Khuyến nghị hỗ trợ người nghèo trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Trong mùa hè năm nay, biến đổi khí hậu phần nào là nguyên nhân khiến nắng nóng cao điểm và các hiện tượng thiên tai khắc nghiệt diễn ra tại nhiều nơi trên khắp châu Á, trong đó có Việt Nam. Và những người dễ tổn thương nhất trong tình cảnh này là những người nghèo, theo The Guardian.

Tháng 4 vừa qua đã ghi nhận nhiều đợt nắng nóng kỷ lục tại Thái Lan, Myanmar, Lào, Việt Nam, Trung Quốc và Nam Á.

Ngày 26/4 vừa qua, bốn trạm thời tiết ở Myanmar ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục hàng tháng. Trong đó trạm Theinzayet, ở bang Mon phía đông, có mức nhiệt cao nhất 43 độ C.

Chính quyền Thái Lan hồi tháng 4 cũng đã khuyến cáo người dân ở Bangkok và các khu vực khác trên đất nước nên ở nhà để tránh bị ốm. Nhiệt độ đạt 42 độ C ở thủ đô và chỉ số cảm giác nóng lên tới 54 độ C.

Ở Philippines, đối phó với nắng nóng là một thách thức đặc biệt vì học sinh phải học bù trong hè vì bị dời lịch do dịch Covid-19 trước đó. Hàng trăm trường học đã chuyển sang hình thức học từ xa để giảm thiểu nguy cơ học sinh bị ốm.

Trong tháng 4, Việt Nam cũng ghi nhận một số điểm nóng từ 41 độ đến 42 độ C ở các tỉnh như: Sơn La, Nghệ An. Trong 4 tháng đâu năm, Tây Bắc Bộ và miền Trung đã xuất hiện 3 đợt nắng nóng diện rộng nhưng đã có tới 2 đợt ghi nhận những giá trị nắng nóng vượt mức kỷ lục so với cùng kỳ các năm trước.

Việt Nam ghi nhận nắng nóng gay gắt trong mùa hè năm nay. Ảnh: VOV.

Việt Nam ghi nhận nắng nóng gay gắt trong mùa hè năm nay. Ảnh: VOV.

Trên toàn cầu, năm 2022 được xếp hạng là một trong những năm nóng nhất từng được ghi nhận. Tiến sĩ Fahad Saeed, ngươi phụ trách khu vực Nam Á và Trung Đông tại Viện chính sách khoa học khí hậu Climate Analytics, cho biết: "Nắng nóng không phải là điều xa lạ đối với khu vực này nhưng nhiệt độ đang tăng vượt quá giới hạn thích ứng của con người. Những người nghèo nhất sẽ bị tổn thương nhiều nhất. Đặc biệt, nắng nóng đang gây nhiều hệ lụy cho nông dân, những người sống phụ thuộc vào nông nghiệp hoặc đánh bắt cá".

Deepshikha Sharma, một nhà nghiên cứu về khí hậu cho biết: "Biến đổi khí hậu do con người gây ra là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng và mức độ ngày càng tăng của các đợt nắng nóng dữ dội mà chúng ta đang chứng kiến trên khắp châu Á. Những điều này báo hiệu thực tế rằng tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang diễn ra ngay tại đây".

Đối với Việt Nam, báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam do Nhóm Ngân hàng Thế giới công bố tháng 7 năm ngoái cũng đã dự đoán nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới một triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.

Ông Sharma đang kêu gọi giảm lượng khí thải nhanh chóng hơn và tăng cường đầu tư để giúp các khu vực thích ứng với tình hình mới. Tại Việt Nam, Ngân hàng thế giới cũng đưa ra khuyến nghị rằng để bảo vệ các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất trước giá năng lượng tăng cao và gián đoạn việc làm trong quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp, Việt Nam sẽ cần đẩy mạnh các chương trình khuyến khích khu vực tư nhân áp dụng những công nghệ sạch hơn và tạo thuận lợi cho dịch chuyển lao động.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/khuyen-nghi-ho-tro-nguoi-ngheo-trong-no-luc-chong-bien-doi-khi-hau-tai-viet-nam-2023091217000543.htm