KHUYẾN KHÍCH XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH: CẦN THÊM CHÍNH SÁCH THU HÚT NGUỒN LỰC VÀ QUY RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN THAM GIA

Đóng góp vào việc khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm: Trong dự án Luật cần có quy định, chính sách cụ thể nhằm thu hút nguồn lực cũng như nâng cao trách nhiệm quản lý của các địa phương, tổ chức, cá nhân tham gia công tác này một cách rõ ràng.

Tại Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội là khuyến khích xã hội hóa công tác phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, để thực hiện tốt việc làm này thì trong dự án Luật cần có quy định, chính sách cụ thể nhằm thu hút nguồn lực cũng như nâng cao trách nhiệm quản lý của các địa phương, cơ quan, ban ngành, tổ chức, cá nhân tham gia vào xã hội hóa công tác phòng chống bạo lực gia đình...

Bộ trưởng Bộ Văn hóa –Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, hạnh phúc cũng như sự nghiêm túc, chủ động của Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước và cam kết quốc tế đã tham gia.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Sau gần 15 năm thực hiện, Luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình. Các cấp ủy, tổ chức Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiều địa phương tổ chức triển khai các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình sáng tạo, năng động, phát huy hiệu quả tốt cũng như huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Trong những năm qua, đã có một số cá nhân, tổ chức xã hội tham gia đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng. Việc khuyến khích sự tham gia của cá nhân, tổ chức này sẽ bổ sung nguồn lực rất lớn cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, Luật hiện hành chưa có quy định khuyến khích, hỗ trợ để sự tham gia này có hệ thống và bền vững.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa –Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, trong dự án Luật cần bổ sung mới quy định về “Bảo vệ, hỗ trợ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác vụ việc bạo lực gia đình” (Điều 39 Dự thảo). Việc bổ sung này nhằm khắc phục bất cập thời gian qua người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình bị người có hành vi bạo lực gia đình xâm hại đến sức khỏe, danh dự, làm thiệt hại về tài sản, thậm chí đã có trường hợp bị chết khi ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình. Quy định về biện pháp bảo vệ, hỗ trợ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, người báo tin, tố giác bạo lực gia đình nhằm khuyến khích xã hội hóa nguồn nhân lực tham gia phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh bày tỏ ý kiến tại Phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh bày tỏ ý kiến tại Phiên họp.

Nêu quan điểm về vấn đề xã hội hóa công tác phòng chống bạo lực gia đình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi có nhiều khó khăn về nguồn lực đối với công tác phòng chống bạo lực gia đình thì việc huy động các nguồn lực trong nước là rất cần thiết để duy trì các thành quả hiện có cũng như nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống bạo lực gia đình và các công tác khác có liên quan khác trong thời gian tới. Vì vậy, cơ quan soạn thảo dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định để thu hút, tăng cường nguồn lực thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các địa phương và tăng sự tham gia, đóng góp của xã hội, cộng đồng và cá nhân trong công tác phòng chống bạo lực gia đình.

Đề cập chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác phòng chống bạo lực gia đình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật làm rõ hơn về nội dung này như tổ chức chính trị xã hội xem xét có cần hỗ trợ để huy động nguồn lực, cơ chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị và điều kiện bảo đảm phòng chống bạo lực cần được nói rõ hơn. Ngoài ra, hiện nay, Hội Phụ nữ ở nhiều địa phương đang thực hiện mô hình “Ngôi nhà bình yên”, “Nhà an toàn” để đảm bảo an toàn cho người đứng ra tố giác các hành vi bạo lực gia đình hay người bị bạo lực gia đình. Đây là mô hình rất hay nên cần được tăng cường, đặc biệt là nêu cao trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ ở địa phương đối với việc thực hiện và quản lý mô hình này.

Để khuyến khích xã hội hóa công tác phòng chống bạo lực gia đình hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kêu gọi các tổ chức chính trị - xã hội nghiên cứu thêm là cần thiết có quy định gì trong vấn đề kêu gọi xã hội hóa, đầu tư cơ sở vật chất. Ví dụ như các nhà chùa nuôi bao nhiêu người bị bỏ rơi hoặc là bị bạo hành, bạo lực gia đình thì cần chính sách như thế nào đối với vấn đề xã hội hóa. Một nhà hảo tâm nào đó đầu tư vào việc xây ngôi nhà an toàn, ngôi nhà tình thương, tổ tư vấn cộng đồng cần có quy định như thế nào. Các quy định, chính sách và trách nhiệm trong việc khuyến khích xã hội hóa công tác phòng chống bạo lực gia đình cần được đề cập rõ ràng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm về vẫn đề khuyến khích xã hội hóa công tác phòng chống bạo lực gia đình.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm về vẫn đề khuyến khích xã hội hóa công tác phòng chống bạo lực gia đình.

Kết luận về nội dung cho ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Qua thảo luận, Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm cao của cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra; dự án Luật đã tiếp cận nhiều vấn đề mới; đồng thời tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, định nghĩa, nội hàm câu từ, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác hiện hành. Quy định rõ hơn về phát hiện và xử lý để đảm bảo yêu cầu về phòng và chống bạo lực gia đình; về hành vi bạo lực đối với người đã ly hôn; việc quyết định các biện pháp khẩn cấp kịp thời, tin báo tố giác; nhiệm vụ của Công an xã; quy định về hình thức thông tin, giáo dục; về kỹ thuật, nguyên tắc và văn phong của Luật.

Đặc biệt, ý kiến toàn diện, sâu sắc của Chủ tịch Quốc hội, việc sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình khẳng định sự quan tâm rất lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với những vấn đề phát sinh từ thực tiễn; đồng thời yêu cầu cần đánh giá tác động, tính khả thi; nhận diện đầy đủ hơn các hành vi, đối tượng bạo lực gia đình; yêu cầu rà soát, làm rõ hơn 3 nhóm vấn đề, trong đó có vấn đề khuyến khích xã hội hóa; làm sâu sắc hơn việc đảm bảo nguyên tắc quyền con người, quyền công dân; quy định về vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội. Cùng với ý kiến trao đổi của lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các Bộ: Lao động, Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng ban soạn thảo dự án Luật thay mặt Chính phủ đã giải trình các ý kiến tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất 5 nội dung như sau:

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Phiên họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Phiên họp.

Thứ nhất: Các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết xây dựng dự án Luật, đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá đầy đủ từng vấn đề, nội dung nào hạn chế thuộc về quy định của Luật, hay do tổ chức thực hiện để có định hướng sửa đổi cho trúng, cho đầy đủ.

Thứ hai: Về phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật phải bao quát được vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới; khắc phục được những hạn chế, vướng mắc của các quy định pháp luật. Bảo đảm việc sửa đổi Luật lần này góp phần tốt hơn việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ ba: Việc sửa đổi luật lần này bảo đảm tính khả thi của các quy định, kịp thời bảo vệ người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Thúc đẩy xã hội hóa, tăng cường sự đóng góp và tham gia của toàn xã hội, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng chống bạo lực gia đình.

Thứ tư: Giao Ủy ban Xã hội tiếp tục thẩm tra dự án Luật này, Thường trực Ủy ban Xã hội chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan để tiếp thu đầy đủ, thấu đáo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi góp ý vào dự án Luật. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phản biện vào dự án Luật này.

Thứ năm: Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm chất lượng khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ Ba cho ý kiến vào tháng 5/2022./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=64190