Kích thước bàn ghế nhỏ hơn thể trạng học sinh, 3 Bộ sẽ phối hợp nghiên cứu về nhân trắc học sinh
Bộ trưởng GD&ĐT vừa trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tuyên Quang về nghiên cứu tăng kích thước của bàn, ghế cho phù hợp với thể trạng của học sinh các cấp.
Theo cử tri, hiện nay, bàn ghế đã cấp cho một số khối lớp có kích thước nhỏ hơn thể trạng học sinh theo nhóm tuổi và nhóm lớp. Do đó, cử tri tỉnh Tuyên Quang đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLTBGDĐT-BKHCN-BYT của liên Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Y tế hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học, trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, theo hướng tăng kích thước của bàn, ghế cho phù hợp với thể trạng của học sinh các cấp.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông (Thông tư liên tịch số 26).
Theo đó, Thông tư liên tịch số 26 quy định bàn ghế học sinh được chia thành 06 cỡ số cho học sinh có chiều cao từ 100 cm đến 175 cm; mỗi cỡ số được quy định cụ thể kích thước cơ bản của bàn ghế, cách bố trí bàn ghế trong phòng học, bảo đảm phù hợp với đa số học sinh có chỉ số nhân trắc bình thường.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, hiện nay ở một số địa phương có điều kiện kinh tế phát triển, trẻ em được nuôi dưỡng tốt, cá biệt đã có một số ít học sinh ở cấp trung học phổ thông có chiều cao trên 175 cm, dẫn đến bàn ghế theo quy định tại Thông tư liên tịch số 26 chưa phù hợp với thể trạng của số ít học sinh này.
Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang tổ chức khảo sát, đánh giá thực tế thể trạng học sinh để lựa chọn mua sắm cỡ số bàn ghế cho phù hợp với chiều cao học sinh của địa phương.
Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế nghiên cứu về nhân trắc học sinh, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành điều chỉnh, sửa đổi Thông tư liên tịch số 26 cho phù hợp với thực tế thể trạng học sinh.