi tiếng như hồ Xuân Hương, chợ đêm Đà Lạt, Quảng trường Lâm Viên… nhưng góc "view" khu Hồng Kông trên cầu cũng là một trong những hình ảnh quen thuộc, giúp du khách nhận diện được ngay "thương hiệu" Đà Lạt khi nhìn thấy.

"Lắp thêm khung sắt kiên cố như vậy sẽ khiến du khách không thuận lợi khi chụp ảnh. Hơn nữa, các chậu cây cảnh cũng dường như khó "hòa nhập" với khung cảnh cũ kỹ của khu vực vốn rất quen thuộc trong tâm trí người dân Đà Lạt và du khách" - anh Minh nhận xét.

“Cầu Hồng Kông” nối khu trung tâm Hòa Bình với chợ Đà Lạt

“Cầu Hồng Kông” nối khu trung tâm Hòa Bình với chợ Đà Lạt

Bảo đảm an toàn cho du khách

Kinh doanh hàng lưu niệm trong chợ Đà Lạt cạnh "cầu Hồng Kông" đã 30 năm nay, bà Mười lại tỏ ra đồng tình với hình ảnh mới của cây cầu dù rất ngắn nhưng nổi tiếng này. Theo bà, dù hình ảnh mới khá lạ mắt nhưng theo thời gian thì sẽ quen dần. Việc trang trí thêm chậu hoa cũng khiến không gian dễ chịu hơn thay vì chỉ toàn bê-tông và sắt thép như trước.

Về việc lắp khung sắt kiên cố tại đoạn có góc nhìn đẹp nhất "cầu Hồng Kông", theo bà Mười cũng là cần thiết, kích cỡ không lớn, ít ảnh hưởng đến cảm nhận và việc chụp ảnh của du khách. Bà Mười cho biết đa số du khách có ý thức, chỉ một số người đến chụp ảnh "check-in" không có ý thức giữ gìn, bảo vệ hoa trang trí.

"Nhiều người nắm, ngắt hoa hoặc ôm luôn cả gốc cây, vài ngày là khiến hoa cảnh hư hết. Chợ có nhân viên bảo vệ nhắc nhở nhưng nhiều lúc không xuể, nhất là những lúc đông khách" - bà Mười cho biết.

Dẫn chúng tôi ra giữa cầu rồi chỉ vào góc "đắc địa" nhất mà du khách thường "check-in", bà Mười nói: "Khách đứng đây, chụp ảnh cao hơn bình thường một chút cũng lấy được cảnh cả khu, không dính khung sắt nên không ảnh hưởng gì nhiều. Còn muốn có ảnh đẹp hơn nữa thì lên cầu thang (dẫn từ "cầu Hồng Kông"

lên quán cà phê trên sân thượng chợ Đà Lạt), chụp đẹp không thua gì".

Một tiểu thương khác kể: Vào thời điểm chưa lắp khung sắt, có người thừa lúc vắng vẻ ngồi lên cả lan can để chụp ảnh cho đẹp. "Ai cũng nói là chỉ ngồi chút xíu rồi xuống liền nhưng giả sử có chuyện xảy ra thì ai chịu trách nhiệm? Nhân viên bảo vệ còn phải làm nhiều việc khác, không thể cứ túc trực nhắc nhở hoài được" - tiểu thương này bức xúc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Thiện, Trưởng Ban Quản lý chợ Đà Lạt, cho biết công trình hoa trang trí dọc "cầu Hồng Kông" hoàn thành ngày 13-4. Đây là công trình được Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở chợ Đà Lạt đăng ký với thành phố thực hiện, nhằm chào mừng kỷ niệm 130 năm Đà Lạt. Kinh phí do Công đoàn và tiểu thương chợ đóng góp.

Về khung sắt tại vị trí nêu trên, ông Thiện lý giải để bảo vệ đường ống nước và đường dây điện trên "cầu Hồng Kông", bảo đảm an toàn cho du khách (trơn trượt tại vị trí mọi người thường chọn để chụp ảnh). Hơn nữa, màu sắc của khung này hài hòa với khu vực nên không gây mất mỹ quan, không ảnh hưởng việc tham quan của du khách.

Ông Thiện khẳng định: "Ban Quản lý chợ thường xuyên bố trí 2 nhân viên ở đây nhắc nhở, làm vệ sinh khu vực cầu. Đây là cầu nối từ khu Hòa Bình vào chợ, nhiều thời điểm đông khách chụp ảnh quá thì người khác không vào được chợ. Chưa kể, những người bốc vác hàng hóa nhiều lúc hàng nặng mà vẫn phải đứng chờ".

Phải sắp xếp trật tự và thuận tiện cho mọi người. Nếu đặt bảng cấm thì sẽ càng phản cảm hơn nên đây chỉ là một giải pháp nhẹ nhàng để tránh ảnh hưởng đến du khách” - ông Nguyễn Minh Thiện giải thích.

Bài và ảnh: Trường Nguyên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/khung-sat-lan-can-cau-hong-kong-gay-tranh-cai-20230420203549143.htm