KIDO sẽ đầu tư để nắm quyền chi phối tại công ty sở hữu thương hiệu bánh bao Thọ Phát

Ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO (KDC) cho biết, việc đầu tư để nắm quyền chi phối doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Thọ Phát là một trong những chiến lược quan trọng của KIDO trong việc tiếp tục mở rộng danh mục thực phẩm và trở thành một trong những tập đoàn thực phẩm thiết yếu hàng đầu tại Việt Nam.

Sau thời gian dài đàm phán, KIDO và doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Thọ Phát đã chính thức đi đến thỏa thuận chiến lược. Theo đó, KIDO sẽ đầu tư để nắm quyền chi phối tại công ty sở hữu thương hiệu Thọ Phát trong 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, KIDO sẽ đầu tư và mua 25% cổ phần, sau đó nâng lên từ 51-70%.

Lãi quý 4/2022 của KIDO giảm 97% so với cùng kỳ và dòng tiền kinh doanh âm nặng. (Ảnh: Int)

Lãi quý 4/2022 của KIDO giảm 97% so với cùng kỳ và dòng tiền kinh doanh âm nặng. (Ảnh: Int)

Thông qua hoạt động đầu tư và M&A này, KIDO đặt kế hoạch doanh thu cho Thọ Phát cùng với mảng bánh của Tập đoàn KIDO, dự kiến sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận kế hoạch là 200 tỷ đồng năm 2023. Đây là khoản đóng góp quan trọng vào tổng doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch của Tập đoàn trong năm nay, ông Nguyên chia sẻ.

Được biết, Thọ Phát là một thương hiệu hàng đầu về sản xuất bánh bao tại Việt Nam. Thọ Phát hiện tại có hơn 4.000 điểm bán hàng trên các kênh GT, MT & CVS tại Việt Nam với các dòng sản phẩm: Bánh bao (bánh bao ngọt, bánh bao mặn, bánh bao chay, bánh bao không nhân, bánh bao tạo hình…); Bánh giò - Xôi; Bánh nướng - Bánh chiên (Bánh Dorayaki); Dimsum (Há cảo, Hoành thánh, Xíu mại)…

Sở hữu diện tích hơn 22.000 m2, Nhà máy sản xuất Thọ Phát tại TP.HCM được trang bị công nghệ hiện đại với rất nhiều thiết bị sản xuất tự động, được kiểm soát chặt chẽ theo chương trình quản lý chất lượng sản phẩm HACCP Codex, ISO 22000 và ISO 45001, đạt công suất 10.000 tấn sản phẩm cung cấp ra thị trường mỗi năm.

Còn về KIDO, năm 2023 đánh dấu tròn 30 năm kể từ khi gia nhập thương trường, Tập đoàn KIDO được mệnh danh là "ông hoàng" M&A với những thương vụ trị giá cả nghìn tỷ đồng.

Trong đó, KIDO có thế mạnh về quản trị, phát triển thương hiệu, logistics, cùng hệ thống kênh phân phối với 450.000 điểm bán ngành hàng khô, 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh trên toàn quốc…

Và với thế mạnh được cộng hưởng từ Tập đoàn sẽ giúp Thọ Phát nhanh chóng đưa sản phẩm mở rộng ra thị trường Miền Trung, Miền Bắc và xuất khẩu sang các nước trong khu vực và thế giới.

Dù vậy, nhìn về kết quả kinh doanh của KIDO lại kém sắc với lợi nhuận quý 4/2022 giảm 97% so với cùng kỳ về mức 4,9 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp kỷ lục trong vòng 5 năm gần đây của KIDO.

Cả năm 2022, doanh thu Tập đoàn ở mức 12.771,9 tỷ đồng, tăng 19,6% so với năm 2021 nhưng lợi nhuận sau thuế lại ghi nhận giảm 42,7% về còn 374,2 tỷ đồng; mức lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 510,4 tỷ đồng, giảm 25,8% so với 2021.

Đáng chú ý, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của KIDO đang âm hơn 442 tỷ đồng, cùng kỳ đạt âm 20,8 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, chốt phiên ngày 18/4, cổ phiếu KDC đang dừng ở mức 62.100 đồng/cp.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/kido-se-dau-tu-de-nam-quyen-chi-phoi-tai-cong-ty-so-huu-thuong-hieu-banh-bao-tho-phat-1092090.html