Kích cầu tiêu dùng, tạo động lực tăng trưởng
Với mục tiêu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh trên 8% vào năm 2025, Sở Công Thương tỉnh chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển hoạt động kinh doanh, kích cầu tiêu dùng.

Nhân viên Bưu điện Việt Nam phối hợp với hộ trồng mận Phiêng Khoài Livestream giới thiệu, bán trực tuyến sản phẩm mận hậu.
Tạo đà tăng trưởng
Hạ tầng thương mại của tỉnh không ngừng phát triển, gồm: 90 chợ truyền thống, 1 trung tâm thương mại, 4 siêu thị tổng hợp, 34 siêu thị điện máy, điện thoại thuộc chuỗi thương hiệu Thế giới di động, FPTshop, Mediamart, 19 siêu thị mini thuộc chuỗi thương hiệu Winmart+, 181 cửa hàng xăng dầu.
Từ đầu năm đến nay, sở Công Thương triển khai nhiều chương trình, giải pháp kích cầu; chủ động tham gia các chiến dịch quy mô quốc gia, như “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia” và “Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday”; xác nhận đăng ký tổ chức 12 hội chợ triển lãm thương mại, tạo sân chơi cho doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, thu hút người tiêu dùng. Tiếp nhận 730 hồ sơ thông báo hoạt động khuyến mại từ các doanh nghiệp với các chương trình giảm giá, tích điểm, tặng quà, phiếu mua hàng, bán hàng đồng giá, đến các chính sách ưu đãi riêng cho khách hàng thành viên hoặc mua sắm trực tuyến.
Hệ thống Siêu thị Điện máy Xanh Sơn La có hơn 10 cửa hàng ở các huyện, thành phố, triển khai nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn, kích cầu tiêu dùng. Anh Trương Công Phú, quản lý cửa hàng Điện máy Xanh phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, cho biết: Các chương trình khuyến mãi đa dạng, ưu đãi trực tiếp về giá, chính sách trả góp 0%, miễn phí lắp đặt, giao hàng tận nhà... Bên cạnh đó, cửa hàng có ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng mua sắm trực tuyến. Nhờ vậy, tiêu dùng tăng trưởng khá.
Sở Công Thương còn chú trọng nâng cao năng lực thực chất cho doanh nghiệp, HTX bằng hoạt động hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, đào tạo kỹ năng bán hàng trực tuyến, giúp doanh nghiệp tiếp cận các chương trình kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm, mở rộng thị trường. Đồng thời, triển khai hiệu quả chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; xây dựng các điểm bày bán, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các địa phương trong tỉnh, giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ.

Sở Công Thương phối hợp với Bưu điện Việt Nam khảo sát vườn để tổ chức phiên Megalive về xoài Yên Châu.
Bà Lê Hương Mơ, Phó Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc, cho biết: Tại Ngày hội hái mận, huyện Yên Châu đã phối hợp với Sở Công Thương, Bưu điện Việt Nam tổ chức phiên Megalive để quảng bá mận hậu Phiêng Khoài qua mạng xã hội, là một sự hỗ trợ hết sức thiết thực. Hoạt động, giúp các HTX, nông dân trồng mận Phiêng Khoài quảng bá hiệu quả sản phẩm, phát triển kinh doanh thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ. Chúng tôi mong muốn, có thêm nhiều chương trình hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm hiệu quả như vậy trong tương lai.
Hoạt động tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đang phục hồi, phát triển tích cực, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 4 tháng đầu năm 2025 đạt trên 17.206 tỷ đồng, tăng 13,32% so với cùng kỳ. Đây là những tín hiệu lạc quan, hứa hẹn tiếp tục tạo đà tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2025.
Bảo vệ người tiêu dùng
Song song với các hoạt động kích cầu, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được Sở Công Thương Sơn La đặt lên hàng đầu, nhằm tạo lập môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch. Trong 4 tháng đầu năm 2025, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại không phát sinh điểm nóng. Tuy nhiên, các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với một số mặt hàng, như: Bánh kẹo, mỹ phẩm vẫn còn tiềm ẩn.

Giới thiệu sản phẩm nông sản Mộc Châu với du khách.Ảnh: PV
Sở Công Thương đã theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh triển khai các giải pháp bình ổn giá, tạo điều kiện thuận lợi kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; ký cam kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh không kinh doanh buôn bán hàng cấm, hàng giả, kém chất lượng, xử lý nghiêm những trường hợp ký cam kết nhưng vẫn vi phạm. Chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin công khai về hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra 181 vụ, xử lý 148 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 822 triệu đồng, hàng hóa tịch thu, tiêu hủy trên 440 triệu đồng.
Phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2025 tăng trưởng 18%, Sở Công Thương tập trung tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX. Với các giải pháp chủ yếu: Giảm chi phí lưu thông hàng hóa Việt về nông thôn, miền núi; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thực chất, ưu tiên hàng Việt; hỗ trợ xây dựng thương hiệu; ứng dụng chuyển đổi số trong thương mại qua việc phát triển các nền tảng trực tuyến, đào tạo kỹ năng bán hàng hiện đại...
Ông Nguyễn Đình Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Đồng hành với doanh nghiệp, HTX, ngành tổ chức các lớp tập huấn cho doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kỹ năng bán hàng trực tuyến, livestream bán hàng, xây dựng gian hàng điện tử và đưa các sản phẩm quảng bá trên các sàn thương mại điện tử: nongsanbuudien.vn; Voso; Tiki; Shopee; Sendo... Kết nối thanh toán không dùng tiền mặt, logistics thông minh, nâng cao trải nghiệm người tiêu dùng. Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Gian hàng trưng bày, giới thiệu nông sản của huyện Sốp Cộp.
Ngành Công Thương phối hợp với các sở, ngành thực hiện các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản, sản phẩm địa phương. Tham gia các chương trình liên kết vùng, hợp tác với các tỉnh lân cận, thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp.
Những nỗ lực kích cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, đang thúc đẩy mạnh mẽ thị trường bán lẻ, tạo đà vững chắc cho tăng trưởng bền vững, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh.