Kiểm định chất lượng giáo dục: Hướng tới kết quả bền vững

Cùng với đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường chuẩn quốc gia, việc duy trì bền vững kết quả này mới là mục tiêu cần hướng tới.

Cô Hoàng Thị Hảo – Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM) và học sinh. Ảnh: Hồ Phúc

Cô Hoàng Thị Hảo – Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM) và học sinh. Ảnh: Hồ Phúc

Bền bỉ theo từng năm học

Năm học 2017 – 2018, Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Cũng từ đây, trường xác định các mục tiêu duy trì hoặc nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, kết quả chăm sóc – giáo dục trẻ theo các tiêu chí một trường chuẩn quốc gia.

Trong thực hiện công tác dạy học, Trường Mầm non Bình Minh chú trọng thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, trong đó tích cực tạo môi trường trong và ngoài lớp phong phú, đa dạng, hấp dẫn trẻ. Nhà trường bố trí các khu vực cho trẻ vui chơi, sinh hoạt, học tập ngoài trời khoa học và phù hợp.

Trong đó, sắp xếp, phân bố khu tập thể dục và khu chơi thể thao, vận động phát triển thể chất; khu vực chơi với đồ chơi ngoài trời. Trường cũng bố trí khu riêng biệt như trò chơi dân gian, phát triển thể chất, khám phá khoa học, trải nghiệm làm bác nông dân, làng nghề truyền thống... Bên cạnh đó, còn có khu vực để trẻ trải nghiệm công việc trồng rau và chăm sóc cây cảnh, cây bóng mát trên sân trường.

Không chỉ vậy, nhằm giúp trẻ thực hành trải nghiệm khám phá môi trường tự nhiên, nhà trường còn sắp xếp khu vực trải nghiệm với đất, cát, nước, đá, sỏi... Tại đây, giáo viên sử dụng ống tre, ống nước, vỏ chai để tạo thành đồ chơi giúp trẻ biết được quy luật nước, các đặc điểm, tính chất của nước, đồng thời khai thác triệt để không gian trước các sảnh lớp học, hành lang, góc cầu thang, sân trường (trước và sau) để tạo môi trường cho trẻ khám phá trải nghiệm, vui chơi, học tập.

Cô Lương Thúy Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh cho biết: “Nhà trường đang chuẩn bị các điều kiện để năm học 2024 – 2025 đăng ký kiểm tra, công nhận lại giai đoạn tiếp theo. Trong đó, có những tiêu chí trong yêu cầu của trường đạt chuẩn đã thay đổi như diện tích/trẻ, diện tích phòng học, nhà vệ sinh, sân chơi… Nhà trường phải đối chiếu, rà soát lại để có giải pháp phù hợp đáp ứng các yêu cầu, nhất là điều kiện cơ sở vật chất”.

Trong 5 năm của chu kỳ được công nhận đạt chuẩn, theo nhận xét của cô Lương Thúy Quỳnh, yêu cầu về chất lượng đội ngũ buộc nhà trường phải thực sự nỗ lực để duy trì.

“Dễ đạt nhất là tiêu chí về chuẩn trình độ đào tạo, vì giáo viên chỉ hoàn thành xong chương trình đào tạo nâng chuẩn là đáp ứng yêu cầu. Thế nhưng, quy định về tỷ lệ 50% số giáo viên phải đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường, 20% đạt giáo viên giỏi cấp quận, huyện trở lên thì buộc Hội đồng sư phạm nhà trường phải phấn đấu đổi mới và nâng cao chất lượng dạy – học trong từng năm học”, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh bày tỏ.

Ngay như đội ngũ nhân viên cấp dưỡng, ngoài chứng chỉ nghề nấu ăn, hằng năm cũng phải đạt ở mức thấp nhất là lao động tiên tiến nên buộc phải không ngừng tìm tòi, học hỏi trong chế biến món ăn…

Tháng 3/2024, cô trò Trường Mầm non Bình Minh tiếp nhận và đưa vào sử dụng công trình trường học được đầu tư xây dựng mới theo hướng hiện đại, đồng bộ với kinh phí gần 30 tỷ đồng.

Trường được đầu tư xây dựng quy mô 12 nhóm lớp, 5 phòng chức năng gồm phòng đa năng, thể chất, âm nhạc, kỹ năng (đầu bếp, lego...), giáo dục liên môn STEM... qua đó tạo điều kiện phát triển tư duy, trí tuệ, thể chất cho trẻ. Nhà trường còn quan tâm phủ xanh trường học để trẻ được hít thở không khí trong lành và chơi trong khuôn viên rộng, thoáng, mát...

 Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Hồ Phúc

Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Hồ Phúc

Quả ngọt từ sự nỗ lực

Năm 2024, Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2. Theo chia sẻ của cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Ngọc, để có được “quả ngọt” như ngày hôm nay là cả quá trình nỗ lực phấn đấu của ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Từ khi đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2018, cũng là thời điểm nhà trường đặt ra mục tiêu xây dựng chuẩn quốc gia mức độ 2. Những năm học vừa qua, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của trường luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được chuẩn hóa, học sinh tích cực tham gia các phong trào thi đua và đạt thành tích ấn tượng, chất lượng giáo dục của trường giữ vững.

Cũng theo cô Ngọc, từ năm 2018 đến nay, Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh đã phối hợp với các ban, ngành địa phương, phụ huynh và đơn vị kết nghĩa chung tay hỗ trợ trường về cơ sở vật chất, cây cảnh hay tổ chức những đợt ra quân dọn dẹp cảnh quan... Điều đáng mừng, phụ huynh hiểu được sự chung tay để có được môi trường học tập tốt nhất cho con em nên đồng lòng ủng hộ.

“Thực hiện lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2, nhà trường không ngừng đầu tư hoàn chỉnh, hiện đại về cơ sở vật chất. Đặc biệt, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cũng như sự ủng hộ nhiệt tình của ban ngành, đoàn thể và phụ huynh đã giúp nhà trường có thêm nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Bên cạnh đó, nhà trường còn bám sát chủ đề năm học, thực hiện tốt kế hoạch, chương trình giáo dục và tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua; tăng cường nền nếp, kỷ cương trong hoạt động dạy và học…”, cô Ngọc cho hay.

Ngoài trang bị cơ sở vật chất phải đảm bảo và hoạt động tốt, Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh cũng duy trì các câu lạc bộ, phòng chức năng hiệu quả chất lượng. Các phong trào hoạt động của nhà trường được tổ chức sôi nổi.

Cùng đó, đội ngũ giáo viên không ngừng nâng cao về trình độ và nghiệp vụ giảng dạy. Đặc biệt, thầy cô luôn nỗ lực nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Từ giáo viên, nhân viên đến học sinh luôn nỗ lực để Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh là lá cờ đầu của ngành GD-ĐT tỉnh Đồng Nai.

“Sĩ số khoảng 1.000 em, nhiều năm nay, nhà trường đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng lên hàng đầu. Ở trường, ngoài học tập các em còn trang bị thêm kỹ năng sống. Đồng thời, giáo viên nâng cao ý thức cho trò trong giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp”, cô Ngọc nhấn mạnh.

Cách đây hơn 4 năm, Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3, TPHCM) đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Cô Bùi Minh Tâm - Hiệu trưởng đánh giá, đạt chuẩn quốc gia đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho nhà trường, song ngay từ đầu cũng đòi hỏi cao về các điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục.

Trong điều kiện đổi mới giáo dục, nhà trường khống chế sĩ số cũng như trang bị cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên theo cô Tâm, để làm được phải có sự đồng thuận cao từ nhà trường, đội ngũ và cha mẹ học sinh, chung tay với các mục tiêu mà trường đặt ra…

Xã hội hóa nhận thức để xã hội hóa nguồn lực

Xây dựng trường chuẩn quốc gia - suy cho cùng là đầu tư cải thiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường học mầm non và phổ thông. Đây là chủ trương đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Công tác xây dựng trường lớp, nhất là các đô thị lớn, đã đạt được những thành tựu quan trọng như đảm bảo chất lượng giáo dục tốt, tổ chức các hoạt động đa dạng phong phú. Cơ sở vật chất trường, lớp được quan tâm, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn, giáo viên dạy giỏi các cấp ngày càng tăng. Tuy nhiên, áp lực sĩ số, diện tích phòng ốc khiến những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn khi xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Trường đạt chuẩn đã khó, giữ chuẩn càng khó hơn. Thực tế có trường đạt điều kiện về số lớp học, cơ sở vật chất thì bị quá tải về sĩ số học sinh; Có trường sĩ số lớp vượt khoảng 2 - 3 học sinh/lớp cũng không thể xếp chuẩn quốc gia; Trường đạt điều kiện về sĩ số học sinh/lớp lại gặp khó ở tiêu chí về số lớp học… Do vậy, để một trường đạt kiểm định, công nhận trường chuẩn quốc gia là nỗ lực lớn của nhà trường, địa phương.

Như câu chuyện 2 lần đi “xin đất” để mở rộng diện tích của Trường Mầm non 20/10 (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là một điển hình về xã hội hóa nhận thức và xã hội hóa nguồn lực trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Cô Huỳnh Thị Thọ - nguyên Hiệu trưởng nhà trường kể: “Thời điểm năm 1998, Trường Mầm non 20/10 có 2 điểm trường với bình quân diện tích sử dụng là 3 – 4m2/trẻ. Để tìm cách tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất, tôi đã làm tờ trình tham mưu với các cấp chính quyền và cơ quan chức năng xin mở rộng diện tích đất của kho Công ty Vật tư tổng hợp (giáp với trường).

Để được phép mở rộng thêm 400m2 cho trường, tôi làm tờ trình báo cáo, vừa đến các cơ quan quản lý Nhà nước trình bày trực tiếp, tranh thủ tìm đến nhà riêng của cán bộ có thẩm quyền đề đạt nguyện vọng của phụ huynh và địa phương về phát triển ngôi trường. Chính nhờ sự nhiệt tình, tha thiết của tôi đã tạo được cảm tình, sự quan tâm giải quyết của các cơ quan nhà đất”.

Nhưng được cho đất rồi thì việc huy động các nguồn để trả tiền đền bù ngôi nhà cho Công ty Vật tư cũng khá phức tạp. Số tiền 89 triệu đồng vào thời điểm lúc bấy giờ đối với nhà trường là không nhỏ. Chỉ với khoản thu học phí ít ỏi hằng tháng thì phải tích lũy trong 5 năm mới đủ khoản tiền này, cô Thọ phải làm giấy cam đoan trả góp hằng năm.

Với cách làm vừa tham mưu nhưng đồng thời kiên trì tuyên truyền, thuyết phục, vận động như trên, giai đoạn sau năm 2001, Trường Mầm non 20/10 thêm một lần nữa thành công trong xin mở rộng diện tích đất sang phần đất của 11 hộ khu tập thể Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố để đủ quỹ đất xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Tại quận Bình Tân (TPHCM), nơi được xem là điểm nóng áp lực học sinh đầu cấp mỗi năm, toàn quận mới có 13/24 trường mầm non, 1/24 trường tiểu học và 1/14 trường THCS đạt chuẩn quốc gia.

Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân thông tin, năm học 2024 - 2025, quận Bình Tân đưa vào sử dụng thêm 7 công trình trường học (gồm 5 trường tiểu học, 1 trường mầm non, 1 trường THCS) với tổng quy mô 204 phòng học. Nhờ có thêm 7 công trình xây mới, dự kiến năm học tới, cấp tiểu học sẽ giảm sĩ số học sinh/lớp, riêng cấp THCS duy trì ổn định sĩ số 45 học sinh/lớp so với năm học trước.

Tháng 5/2024, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM ký quyết định công nhận Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM) đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2.

Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Hảo, để đạt được mục tiêu này, trong những năm qua nhà trường luôn quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, tạo môi trường đoàn kết, thân ái, dân chủ để giáo viên cống hiến, hết lòng dạy dỗ các em học sinh; tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên tham gia lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn… Cùng đó, nhà trường quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, các điều kiện phục vụ dạy học và rèn luyện của học sinh.

Xây dựng trường chuẩn quốc gia cần có chiến lược dài hơi để từ đó xây dựng kế hoạch chuẩn bị về cơ sở vật chất cũng như tính toán sĩ số học sinh, số lớp học trong trường, tiệm cận dần các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia. Trong điều kiện áp lực về sĩ số học sinh thì đây là bài toán khó, đòi hỏi mỗi trường có chiến lược, đặt ra từng mục tiêu trong mỗi giai đoạn. Khi đạt được chuẩn quốc gia sẽ tạo điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục. - Cô Hoàng Thị Hảo

Hà Nguyên - Hồ Phúc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-huong-toi-ket-qua-ben-vung-post696906.html