Khuyến khích hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ

Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp để 'khuyến khích' hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ. Đây là đề xuất của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ II với chủ đề 'Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế' ngày 2.4.

Năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, giai đoạn 2016 - 2021, kinh tế tư nhân chiếm gần 46% GDP.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Quang Khánh

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Quang Khánh

Về số lượng, khu vực kinh tế tư nhân chiếm 98% trong số hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động; chiếm 85% số lao động cả nước, tính cả thành phần kinh tế cá thể; chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu - gấp gần 7 lần về nhập khẩu và 10 lần về xuất khẩu so với khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đóng góp của kinh tế tư nhân cho ngân sách tăng từ 13,88% (2016) lên 18,5% (2021). Cũng trong giai đoạn này, tỷ lệ nguồn vốn tư nhân trong vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 51,3% lên 59,5%.

Bên cạnh những đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, khu vực này còn nhiều hạn chế. Như TS. Cấn Văn Lực chỉ ra, dù đóng góp tỷ trọng lớn vào GDP song tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Cùng với đó, kinh tế tư nhân chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, đa số là kinh tế hộ kinh doanh chiếm tới 94%. Năng lực hội nhập và cạnh tranh kinh tế quốc tế còn hạn chế, mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ở mức thấp. Tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế tư nhân chưa giảm. Đặc biệt, ông Lực nhắc tới hai hạn chế lớn của khu vực này, đó là “luôn thiếu vốn” và chưa thực sự chú trọng đầu tư công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) hay ứng dụng công nghệ thông tin.

Trong bối cảnh như vậy, vài ngày trước, Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 45/NQ-CP). Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60 - 70 nghìn doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tăng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân vào GDP đạt 55% vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt 60 - 65% GDP. Tốc độ tăng năng suất lao động 5%/năm; hàng năm, khoảng 35 - 40% doanh nghiệp tư nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo…

Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng

Những con số nói trên không dễ dàng đạt được. Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, trước đây chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp nhưng đến nay mới có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Đặc biệt, quý I năm nay cả nước có khoảng 60.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, nhiều hơn con số 57.000 doanh nghiệp được thành lập. Điều này khiến mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp ngày càng xa vời. Kéo theo đó, việc có thêm 700.000 doanh nghiệp trong 2 năm càng khó khăn hơn.

Ông Ánh cho rằng, để giữ vững và phát huy cao độ vai trò của kinh tế tư nhân, cần tiếp tục thực hiện nhất quán quan điểm, chủ trương về vai trò của khu vực này; đồng thời cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương đó thành những cơ chế, chính sách cụ thể, đồng bộ và nhất quán. Kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước không phải là 2 mặt đối lập, không phải là đối thủ cạnh tranh "một mất một còn" mà là các bộ phận bổ sung và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Kinh tế tư nhân phát triển có nghĩa kinh tế Việt Nam phát triển, do đó, các cơ quan chức năng cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

Cụ thể hơn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Nhà nước cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chú trọng kiến tạo để các thị trường phát triển hài hòa, thông suốt, lành mạnh và bền vững; hoàn thiện thể chế, cải thiện thực chất, mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, phải có cơ chế, chính sách và cách làm phù hợp để khuyến khích hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ.

Đối với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Cùng với đó, quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao năng lực quản trị; chủ động hợp tác, liên kết, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và khu vực và tích cực tham gia ý kiến xây dựng chính sách để góp phần hoàn thiện và thực thi thể chế.

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/khuyen-khich-ho-kinh-doanh-nang-cap-thanh-doanh-nghiep-sieu-nho-i321430/