Khuyến khích lớp học mở

Với những thay đổi về không gian lớp học không chỉ trong các lớp học truyền thống với bảng đen, phấn trắng, lớp học mở có thể diễn ra trong không gian sân bóng, căng tin, sân trường, thư viện, các phòng học bộ môn… tùy ý tưởng sáng tạo của giáo viên giúp tạo nên sự đổi mới, sáng tạo.

Học sinh Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) học tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: NTCC.

Học sinh Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) học tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: NTCC.

Tham gia lớp học môn tự chọn vì sự yêu thích giúp học sinh tham gia học tập tích cực, hào hứng hơn, giờ học sôi nổi và hiệu quả hơn.

Từ năm học 2022-2023, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) đã triển khai mô hình lớp học động rất linh hoạt khi buổi sáng, học sinh thuộc lớp nào học tại lớp đó các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh theo thời khóa biểu chung. Tới buổi chiều, mỗi học sinh sẽ di chuyển tới các lớp học các môn tự chọn theo mong muốn của chính mình. Tại đây, các em sẽ học chung cùng một môn học với các học sinh lớp khác và hết tiết học đó, lại di chuyển tới các lớp học khác theo thời khóa biểu của riêng mình.

Bà Phạm Thị Bé Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết, cái khó nhất khi thực hiện lớp học động này là xếp thời khóa biểu cho từng học sinh, làm sao để lịch học của các em không bị trùng với các môn khác, làm sao cho lịch dạy của giáo viên hài hòa, đủ tiết nghĩa vụ… Nhưng cái được lớn nhất là học sinh được đăng ký môn lựa chọn theo đúng khả năng, sở thích của mình. Việc học lớp chung và lớp riêng cũng giúp học sinh tăng cường khả năng giao tiếp, chủ động sắp xếp thời khóa biểu của bản thân.

Nhìn nhận đây là một mô hình hay nhưng đại diện Sở GDĐT TPHCM cũng chỉ ra để triển khai đại trà ở tất cả các nhà trường ở TPHCM là một khó khăn lớn với hàng loạt lý do như Trường chuyên Lê Hồng Phong đã từng gặp phải. Đặc biệt, khi mỗi lớp học đều có sĩ số đông thì việc để tổ chức các lớp học động như trên còn thách thức gấp bội. Giải pháp hiện nay được các trường THPT ở TPHCM và tất cả các trường phổ thông trên toàn quốc thực hiện đó là quy định tổ hợp môn cứng từ 3-4 môn rồi cho học sinh chọn lựa. Điều này sẽ dẫn đến có những môn học sinh không thích nhưng vẫn phải học. Với mục tiêu tạo điều kiện cho học sinh phát triển tối đa năng lực cá nhân mà Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đang hướng tới, Sở GDĐT TPHCM đang yêu cầu các trường tìm giải pháp để từng bước thực hiện mô hình này.

Trong khi đó, nhiều nhà trường hiện nay đã linh hoạt các giờ học trải nghiệm cho học sinh tại không gian bảo tàng, các di tích lịch sử… để học sinh được học tập gắn với thực tế, thay đổi không gian lớp học sống động giúp các em hào hứng hơn. Không những thế, ngay trong chính ngôi trường các em đang theo học, những lớp học mở cũng có thể sôi nổi diễn ra tại hội trường, phòng thể chất khi học môn Toán, học tại sân cỏ ngoài trời trong tiết học Ngữ văn, học Tiếng Anh trong vườn trường với chủ đề cuộc sống quanh ta… Đặc biệt, những tiết học này có thể mời phụ huynh học sinh, các giáo viên khác cùng tham dự để giúp cha mẹ hiểu hơn về phương pháp giảng dạy của giáo viên, tận mắt thấy sự tương tác của con với bạn cùng lớp, qua đó hỗ trợ việc học tại nhà tốt hơn.

Theo bà Lâm Hồng Lãm Thúy - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GDĐT TPHCM, ngành giáo dục thành phố khuyến khích các trường tổ chức tiết học mở với nhiều hình thức khác nhau. Đây là cách nhanh, phù hợp, gần gũi nhất để phụ huynh tiếp cận, hiểu hơn về Chương trình GDPT 2018. Khi phụ huynh đồng hành với nhà trường sẽ giúp đạt mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Phụ huynh vào trường sẽ hiểu hơn và tăng niềm tin với thầy cô, từ đó hoạt động nhà trường tốt hơn - đó cũng là mục tiêu thúc đẩy trường học hạnh phúc.

Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT chỉ ra để đổi mới thành công, từ phía các cơ quan quản lý cũng cần quan tâm đến việc bổ sung đội ngũ đảm bảo triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, tập huấn bồi dưỡng về kiến thức, phương pháp dạy học mới… cho các thầy cô đã và đang công tác, mạnh dạn học hỏi và nghiên cứu, áp dụng các mô hình lớp học tiên tiến như lớp học mở vào thực tế của địa phương mình, trường mình, lớp mình. Khắc phục điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn tại những vùng khó khăn để đảm bảo công bằng giáo dục cho mọi học sinh.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khuyen-khich-lop-hoc-mo-10295353.html