Kích hoạt và kiểm soát dòng tiền

Tốc độ lưu chuyển tín dụng cho thấy chính sách tín dụng đang được sử dụng như một đòn bẩy để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đòn bẩy tăng trưởng

Một điểm mới trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm nay là nới lỏng cơ chế phân bổ hạn mức (room) tín dụng, trao quyền chủ động nhiều hơn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế, kích thích tăng trưởng, thúc đẩy đầu tư, đồng thời áp dụng các công cụ thị trường để kiểm soát rủi ro.

Theo Vụ Dự báo, Thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính (NHNN), đã có hàng trăm TCTD phát sinh dư nợ đối với khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có khoảng 209.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang có quan hệ tín dụng với các TCTD, với các chương trình như: chương trình tín dụng cho DNNVV, chương trình 500.000 tỷ đồng cho vay đầu tư hạ tầng...

Nhà nghiên cứu kinh tế, ông Đinh Trọng Thịnh đánh giá, TTTD năm 2025 không chỉ phản ánh sự nới lỏng chính sách tiền tệ hợp lý của NHNN, mà còn cho thấy niềm tin vào triển vọng kinh tế đang được củng cố, từ đó kích thích nhu cầu vay vốn của người dân và DN.

Cụ thể hơn, hiện Vietcombank đã và đang triển khai 22 chương trình giảm lãi suất cho vay đối với DN và người dân. Bên cạnh tài trợ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, Vietcombank cũng cấp vốn cho các ngành phát triển bền vững và các lĩnh vực ưu tiên, chiếm khoảng 33% tổng dư nợ tín dụng.

6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của VietinBank cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, ước đạt 10% so với cuối năm 2024. Một số NH như PGBank, ABBank đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được NHNN phân bổ từ đầu năm và hiện đang xin cấp thêm. Thực tế này phản ánh rõ nét xu hướng phục hồi và bứt phá của tín dụng, đóng vai trò đòn bẩy quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Tác động đa chiều

TTTD có tác động đa chiều đến thị trường tài chính. Với thị trường chứng khoán, dòng tiền rẻ có xu hướng đổ sang cổ phiếu, nhất là cổ phiếu ngành NH, bất động sản. Lãi suất giảm giúp nhà đầu tư cá nhân có xu hướng chuyển tiền từ gửi tiết kiệm sang cổ phiếu, làm tăng thanh khoản thị trường. Kỳ vọng lợi nhuận từ nhóm ngành NH, bất động sản, sản xuất hàng hóa (những ngành hưởng lợi từ dòng vốn tín dụng) sẽ giúp thị trường tăng điểm.

Với thị trường bất động sản, tăng cấp tín dụng góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn cho thị trường này. Dòng vốn khỏe sẽ giúp thanh khoản thị trường cải thiện, giải phóng hàng tồn kho, hỗ trợ phục hồi ngành xây dựng. Trên thực tế, các TCTD đã chủ động tài trợ các dự án nhà ở xã hội, đô thị thông minh, khu công nghiệp… nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư và xây dựng.

Tại một cuộc họp với Chính phủ, Thống đốc NHNN cho biết và kiến nghị: “Dư nợ bất động sản hiện đạt 3,48 triệu tỷ đồng, nhưng nhiều dự án vẫn còn đang gặp khó khăn. Nếu được tháo gỡ, dòng tiền chảy vào lĩnh vực này sẽ được lưu thông hiệu quả hơn”.

Với lĩnh vực xuất nhập khẩu và sản xuất, mặc dù TTTD ở mức cao, NHNN vẫn giữ vững tỷ giá và đảm bảo thanh khoản ngoại tệ, qua đó hỗ trợ DN xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ hỗ trợ vay vốn, giúp DN tiết kiệm chi phí.

Nhiều gói vay ưu đãi với lãi suất chỉ 3,9%/năm đã được triển khai cho các DNNVV, logistics, công nghiệp chế biến và nông nghiệp công nghệ cao, qua đó giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và góp phần cân bằng cán cân thương mại.

Đóng góp vào an sinh xã hội và tài chính tiêu dùng, các chương trình tín dụng cho người trẻ mua nhà, vay học tập, phát triển nông nghiệp công nghệ cao… đang được giải ngân hiệu quả. Bên cạnh đó, các TCTD cũng đã và đang tài trợ nhiều dự án hạ tầng giao thông, điện, nước, chuyển đổi số, năng lượng xanh... góp phần củng cố nền tảng phát triển dài hạn.

Rủi ro tiềm ẩn

Theo số liệu nghiên cứu, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện thuộc nhóm cao nhất thế giới, là dấu hiệu cảnh báo về rủi ro tài chính hệ thống. Đại diện Tổ chức VIS Rating cho biết, tỷ lệ này đã lên tới 138%, nằm trong nhóm quốc gia sử dụng đòn bẩy tín dụng rất cao.

Chỉ báo này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như lạm phát tăng cao, nợ xấu gia tăng, nguy cơ xuất hiện bong bóng tài sản...

Phát biểu trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, dư nợ tín dụng trên GDP ở mức 134% vào cuối năm 2024. Nếu tiếp tục phụ thuộc vào nguồn vốn từ hệ thống NH, sẽ tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống tài chính và có thể gây hệ lụy cho nền kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng quá nhanh, trong khi vốn chủ sở hữu và hệ số an toàn vốn (CAR) của nhiều NH chưa được nâng lên tương ứng dễ dẫn đến mất thanh khoản. So với khu vực, hệ thống NH Việt Nam vẫn yếu về vốn, hệ số CAR chỉ hơn 12%, ngoại trừ một số NH có vốn chủ sở hữu lớn và hệ số CAR cao, trong khi đang cho vay nhiều vào các lĩnh vực rủi ro.

Gần đây, tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành giảm nhanh, trong khi nợ xấu lại gia tăng. Do đó, cần chú trọng kiểm soát chất lượng tín dụng để đảm bảo hệ thống NH phát triển an toàn, lành mạnh.

Bên cạnh đó, việc chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng, có thể dẫn đến cạnh tranh huy động và cho vay gay gắt giữa các NH, làm bùng phát cuộc đua lãi suất trở lại. Thực tế, một số kênh đầu tư tài sản đang hút dòng tiền, làm tăng nhu cầu vay vốn, các NH buộc phải cạnh tranh lãi suất huy động để đáp ứng nhu cầu vốn vay, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Tình trạng này có thể khiến nợ xấu tăng trở lại như đã từng xảy ra trước đây.

TTTD nóng cũng có nguy cơ khiến dòng vốn “chảy lệch”, nghiêng về các lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản thay vì công nghệ hay đổi mới sáng tạo. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất dài hạn.

Nếu không kiểm soát chặt đường đi của dòng vốn, tiền có thể chảy vào những lĩnh vực rủi ro cao, kéo theo hàng loạt hệ lụy. Trường hợp chủ DN sở hữu chéo NH cũng có thể khiến dòng tiền bị “lệch đường” nếu thiếu giám sát.

TTTD đang trở thành “liều thuốc kích thích” cần thiết để đưa kinh tế Việt Nam vượt khó khăn, hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 8%. Tuy nhiên, nếu sự tăng trưởng về lượng không đi kèm cải thiện về chất, nguy cơ nợ xấu và mất cân đối vĩ mô sẽ tái hiện.

NGUYỄN TIẾN MẠNH

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/kich-hoat-va-kiem-soat-dong-tien-post124427.html