Khuyến nghị về Quyền con người trong lĩnh vực lao động - xã hội
Chiều 8/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì tổ chức Hội thảo cập nhật tình hình thực hiện Khuyến nghị về Quyền con người trong lĩnh vực lao động - xã hội theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.
Quang cảnh hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà khẳng định: Hội thảo được tổ chức vào dịp Việt Nam đã trúng cử trở thành 1 trong 14 thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 tại Mỹ ngày 11-10-2022, đồng thời, kỷ niệm 74 năm Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền (10/12/1948 - 10/12/2022). Với ý nghĩa sâu sắc như vậy, nhằm củng cố những chính sách, nỗ lực và thành tựu trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trong lĩnh vực lao động - xã hội, những phần trao đổi hiệu quả, ý nghĩa tại hội thảo sẽ đóng góp vào công tác bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ tổng quan về UPR chu kỳ III, khởi động tiến trình xây dựng Báo cáo UPR chu kỳ IV. Theo đó, vào tháng 1-2019, trong khuôn khổ Khóa họp 41 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã diễn ra phiên họp thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR). Việt Nam đã chấp thuận 241 trong tổng số 291 khuyến nghị nhận được.
Đã đi được hơn nửa chặng đường của UPR chu kỳ III, trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp, nhất là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội cũng như việc thụ hưởng quyền con người, Việt Nam đã nỗ lực và thực hiện 80,9% các khuyến nghị đã chấp thuận với nhiều kết quả nổi bật. Việt Nam ghi dấu nhiều thành tựu ấn tượng so với các nước trong khu vực trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở lĩnh vực lao động, xã hội và bình đẳng giới, phòng, chống mua bán người.
Trong tiến trình hướng tới công tác tổng kết việc thực hiện các khuyến nghị UPR của chu kỳ III và tham gia Cơ chế UPR chu kỳ IV vào năm 2024, cụ thể trong lĩnh vực lao động - xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị chia sẻ về việc thực hiện các khuyến nghị của Cơ chế UPR chu kỳ III, xác định những khó khăn, thách thức, rút kinh nghiệm, nhằm củng cố các nỗ lực trong thời gian tới, đóng góp vào tiến trình xây dựng Báo cáo quốc gia về Cơ chế UPR chu kỳ IV.
Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói riêng cũng như Việt Nam nói chung đã và đang nỗ lực thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc các khuyến nghị theo Cơ chế UPR chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Đây đồng thời cũng là bước triển khai tầm nhìn, đường lối, chiến lược phát triển toàn diện đất nước với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Báo Hànôịmới