Kiểm lâm Thái Nguyên: Những dấu chân thầm lặng
Vượt lên nhiều khó khăn, lực lượng Kiểm lâm Thái Nguyên luôn bám sát cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương và người dân triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm gìn giữ 'lá phổi xanh'.
Khi chúng tôi đến Trạm bảo vệ rừng số 1 - Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh, cũng là lúc cán bộ, nhân viên của đơn vị chuẩn bị đi tuần tra. Cùng các anh, chị men theo khe suối tiến thẳng vào rừng, chúng tôi cảm nhận được bầu không khí trong lành, mát mẻ rất dễ chịu. Mặc dù chúng tôi đã trang bị áo dài tay, đeo khẩu trang, chân đi ủng nhưng đàn muỗi rừng vẫn vo ve chờ “sơ hở” để đốt. Sau gần một giờ leo núi, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, trước mắt chúng tôi hiện ra những thân cây gỗ sừng sững cả chục người ôm mới xuể. Cạnh đó, đàn bướm bay lượn bên những bông hoa chuối rừng mới nở đỏ rực giữa đại ngàn...
Dừng chân bên một gốc cây, anh Hà Mậu Hiệp, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 1, giới thiệu: Đây là dãy núi Khau Nao, có độ cao hơn 800m so với mực nước biển, thuộc địa bàn 3 xã: Vũ Chấn, Nghinh Tường và Sảng Mộc của huyện Võ Nhai. Càng vào rừng sâu, địa hình càng phức tạp, nhiều chỗ dốc cao dựng đứng, người ngoài nhìn sẽ thấy sợ, muốn bỏ cuộc, nhưng chúng tôi đã quen với việc bám đu vào dây rừng, kéo nhau lên và không bỏ sót một địa điểm nào. Nhiều khi đi tuần tra rừng, gặp cơn mưa lớn, nước lũ dồn về tràn qua khe suối, ngập cao quá đầu người, chúng tôi phải vào nhà dân ngồi đợi nước rút mới có thể quay về. Sau mỗi chuyến đi rừng, dù thấm mệt nhưng chúng tôi ai cũng vui vì rừng vẫn giữ được màu xanh, thảm thực vật và các loài động vật quý hiếm trong rừng được bảo vệ, phát triển tốt.
Khó khăn, vất vả là vậy nhưng lực lượng Kiểm lâm Thái Nguyên luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh Nguyễn Đức Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai, thông tin: Chúng tôi phân công cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn bám rừng, bám dân, tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Cùng với đó, đơn vị cũng phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt quy định về bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Võ Nhai chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.
Toàn tỉnh Thái Nguyên có trên 183.800ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,06%. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong những năm qua, lực lượng Kiểm lâm đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Thường xuyên phối hợp với các lực lượng liên quan thực hiện tốt quy chế phối hợp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với dự án khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch...
Xác định vai trò, tầm quan trọng và giá trị của tài nguyên rừng đối với phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu, những năm qua, Thái Nguyên đã triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án phát triển rừng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm đến mức thấp nhất tác động tiêu cực vào rừng.
Cụ thể, thực hiện Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành Lâm nghiệp tập trung phát triển rừng gỗ lớn, sản phẩm quế và hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Kết quả, trong 3 năm (2020-2022), toàn tỉnh trồng được hơn 1.523ha quế; hơn 1.330ha rừng tại xã Văn Hán (Đồng Hỷ) được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai xây dựng mô hình "Cánh rừng mẫu lớn" tại xã Quy Kỳ (Định Hóa) giai đoạn 2013-2020 với quy mô 470ha, nhằm ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thâm canh rừng để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; kết hợp trồng rừng gỗ lớn để cung cấp nguyên liệu với trồng cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng.
Thực hiện Chương trình “trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Chính phủ, đến nay, toàn tỉnh đã trồng được hơn 5,2 triệu cây; cập nhật dữ liệu lên phần mềm quản lý cây xanh THAINGUYEN SMARTTREES trên 6,2 triệu cây.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên cho biết: Chi cục tiếp tục quản lý, bảo vệ có hiệu quả diện tích rừng theo quy hoạch; quản lý việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định; tăng cường kiểm tra, truy quét, phòng chống cháy rừng, nhằm ngăn chặn, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Cùng với đó, đơn vị tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong lâm nghiệp phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng như: Ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ, kiểm kê, điều tra rừng; phần mềm cảnh báo nguy cơ cháy rừng, cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến rừng, phần mềm quản lý cây xanh…
Ngoài ra, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tập trung trồng rừng gỗ lớn, chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng tăng tỷ lệ giống có năng suất, chất lượng và giá trị kinh kế cao; khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến lâm sản nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ. Chú trọng xây dựng các mô hình gắn kết cộng đồng địa phương tham gia quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; triển khai cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho các chủ rừng; khai thác các tiềm năng, thế mạnh của rừng để phát triển du lịch sinh thái.
Có thể nói, lực lượng Kiểm lâm Thái Nguyên đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp trong quản lý, bảo vệ rừng. Do vậy, tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát; số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm, tỷ lệ che phủ rừng tăng; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 7%/năm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất sinh trưởng, phát triển thuận lợi không chỉ góp phần giúp người dân phát triển kinh tế mà còn tạo “lá phổi xanh”, cho bầu không khí thêm trong lành.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, ngoài sự nỗ lực của lực lượng Kiểm lâm rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan trong việc đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường nhân lực, cùng các chế độ, chính sách đãi ngộ đặc thù để những người bảo vệ rừng yên tâm cống hiến.
Bên cạnh đó, ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng...