Kiếm hiệp Kim Dung: 2 cao thủ không ai địch nổi của Đại Lý và Mộ Dung

Trong truyện Kim Dung có những cao thủ ngàn năm có một, họ tự tạo ra võ học cho riêng mình khiến không ai địch nổi, trong đó có Đoàn Tư Bình và Mộ Dung Long Thành.

Đoàn Tư Bình

Trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu Nhất Đăng đại sư Đoàn Trí Hưng nói với Quách Tĩnh và Hoàng Dung rằng: “Nước Đại Lý ta từ Thái Tổ Thần Thánh Văn Vũ Đế dựng nước là năm Đinh Dậu, so với lúc Tống Thái tổ Triệu Khuông Dẫn làm binh biến ở Trần Kiều khoác hoàng bào thì sớm hơn 23 năm…”.

Nhất Đăng đại sư Đoàn Trí Hưng trong phim Anh hùng xạ điêu.

Nhất Đăng đại sư Đoàn Trí Hưng trong phim Anh hùng xạ điêu.

Thái Tổ Thần Thánh Văn Vũ Đế mà Nhất Đăng đại sư Đoàn Trí Hưng nói ở đây chính là Đoàn Tư Bình, người sáng lập vương triều Đại Lý. Cũng theo lời Nhất Đăng đại sư thì: “Họ Đoàn ta có nhân duyên tốt đẹp, chỉ là viên tiểu lại ở biên cương mà trộm được ngôi vua. Mỗi đời đều tự biết tài đức của mình quả thật không đủ để đảm đương việc lớn, nên trước sau run run sợ sợ, không dám có chỗ nào quá phận”.

Đoàn Tư Bình không chỉ là một nhà chính trị gia, ông còn là người sáng lập ra phái Đại Lý Đoàn Thị. Sau khi lấy được thiên hạ, Đoàn Tư Bình quy y cửa phật lập ra chùa Thiên Long tự, chùa hộ mệnh cho Đại Lý, tạo ra tuyệt kỹ võ học là Lục mạch thần kiếm và Nhất dương chỉ. Trong đó Lục mạch thần kiếm là võ công trấn tự của Thiên Long tự.

Phái Đại Lý Đoàn Thị nổi tiếng với Lục mạch thần kiếm và Nhất dương chỉ.

Phái Đại Lý Đoàn Thị nổi tiếng với Lục mạch thần kiếm và Nhất dương chỉ.

Hai môn võ công này của họ Đoàn đều rất mạnh, xứng bậc nhất giang hồ. Sau này con cháu của Đoàn Tư Bình là Đoàn Dự dùng Lục mạch thần kiếm chưa thạo mà đã khiến võ lâm kinh hãi, đánh bại cả Mộ Dung Phục một đại cao thủ được giang hồ ca tụng “nam Mộ Dung, bắc Kiều Phong”, còn Đoàn Trí Hưng không học được Lục mạch thần kiếm mà chỉ luyện được Nhất dương chỉ cũng đã xưng hùng thiên hạ được liệt vào 5 nhân vật có võ công mạnh nhất thời đại của ông với danh xưng Nam Đế trong Võ lâm ngũ bá hay Thiên hạ ngũ tuyệt. Qua đó có thể thấy võ công của Đoàn Tư Bình kinh khủng thế nào.

Mộ Dung Long Thành

Có lẽ khi nói đến cái tên Mộ Dung Long Thành thì nhiều bạn đọc truyện Kim Dung chưa chắc đã biết tới, nhưng nếu nói đến Mộ Dung Bác và Mộ Dung Phục thì chắc chẳng ai xa lạ gì, đây là hai nhân vật trong tiểu thuyết Thiên long bát bộ của cố nhà văn Kim Dung, họ là hậu duệ của nước Yên thời Thập Lục Quốc.

Mộ Dung Bác là một cao thủ của nhà Mộ Dung.

Mộ Dung Bác là một cao thủ của nhà Mộ Dung.

Nguyên tổ tiên Mộ Dung thuộc dòng họ Tiên Ty đời xưa. Hồi loạn Ngũ Hồ, họ Mộ Dung năm xưa ở Trung Nguyên đánh Đông dẹp Bắc oai phong lừng lẫy, dựng ra những triều đại Tiền Yên, Hậu Yên, Nam Yên và Tây Yên.

Sau nhà Bắc Ngụy diệt con cháu họ Mộ Dung, họ tản cư đi khắp nơi nhưng vẫn truyền đời dặn con cháu hoài bão ý niệm trung hưng phục quốc. Nhưng trải qua các triều đại Tùy , Đường họ Mộ Dung ngày càng suy yếu, nên nguyện vọng khôi phục nước Đại Yên ngày càng mờ mịt.

Mãi đến cuối đời Ngũ Đại, trong họ Mộ Dung bỗng sản sinh ra Mộ Dung Long Thành, một nhân vật kỳ tài, trăm đời hiếm thấy. Ông sáng tạo ra Đẩu chuyển tinh di, tuyệt học võ công “lấy gậy ông đập lưng ông” đầy ảo diệu.

Bất luận đối phương sử dụng loại công phu, binh khí, ám khí nào, đều có thể phản kích đến đối phương tự thân. Người ra tay võ công càng cao, chết kiểu này càng là xảo diệu, chính thức công phu ở chỗ, đem đối thủ binh khí quyền cước chuyển đổi phương hướng, làm đối thủ tự làm tự chịu. Đẩu chuyển tinh di có rất nhiều nét tương đồng với Càn khôn đại na di của Minh giáo, đem lực của địch trả lại cho địch.

Với tuyệt học này, Mộ Dung Long Thành nhanh chóng trở thành cao thủ không ai địch nổi, vang danh thiên hạ. Ông ta cũng không quên di huấn của tổ tiên, quyết một phen làm đại nghiệp, phục hưng lại nước Yên. Nhưng thế lớn thiên hạ phân ly có ngày tất đi đến chỗ thống nhất giang sơn. Triệu Khuông Dẫn dựng lên nhà Đại Tống rồi bốn bể thanh bình, lòng người thịnh trị. Ông tuy võ công cao cường, rút cục cũng không gây dựng nên do đó buồn bực mà chết.

Cảnh trong phim Thiên long bát bộ.

Dù chỉ được nhắc tới rất ít nhưng Mộ Dung Long Thành vẫn được đánh giá cao so với nhiều đại cao thủ khác của truyện cố nhà văn Kim Dung. Bởi công phu chuyển hoán đòn tấn công nghe thì đơn giản nhưng lại rất vi diệu. Người sử dụng cần có thân pháp rất cao đồng thời cũng cần am hiểu nhiều môn võ khác để có thể lựa đúng lúc tấn công mà phản đòn. Nếu như Độc Cô Cầu Bại với những đường kiếm tấn công khiến địch khó mà toàn mạng thì Mộ Dung Long Thành lại được ví như bức tường phòng thủ độc dị nhất, địch đánh vào như tự đấm bản thân, thế mới thấy được mức độ ghê gớm.

Tiếc thay, cuộc đời của Mộ Dung Long Thành khá ngắn ngủi, chưa kịp tranh hùng với thiên hạ thì lại cay đắng rời xa thế gian.

Video: Nam Mộ Dung đấu với Bắc Kiều Phong.

Quốc Tiệp (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kiem-hiep-kim-dung-2-cao-thu-khong-ai-dich-noi-cua-dai-ly-va-mo-dung-a500886.html