Cú hích nào để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo

PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với PV báo Tiền Phong về cơ chế, giải pháp cấp thiết để tháo gỡ điểm nghẽn nguồn nhân lực cũng như chính sách thúc đẩy đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Cần chính sách đặc thù

Nhân lực vẫn là một trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay. Qua giám sát thực tế, ông thấy trong giáo dục đào tạo hiện nay vấn đề nhân lực còn những điểm yếu, thiếu, nghẽn ra sao?

Trước hết, phải khẳng định từ trước đến nay nguồn nhân lực luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt coi trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, tương lai dân tộc nằm ở con người nên việc đầu tiên cần làm đó chính là xóa mù chữ, diệt “giặc” dốt trên diện rộng, để người dân có kiến thức văn hóa căn bản. Trong các cuộc kháng chiến gian khó, các thế hệ sinh viên vẫn được tạo điều kiện đến trường; nhiều sinh viên được Nhà nước cử ra nước ngoài học tập. Nhờ đó, khi đất nước hòa bình, chúng ta có sẵn nguồn nhân lực ở các lĩnh vực, đáp ứng giai đoạn phát triển vừa qua.

PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội. (ảnh: Như Ý)

PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội. (ảnh: Như Ý)

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, một phần cũng do có sự đóng góp nguồn nhân lực này. Nói như vậy để thấy nguồn nhân lực ở giai đoạn nào đều đóng vai trò quan trọng.

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài phát biểu rất quan trọng với ngành Giáo dục, trong đó đưa ra nhiều quan điểm nhận được sự đồng tình cao. Đó là: “Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, trong đó cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực quyết định cơ hội phát triển của mỗi nước được xác định là cốt lõi”.

Đất nước chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với đặc điểm khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, tạo ra ưu thế cạnh tranh cho các quốc gia và chất lượng nguồn nhân lực càng đóng vai trò quan trọng. Do đó, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao là nhiệm vụ rất cấp thiết.

Thực tế hiện nay, lực lượng lao động của nước ta có tỷ lệ qua đào tạo thấp, trong khi thị trường lao động phát triển và thay đổi nhanh, nhiều lĩnh vực mới xuất hiện, đòi hỏi lao động được đào tạo chuyên sâu, có trình độ cao như trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn… Chất lượng nguồn nhân lực yếu, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề, có trình độ cao là thực tế và là điểm nghẽn như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra, đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp trước mắt và lâu dài. Cái gì có thể làm được ngay phải làm ngay, như đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Để có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, Nhà nước cần thể hiện rõ vai trò trong công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động, định hướng người học, phát triển các dịch vụ đào tạo, đồng thời nhanh chóng có chính sách thu hút người tài ở các lĩnh vực mới.

Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên, thu hút nguồn nhân lực tốt hơn nữa, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn…; tranh thủ nhân lực từ các quốc gia phát triển. Muốn vậy phải có chính sách đặc thù, đặc biệt trong các lĩnh vực này, tuy nhiên khi xây dựng chính sách phải đảm bảo sự tương quan với các lĩnh vực khác.

Nhân lực phải đi trước một bước

Nguồn nhân lực có chất lượng còn thiếu và yếu như hiện nay nguyên nhân là do đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu hay vì lẽ khác, thưa ông?

Tôi cho rằng, chất lượng giáo dục phổ thông ở nước ta tương đối tốt; cần tiếp tục thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới và bảo đảm tốt hơn cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Mục tiêu của Chương trình là phát triển con người toàn diện. Chiến lược “bình dân học vụ số” được Tổng Bí thư đề cập cũng là yêu cầu trang bị kiến thức tin học, chuyển đổi số từ sớm cho học sinh phổ thông để các em có nền tảng, thích nghi và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thời đại số. Có chính sách, chiến lược từ sớm để hỗ trợ công dân bắt kịp, đáp ứng các yêu cầu hiện nay.

Còn giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học có nhiều mặt được đánh giá còn tụt hậu so với các quốc gia phát triển trên thế giới.

Tôi cho rằng, đối với giáo dục đại học, trong điều kiện nguồn lực hạn chế, cần tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành như khoa học cơ bản, khoa học công nghệ, khoa học sức khỏe, công nghệ sinh học, khoa học nhân văn, sư phạm… Tập trung xây dựng phát triển các đại học quốc gia, đại học vùng như các nghị quyết đã nêu. Cần hoàn thiện chính sách về tiền lương để thu hút giáo viên giỏi; đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm hiện đại, tạo môi trường làm việc tốt cho giảng viên. Trong giáo dục, người thầy giỏi là yếu tố quyết định thành công, do đó xây dựng đội ngũ nhà giáo giỏi, tâm huyết là điều kiện cơ bản nhất để nâng cao chất lượng đào tạo.

Phóng viên báo Tiền Phong phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh. (ảnh: Như Ý)

Phóng viên báo Tiền Phong phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh. (ảnh: Như Ý)

Giáo dục nghề nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực hiện nay, tuy nhiên, công tác phân luồng còn bất cập, chất lượng đào tạo ở một số lĩnh vực còn hạn chế. Trong bối cảnh hiện nay, giáo dục nghề nghiệp cần tiếp cận theo hướng xây dựng hệ thống dịch vụ đào tạo nghề phong phú, đang dạng, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người học và thị trường lao động. Cần dự báo tốt hơn nhu cầu thị trường lao động để có định hướng phù hợp.

Việc phân luồng học sinh sau THCS cần được thay đổi, không nên thực hiện theo cách phân bổ chỉ tiêu cơ học mà phải dựa trên việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp để thu hút người học; đồng thời, cung cấp thông tin dự báo về yêu cầu, cơ hội nghề nghiệp, việc làm trong tương lai để người học lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp với năng lực, sở trường bản thân. Vai trò dự báo, quản lý, điều phối này thuộc về cơ quan quản lý nhà nước.

Từ phương diện quốc gia, nếu có sự đầu tư bài bản, xây dựng được một lực lượng lao động chất lượng cao, chúng ta đáp ứng được đầy đủ nhu cầu về nhân lực. Do đó, đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là chất lượng đội ngũ nhà giáo, là nhiệm vụ rất cấp thiết và quan trọng, cần phải đi trước một bước.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, ông cho rằng cần cú hích, bước ngoặt nào để thoát khỏi sự ì ạch như những năm qua?

Giáo dục là một quá trình thống nhất, từ giáo dục mầm non đến đại học và sau đại học, không thể xem nhẹ giai đoạn nào. Thực tế hiện nay, lương giáo viên mầm non đang thấp nhất trong khi đây là công việc có tính đặc thù, vất vả.

Dự thảo Luật Nhà giáo đã đưa vấn đề ưu tiên xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương và đề xuất chính sách đặc thù, ưu tiên đối với giáo viên mầm non, giáo viên công tác ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Quá trình đổi mới của đất nước nói chung và đối với giáo dục và đào tạo nói riêng đặt ra nhiều yêu cầu với đội ngũ nhà giáo, vừa nâng cao chất lượng, phát triển về số lượng, bảo đảm về cơ cấu. Yêu cầu cao, đòi hỏi cấp bách nhưng để đạt được mục tiêu một cách bền vững đòi hỏi phải rất kiên trì, vì đào tạo nhân lực là cả một quá trình, không thể ngày một, ngày hai. Giải pháp hiện nay vẫn là phải tăng cường bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, hướng dẫn giáo viên thay đổi phương pháp dạy dạy học. Bên cạnh đó, có chính sách để thu hút người giỏi vào làm công tác giảng dạy và tạo điều kiện để họ yên tâm làm nghề, dành hết tâm huyết dạy học.

Cái khó hơn hiện nay vẫn nằm ở chất lượng đội ngũ giảng viên và giáo viên đại học và dạy nghề. Ở bậc đại học đòi hỏi giảng viên phải là các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực đó. Thời gian qua, đã có nhiều nhà giáo, chuyên gia giỏi, tâm huyết, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tôi nghĩ rằng, cần tạo môi trường để các nhà giáo phát triển tối đa năng lực bản thân, có điều kiện nghiên cứu, trao đổi kiến thức trong phạm vi quốc gia, quốc tế. Trong đó, các lĩnh vực quan trọng như khoa học kỹ thuật, khoa học cơ bản… cần phải được đầu tư các phòng thí nghiệm tân tiến, hiện đại; đồng thời có chính sách tốt để giữ chân, thu hút người giỏi; giao quyền tự chủ lớn hơn cho các cơ sở giáo dục đại học để chủ động chăm lo cho chính sự phát triển của đơn vị.

Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế đặc biệt hiệu quả để thu hút nhân tài, nhân lực ở nước ngoài về làm việc trong các lĩnh vực mũi nhọn.

Cảm ơn ông!

Nguyễn Hà (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cu-hich-nao-de-nang-cao-chat-luong-doi-ngu-nha-giao-post1695089.tpo