Kịch bản nào cho thị trường vàng nửa cuối năm 2023
Hội đồng vàng thế giới (WGC) chỉ ra 3 kịch bản đối với thị trường vàng trong nửa cuối năm 2023. Đồng thời khuyến nghị các nhà đầu tư không nên từ bỏ vàng vì hiệu suất bất đối xứng của kim loại quý này sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng thời gian tới.
Theo Báo cáo về tình trạng vàng toàn cầu trong nửa đầu năm 2023 và dự đoán xu hướng trong khoảng thời gian sắp tới của Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council - WGC) mới phát hành, 24% ngân hàng trung ương có kế hoạch bổ sung thêm vàng vào kho dự trữ trong 12 tháng tới, 71% ngân hàng trung ương được khảo sát tin rằng, mức dự trữ toàn cầu nói chung sẽ tăng trong 12 tháng tới.
"Mặc dù nền kinh tế sẽ tránh được một cuộc suy thoái trong ngắn hạn, nhưng các nhà đầu tư vẫn lo ngại về một cuộc hạ cánh khó khăn có thể sẽ diễn ra, dựa trên sự chênh lệch quan sát được trước đó giữa chính sách tiền tệ và hiệu quả kinh tế", báo cáo nêu.
Trong bối cảnh đó, WGC xem xét hoạt động của vàng theo 3 kịch bản, ảnh hưởng bởi sự tương tác của bốn động lực chính gồm sự mở rộng của nền kinh tế, rủi ro, chi phí cơ hội và quán tính giá.
Kịch bản 1 được WGC đưa ra là bất chấp lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, vàng có thể vẫn được ưa chuộng vào năm 2023, do USD suy yếu, lợi suất trái phiếu ổn định.
Kịch bản 2, nếu tình hình suy thoái kinh tế trở nên nghiêm trọng hơn, vàng sẽ có hiệu suất tốt hơn nhờ vai trò của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh khả năng biến động thị trường đang gia tăng cùng với nhu cầu tránh rủi ro của nhà đầu tư.
Kịch bản 3 là thị trường vàng có thể phải đối mặt với khó khăn nếu ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ nhiều hơn dự đoán, làm tăng chi phí cơ hội khi trữ vàng.
Thời gian tới, về khía cạnh nhà đầu tư, WGC cho rằng, khi nhà đầu tư đánh giá các tình huống kinh tế có thể xảy ra trong thời gian còn lại của năm 2023, họ có thể cân nhắc các chiến lược phòng thủ trong việc phân bổ tài sản.
Một cách tiếp cận phổ biến là chuyển một phần các khoản đầu tư có tính thanh khoản trên thị trường sang các kênh thuần tính phòng thủ để hạn chế thiệt hại.
"Phân tích của chúng tôi cho thấy, các chiến lược phân bổ tài sản - bao gồm vàng, thay vì chỉ dựa trên các các kênh thuần tính phòng thủ, đã cải thiện được lợi nhuận trong vòng 25 năm qua cho các nhà đầu tư", WGC đánh giá.
Trên thị trường thế giới, tuần trước, vàng kết thúc chuỗi 3 tuần giảm giá liên tiếp với mức hỗ trợ trên 1.900 USD/ounce khi báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tăng trưởng việc làm tại nước này giảm tốc vào tháng 6, khiến thị trường lao động yếu đi một phần.
Mức tăng không đủ lớn để giúp kim loại quý này lấy lại ngưỡng 2.000 USD/ounce. Dù vậy, giới chuyên gia vẫn cho rằng đó là kết quả tích cực và đưa ra dự báo vàng sẽ còn tiếp tục tăng trong tuần này.
Trong 19 nhà phân tích Phố Wall tham gia vào cuộc khảo sát giá vàng của Kitco, 10 nhà phân tích (53%) dự báo vàng tăng; chỉ 5 nhà phân tích (26%) cho rằng giá sẽ giảm và 4 nhà phân tích (21%) dự đoán giá đi ngang.
Với 483 phiếu đã được bỏ ở cuộc thăm dò trực tuyến, 182 người được hỏi (38%) cho rằng vàng tăng trong tuần này; 181 người khác (37%) dự đoán giá sẽ giảm; 117 người (24%) giữ ý kiến trung lập.
Chiến lược gia hàng hóa Ole Hansen tại Saxo, một ngân hàng chuyên về đầu tư của Đan Mạch cho biết ông đang lạc quan về vàng khi thị trường kết thúc tuần này trên một ngưỡng kháng cự quan trọng, ngay cả khi lãi suất trái phiếu 10 năm bị đẩy lên trên 4%.
Tại thị trường trong nước, kết thúc tuần vừa qua (3/7-8/7), giá vàng miếng SJC được các cửa hàng lớn tại Hà Nội niêm yết ở 66,45-67,15 triệu đồng/lượng (mua - bán). Chênh lệch giữa 2 chiều được nới từ mức 600.000 đồng lên 700.000 đồng.
Biên độ dao động của vàng không lớn. Mỗi chiều tăng 50.000 đồng/lượng sau một tuần giao dịch.