Rươi vớt đến đâu được mua hết đến đó, nhiều hộ nuôi lớn ở thôn An Định, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương kiếm hàng trăm triệu mỗi ngày dễ như trở bàn tay.
Cận cảnh người dân An Định thu hoạch rươi.
Xã An Thanh có tổng diện tích nuôi rươi khoảng 280 ha, với gần 400 hộ tham gia sản xuất. Trong đó, thôn An Định tập trung khoảng 50% diện tích nuôi rươi của xã. Người dân ở đây cho biết, con rươi thường sống sâu dưới mặt đất khoảng 30-40 cm. Hàng năm, cứ từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch khi nước thủy triều ngoài sông rút đi, rươi bắt đầu nổi lên, tràn vào ao ruộng, lúc này người dân sẽ bắt đầu đi vớt.
Ông Phạm Văn Tơ, chủ hộ làm nghề vớt rươi đã hơn 10 năm chia sẻ, nhà ông có 2 ao nuôi rươi, tương đương 6 mẫu đất, vào mùa rươi, gia đình ông có ngày thu hoạch được 7 tạ, với giá bán 300.000 đồng/kg. Như vậy, việc thu nhập hơn 200 triệu đồng/ngày với ông Tơ là chuyện bình thường. Tuy nhiên, ông Tơ cho biết, mỗi tháng vào mùa rươi, người nông dân chỉ thu hoạch nhiều trong 2 - 3 ngày, còn càng về sau càng ít dần.
Theo kinh nghiệm của ông Tơ, tùy vào diện tích ao của mỗi nhà, người dân sẽ thu hoạch vào tháng 9, tháng 10 và tháng 11 (âm lịch). Tháng 9, thông thường các chủ hộ sẽ thu hoạch vào ban đêm, rươi tháng 9 cũng rất ngon nhưng việc thu hoạch sẽ vất vả hơn, người dân sẽ ít đi mua đêm mà chỉ đổ được cho thương lái. Rươi tháng 9 thường sẽ xanh hơn, không được đẹp như rươi thu hoạch ban ngày. Rươi tháng 10 là ngon nhất trong năm, không bị mặn nên con rươi không bị vỡ dập, màu sắc đẹp mắt. Còn rươi tháng 11 thường là rươi nước mặn về nhiều nên sẽ bị dập hơn. Tuy nhiên sản lượng của tháng 9, 10 sẽ không bằng tháng 11, chủ yếu rươi tháng 11 được người dân ở đây bán cho Trung Quốc, nhà hàng đóng tủ đông, nên đôi khi rươi tháng 11 sẽ rẻ hơn một chút.
Những hộ làm nghề rươi lâu năm thường xây các cửa đập nhỏ đưa nước từ sông vào ruộng, khi rươi nổi lên sẽ tháo nước để rươi chảy vào túi lưới, cứ sau 10 - 15 phút lại kiểm tra lưới để rớt rươi lên.
Rươi vớt lên sẽ được đổ vào túi lưới, treo lên cho nhả bớt nhớt và để ráo nước.
Sau đó, rươi sẽ được đổ vào trong rổ để rửa, nhặt sơ tạp chất rồi được đóng hộp.
Rươi làm sạch đóng từng hộp 1kg với giá bán 300.000 đồng/kg.
Chị Phạm Thị Vân cho biết nhờ con rươi "lộc trời" mà kinh tế nhiều gia đình phát triển. So với làm ruộng, làm nông nghiệp thì nghề rươi đem lại thu nhập gấp 2, 3 lần.
Thương lái, người dân đến mua ra vào liên tục. "Khách muốn mua thường phải đặt trước, hiện tại nhà tôi thu rươi lên bao nhiêu là bán hết sạch bấy nhiêu, chỉ sợ không đủ rươi để trả hàng", chị Vân nói.
Theo người dân tại đây, dù nhiều nơi cũng có rươi, nhưng rươi Tứ Kỳ là ngon nhất, con rươi cầm vào không bao giờ bị vỡ, nhiều bột và không hề tanh.
Bà Nguyễn Thị Lý (xã Thái Học, huyện Bình Giang, Hải Dương) nói: "Năm nào vào tháng 10 âm lịch tôi cũng đi mua rươi. Năm nay rươi to đều, màu đẹp nên tôi mua 30kg rươi để về vừa ăn, vừa đợi Tết thì biếu, tặng".
Do rươi có thể bảo quản lạnh được từ 2 đến 3 tháng, cấp đông bảo quản được gần 1 năm nên người đến mua rươi thường mua từ vài chục kg để ăn dần.