Kiểm dịch thực vật đang gây khó cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến

Theo phản ánh của Hội điều Bình Phước: từ đầu năm 2023, cơ quan kiểm dịch thực vật chuyển quy trình - từ lấy ngẫu nhiên 10-20% mẫu sản phẩm, chuyển sang lấy mẫu 100% container hàng hóa, đã gây khó cho hoạt động xuất nhập khẩu. Các DN cho rằng quy trình này không cần thiết, nhất là đối với các sản phẩm hạt điều đã qua xử lý, đóng gói, đóng hộp … ít có nguy cơ bị xâm hại bởi động vật ngoại lai.

Đầu năm 2023 đến nay, cơ quan kiểm dịch thực vật đã thực hiện quy trình lấy mẫu đối với 100% lô sản phẩm điều nhập khẩu tại cảng trước khi cho thông quan. Theo quy trình này, thời gian kiểm dịch – như trước đây trong vòng 24 tiếng, nay tăng lên 3 đến 4 ngày, và vào dịp nghỉ lễ càng lâu hơn. Vì vậy, chi phí quản lý, lưu kho của doanh nghiệp tăng thêm. Chất lượng sản phẩm không tránh khỏi ảnh hường do phải lưu lại kho bãi tạm.

Ở chiều xuất khẩu, 100% lô hàng cũng lấy mẫu ngay tại kho trước khi doanh nghiệp đưa đến cảng. Những doanh nghiệp có nhiều nhà máy phải chờ kiểm tra hết tất cả các cơ sở sản xuất.

Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2, phụ trách 13 tỉnh-thành phía Nam, với 70% lượng hàng xuất nhập khẩu toàn khu vực. Trung bình một nhân viên phải lấy mẫu trên 30 lô hàng/mỗi ngày; nếu hàng lưu tại các kho ngoại quan, nhân viên chỉ có thể lấy mẫu được 1 lô.

Nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị: cơ quan chức năng cần có danh mục sản phẩm hạn chế hoặc bỏ qua khâu kiểm dịch nếu đã qua sơ chế, chế biến sâu, khó bị sinh vật ngoại lai xâm nhập.

Không chỉ sản phẩm điều mà nhiều chế phẩm từ nông sản đang gặp khó bởi quy định kiểm dịch, gây mất thêm nguồn lực của doanh nghiệp. Theo các doanh nghiệp: muốn kích thích gia tăng sản lượng xuất khẩu nông sản Việt, cần giảm bớt quy trình kiểm dịch không cần thiết, chỉ nên kiểm dịch chặt chẽ với sản phẩm có cảnh báo từ thị trường, hoặc đối tác.

Nguyễn Sơn - Hữu Bình

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/kiem-dich-thuc-vat-dang-gay-kho-cho-doanh-nghiep-san-xuat-che-bien-202922.htm