Khuyến khích hợp tác công tư, bảo đảm nhu cầu của thị trường lao động
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), có ý kiến đề nghị, chính sách Nhà nước về việc làm cần hướng đến khuyến khích hợp tác công tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội tham gia vào quá trình đào tạo, hướng nghiệp và tạo việc làm cho thanh niên, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Thiếu vắng các quy định hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Chính sách Nhà nước về việc làm được bổ sung tại Chương II của dự thảo Luật. Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) lưu ý, dự thảo Luật vẫn thiếu vắng các quy định nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức và khai thác hiệu quả thế mạnh của giai đoạn dân số vàng.
Đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể nhằm ưu tiên hỗ trợ đối với nhóm đối tượng lao động mới như: lao động công nghệ, lao động trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo nâng cao trình độ lao động, các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, đặt hàng các doanh nghiệp lớn hay khuyến khích họ tham gia từ khâu xây dựng chương trình và mục tiêu đào tạo. “Quy định như vậy sẽ tận dụng được tối đa lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, biến thế hệ trẻ thành lực lượng lao động vàng đúng nghĩa và sẽ tạo sự đột phá trong chính sách và xây dựng một thị trường lao động hiệu quả”, đại biểu Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Cho rằng Điều 5, dự thảo Luật đã thể hiện 9 nhóm chính sách của Nhà nước về việc làm khá bao quát và toàn diện, tuy nhiên, ĐBQH Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị tiếp tục rà soát để tránh bỏ sót các đối tượng được thụ hưởng chính sách của Nhà nước.
Cụ thể, tại khoản 8, Điều 5 quy định: “Hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số”, đại biểu đề nghị, bổ sung thêm 2 đối tượng là đối tượng phụ nữ ngoài 40 tuổi và người cao tuổi. Lý do là, đối tượng phụ nữ ở độ tuổi ngoài 40 thường khó duy trì hoặc tìm kiếm cơ hội việc làm mới, vì sự phân biệt về tuổi tác, về kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, vấn đề gia đình, sức khỏe… Hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều nhà máy, xí nghiệp tìm cách sa thải hoặc không tuyển dụng đối với đối tượng này.
Đối với người cao tuổi, trong bối cảnh già hóa dân số ngày càng tăng thì việc khuyến khích người cao tuổi còn khả năng lao động tham gia vào thị trường lao động là một giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, đối tượng này cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận việc làm do vấn đề tuổi tác, sức khỏe và năng suất lao động, đại biểu Dương Tấn Quân lưu ý.
Khuyến khích tạo việc làm cho thanh niên
Quan tâm đến chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên, ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cho rằng, cần giao Chính phủ nghiên cứu hướng dẫn về nội dung này. Cụ thể là với đối tượng được định hướng nghề nghiệp việc làm là các em học sinh từ cấp trung học cơ sở đến trung học phổ thông. Điều này cũng phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đó là ở cấp trung học cơ sở phải giúp các em có ý thức hướng nghiệp để lên cấp trung học phổ thông, các em có khả năng lựa chọn nghề nghiệp, phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân.
"Việc tư vấn hướng nghiệp cho các em học sinh những năm qua đã được quan tâm, nhưng hiệu quả cũng chưa cao. Nhiều em vẫn lúng túng, mơ hồ về ngành nghề trong tương lai. Do vậy, cần có chính sách hỗ trợ các trường học, các cơ quan ở địa phương tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho chính các em học sinh ở địa phương mình", đại biểu đề nghị.
Nêu rõ nội hàm và phạm vi chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên đã được mở rộng hơn so với Điều 21 Luật Việc làm năm 2013, song ĐBQH Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) lưu ý, các chính sách này còn khá chung chung, điều kiện và nội dung hỗ trợ đào tạo nghề gắn với việc làm cho thanh niên cũng chưa thiết thực. Quy định như dự thảo Luật đối với thanh niên không có sự khác biệt so với các đối tượng khác, chưa thể hiện được tầm quan trọng của thanh niên là lực lượng lao động đặc biệt.
Theo niên giám thống kê Việt Nam, năm 2023 lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, lực lượng lao động thanh niên từ 15 đến 24 tuổi, chiếm 11,1% tổng lực lượng lao động, tương đương gần 6,1 triệu người. Qua rà soát, đại biểu cho biết, Luật Việc làm năm 2013 không có nhiều chính sách cụ thể được ban hành để hỗ trợ việc làm riêng cho thanh niên. Hiện, chỉ có Quyết định số 897/QĐ - TTg ngày 26.7.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 – 2030 tương đối có sự tác động trong việc tạo môi trường việc làm, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Để các chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên được thực thi hiệu quả trong thực tiễn kỷ nguyên số hiện nay, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm đề nghị, cần xem xét, khuyến khích tạo môi trường việc làm cho thanh niên thông qua việc nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh đào tạo các kỹ năng số, kỹ năng mềm, ý thức kỷ luật cho thanh niên giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động, nhất là thị trường lao động số. Tăng cường hợp tác quốc tế trong chiến lược tạo môi trường việc làm cho thanh niên, nhằm mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài để tạo thêm cơ hội việc làm cho thanh niên, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và kinh tế số.
Cùng với đó, cần đặc biệt quan tâm đến chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo thông qua việc thiết lập các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, không gian làm việc chung và mạng lưới kết nối giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư và thanh niên khởi nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để khai thác triệt để tài nguyên vốn có tại chỗ, tận dụng các lợi thế về cơ chế, chính sách để hình thành các ý tưởng khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm cho thanh niên trên địa bàn.
“Chính sách không dừng lại ở việc phát động phong trào hoạt động mà cần nâng chất thành việc chọn lựa các mô hình, dự án tối ưu tiệm cận các điều kiện hiện đại và phù hợp vào tiêu chuẩn, xu hướng chung của thế giới. Bên cạnh đó, chính sách cần hướng đến khuyến khích hợp tác công tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội tham gia vào quá trình đào tạo, hướng nghiệp và tạo việc làm cho thanh niên, đảm bảo nhu cầu của thị trường lao động được đáp ứng”, đại biểu nhấn mạnh.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, Luật Việc làm 10 năm qua đã có nhiều quy định không còn phù hợp. Chúng ta đang thiếu cơ chế để phát huy tối đa nguồn lực xã hội, không theo kịp xu thế, thiếu các cơ chế để thúc đẩy giải quyết việc làm.
Bộ trưởng nhấn mạnh, tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động những năm qua tuy có tiến bộ nhưng nhìn chung là chậm, lao động phi chính thức kèm theo điều kiện thụ hưởng còn thấp, rủi ro và thiếu bền vững. Các chế định trong tham gia hỗ trợ việc làm còn nhiều bất cập; thị trường lao động còn manh mún và thiếu liên thông đào tạo; thiếu các khâu đột phá mạnh về đào tạo nhân lực, nhất là chất lượng nhân lực cao; đầu tư chưa tương xứng cho nhân lực chất lượng cao, các ngành nghề mới, kỹ năng mới phục vụ cho phát triển nhanh của đất nước.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện theo hướng bổ sung, làm rõ hơn thể chế, góp phần quản trị, tạo khung khổ pháp lý để tạo việc làm đầy đủ, chất lượng và năng suất lao động cao.
Đối với vấn đề tạo việc làm đầy đủ và chất lượng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, sẽ tập trung vào những vấn đề có tính chất nguyên tắc, gốc là phải thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, để gia tăng việc làm, giải quyết xung đột trong vấn đề giải quyết việc làm, cải thiện hệ thống hỗ trợ việc làm, cải thiện hệ thống dịch vụ công về việc làm; tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, kiên quyết xóa bỏ rào cản thể chế bất bình đẳng trong việc làm, cải thiện hệ thống an sinh xã hội, thúc đẩy tạo việc làm và việc làm chất lượng cao.
“Nhà nước, doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ đạo, người lao động giữ vai trò chủ động trong công việc của mình, kích hoạt các nguồn lực xã hội, sự tham gia của cả xã hội và tạo công ăn việc làm và phúc lợi xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.