Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển bền vững

Ngày 14-12 tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị 'Tổng kết 10 năm thi hành Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công'.

Bộ Công Thương tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công. Ảnh: Lam Giang

Bộ Công Thương tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công. Ảnh: Lam Giang

Theo ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), 10 năm qua, công tác khuyến công đã huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, trong giai đoạn 2013 – 2022, chương trình đã tổ chức đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho 113.370 lao động với tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%; hỗ trợ xây dựng 628 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; 8.100 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn được chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Bộ Công Thương và các địa phương tổ chức 28 hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực; 3 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Bộ cũng đã bình chọn được 1.630 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và 512 sản phẩm cấp quốc gia.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan tham luận tại hội nghị. Ảnh: Lam Giang

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan tham luận tại hội nghị. Ảnh: Lam Giang

Báo cáo tại hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sau 10 năm triển khai Nghị định 45/NĐ-CP, Hà Nội đã tổ chức 625 lớp truyền nghề, nâng cao tay nghề cho gần 22.000 lao động nông thôn; 16 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho 800 lao động tại các tỉnh miền núi phía Bắc nhằm liên kết vùng nguyên liệu và mở rộng thị trường. Xây dựng mô hình trình diễn, đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất cho 110 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch cho hơn 260 cơ sở sản xuất , doanh nghiệp công nghiệp.

Sở đã tổ chức 137 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp, thiết kế mẫu, xuất nhập khẩu, quản trị bán hàng, quản trị tài chính cho trên 15.000 lượt cán bộ lãnh đạo, quản ký các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ 292 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm trong nước với 574 gian hàng nhằm kết nối giao thương; tổ chức bình chọn và công nhận 180 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu….

Để công tác khuyến công đạt hiệu quả cao hơn, Sở Công Thương Hà Nội đề xuất quy định nội dung đào tạo nghề, truyền nghề phù hợp với các quy định hiện hành; bổ sung nội dung hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển đối số, tham gia các sàn thương mại điện tử; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp nông thôn phù hợp tình hình mới.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị Bộ Công Thương ban hành tiêu chuẩn định mức, đơn giá dịch vụ công trong hoạt động khuyến công làm cơ sở để các trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện và tiến tới tự chủ…

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khuyen-cong-thuc-day-cong-nghiep-nong-thon-phat-trien-ben-vung-652966.html