Khuôn đúc mũi tên Cổ Loa: Từ hiện tượng khảo cổ đến bảo vật quốc gia
Nhân kỷ niệm 18 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2023), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa tổ chức triển lãm 'Thành Cổ Loa - Từ truyền thuyết đến hiện thực'.
Sáng tỏ truyền thuyết
Nhắc đến Cổ Loa, công chúng thường biết tới những truyền thuyết về An Dương Vương xây thành Cổ Loa, nỏ thân Liên Châu bắn hàng ngàn mũi tên như một bản hùng ca về lịch sử thời kỳ dựng nước của dân tộc.
Tuy nhiên, các phát hiện khảo cổ học ở Cổ Loa đã làm sáng tỏ quy mô, cấu trúc, chứng năng, kỹ thuật, niên đại thành Cổ Loa.
Mũi tên đồng đã được sản xuất ở nhiều nơi trên thế giới nên có nhiều ý kiến nghi ngờ mũi tên đúc tại Cổ Loa chỉ là truyền thuyết. Tuy nhiên, trong giai đoạn năm 2004 – 2005, khi khai quật tại lòng đất Đền Thượng, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hàng chục lò đúc mũi tên với hàng trăm khuôn đúc, ở trên có hình khắc mũi tên để đổ đồng thành mũi tên đồng ba cạnh.
PGS. TS Lại Văn Tới - Viện Nghiên cứu Kinh thành.
Triển lãm “Thành Cổ Loa - từ truyền thuyết đến hiện thực” được chắt lọc từ các công trình khoa học, nghiên cứu của các nhà khoa học; thông qua các tư liệu, hình ảnh sưu tầm của Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO), Hồ sơ di tích Quốc gia đặc biệt của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, nguồn ảnh của Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa, các sưu tập ảnh tư nhân... từ đó lan tỏa những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đề cao trách nhiệm của cộng đồng địa phương và du khách trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Triển lãm gồm 2 chủ đề “Truyền thuyết thành Cổ Loa”, “Thành Cổ Loa ngày nay”. Trong số các tư liệu trưng bày, hình ảnh, tư liệu về việc phát hiện kho mũi tên đồng ở Cầu Vực năm 1959 tạo ấn tượng với du khách.
Hiện vật liên quan đến tư liệu, hình ảnh kể trên là bộ sưu tập “Khuôn đúc Cổ Loa” được Thủ tướng Chỉnh phủ công nhận là bảo vật quốc gia (đợt 9) ngày 31/12/2020 đang được trưng bày trong Bảo tàng trưng bày cổ vật Thành Cổ Loa trong khuôn viên diễn ra triển lãm.
Sưu tập “Khuôn đúc Cổ Loa” gồm 11 mang khuôn đúc bằng đá (sa thạch), trong đó có 10 mang khuôn đúc mũi tên đồng ba cạnh và 1 mang khuôn đúc mũi lao hình cánh én, được phát hiện trong quá trình khai quật tại đền Thượng, Cổ Loa trong 4 năm (2004 – 2007), nằm trong một địa tầng ổn định với nhiều di tích, di vật cùng thời.
Bộ sưu tập khuôn đúc Cổ Loa có niên đại thuộc văn hóa Đông Sơn – sơ kỳ thời đại đồ sắt, thế kỷ III – II trước công nguyên, tương đương giai đoạn lịch sử nhà nước Âu Lạc, thời kỳ An Dương Vương.
Sưu tập này kể từ sau khi phát hiện đã trở thành hiện tượng khảo cổ học thứ 3 ở Cổ Loa, sau kho mũi tên đồng Cầu Vực (1959) và trống đồng, lưỡi cày đồng Mả Tre (1982). Cả ba hiện tượng khảo cổ học nổi tiếng này đều liên quan tới nhau, phản ánh thành tự nổi bật của nhà nước Âu Lạc, đó là luyện kim, đúc đồng và nông nghiệp trồng lúa nước của người Việt Cổ.
Phát huy giá trị
Cổ Loa là một trong những di tích lịch sử quan trọng của Thủ đô và dân tộc. Theo PGS. TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Nơi đây đã hai lần giữ vai trò là kinh đô của đất nước. Đó là kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương (thế kỷ III TCN) và kinh đô thời Ngô Quyền (thế kỷ X). Khoảng thế kỷ thứ III TCN, nước Âu Lạc được thành lập, An Dương Vương với tầm nhìn chiến lược, đã chuyển trung tâm đất nước từ Bạch Hạc (Việt Trì) về vùng Cổ Loa định đô xây thành.
Trải qua 2.300 năm lịch sử, Thành Cổ Loa chịu nhiều tác động của tự nhiên và con người đã có nhiều thay đổi, không còn nguyên vẹn, chỉ sót lại dấu tích của ba vòng thành hào. Thành cổ Loa ngày nay đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức do chịu nhiều tác động, ảnh hưởng của đô thị hóa nông thôn.
Theo các chuyên gia, bảo tồn và phát huy giá trị ở những di tích không có cư dân có nhiều thuận lợi nhưng ở Cổ Loa, cư dân gắn bó với di tích nên việc bảo tồn khó khăn hơn. PGS. TS Lại Văn Tới - Viện Nghiên cứu Kinh thành chia sẻ: Đã có tình trạng, dân cư xây dựng lấn chiếm mặt thành bắt buộc phải di dời đi nơi khác. Vì vậy, TP Hà Nội và chính quyền địa phương cần tăng cường giáo dục, khuyến khích, động viên cư dân cùng bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Được biết, thời gian qua, UBND xã Cổ Loa cũng phải di dời đi nơi khác để trả lại không gian cho di tích – nơi hiện giờ được sử dụng làm Bản Quản lý Di tích Cổ Loa; trườnng THCS Cổ Loa cũng tương tự. Nhưng theo tôi, chúng ta không cần phải giải phóng hết, chỉ cần di dời gì cần thiết, nhất là những trường hợp xâm phạm di sản”.
Mặt khác, theo các chuyên gia, cùng với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, Cổ Loa cần phát huy các giá trị văn hóa phu vật thể tiêu biểu như phong tục, lễ hội cổ truyền. Trong đó tiêu biểu là Lễ hội Cổ Loa – hay còn gọi là lễ hội Bát xã Loa thành, được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm, nhằm ca ngời công đức của vu An Dương Vương và các tướng lĩnh đã có công sáng lập nhà nước Âu Lạc, định đô ở Cô Loa, xây thành, chống giặc.
Cùng với đó, chính quyền địa phương cần quan tâm đến du lịch. Bởi, du lịch Cổ Loa hiện nay vẫn chưa giữ chân được du khách. Tuy nhiên, quá trình phát triển cần hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị.