Kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm Tết
Cuối năm là lúc nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn thực phẩm cao nhất. Cơ quan chức năng tại TPHCM và một số địa phương khác cùng các doanh nghiệp đã phối hợp để kiểm soát vấn đề này.
Kiểm soát từ gốc
Công ty TNHH Việt Farm (Lâm Đồng) đưa đến TPHCM đủ các loại rau, từ xà lách, bắp cải đến ớt ngọt, dưa leo… trồng theo tiêu chuẩn GlobalGap. Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Marketing Công ty TNHH Việt Farm cho biết, sản phẩm rau củ quả của doanh nghiệp (DN) đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị lớn như Aeon, Lotte, Coop Mart… Do đã ký hợp đồng từ trước nên giá cả ổn định, kể cả dịp lễ Tết.
“Chúng tôi rất chú trọng về các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm, bởi đây chính là sự sống còn của DN. Sản phẩm được kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm từ khâu gieo giống, canh tác đến thu hoạch, xuất bán. Chúng tôi chủ động lấy mẫu kiểm tra định kỳ, các siêu thị nhập hàng cũng lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên với tất cả sản phẩm. Đến nay, hầu như chưa phát hiện bất cứ sản phẩm nào có vấn đề” - ông Tiến nói.
Bà Huỳnh Thị Thơm, Giám đốc Công ty XNK Thuận Thành (Lâm Đồng), cho biết, nông sản được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Dịp Tết, sản lượng rau củ đang tăng gấp 2-3 lần so với tháng trước đó.
“Dù sản lượng bán ra dịp cuối năm rất khả quan nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo chất lượng trên từng sản phẩm. Sản phẩm phục vụ thị trường xuất khẩu như Hàn Quốc nên phải kiểm tra rất nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Hàng xuất khẩu thế nào thì hàng bán trong nước cũng phải như vậy, đó là tiêu chí của chúng tôi khi giới thiệu sản phẩm đến người dân thành phố” - bà Thơm nói.
Gần tuần qua, tại TPHCM liên tục diễn ra các hội chợ lương thực thực phẩm phục vụ thị trường lễ Tết, trong đó nhiều đặc sản như khô trâu, chả mực, rau củ... từ Hà Giang, Hải Phòng, Lâm Đồng.
Mời khách dùng thử thịt trâu gác bếp tại hội chợ kết nối cung cầu tại Nhà thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ (quận 11), chị Võ Thị Nhung (Hà Giang) giới thiệu, đây là đặc sản mang phong cách ẩm thực của người Thái. Thịt trâu được tẩm ướp từ nhiều gia vị như ớt, mắc khén nên có vị tê cay, ngọt đậm từ thịt tươi và có mùi khói bếp.
Ngoài ra, quầy hàng của tỉnh Hà Giang còn có cam sành, cam vàng, củ sâm đất… đều được trồng tự nhiên, không chỉ tươi ngon mà giá cả rất mềm, chỉ 30.000 đồng/kg. “Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), đảm bảo chất lượng” - chị Nhung giới thiệu.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, tại các chợ đầu mối thực phẩm được công bố rõ nguồn gốc nhưng khi tiểu thương mua về các chợ lẻ để bán thì có sự nhập nhằng, pha trộn hay không, điều này rất khó để nhận biết. Từ nay đến cuối năm, công tác bảo đảm ATTP tập trung vào giải quyết các chợ tự phát xung quanh các chợ đầu mối, bảo đảm an toàn tại các chợ truyền thống và những gánh hàng rong. Công tác bảo đảm an toàn, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, trường học cũng sẽ được tăng cường nhằm bảo đảm ATTP vào các mùa lễ hội.
Liên kết quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm
Chiều 22/12, tại hội nghị kết nối DN tỉnh Lâm Đồng với DN TPHCM do Ban quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) TPHCM và Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức, ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết, địa phương này đã ký kết hợp tác về việc phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm đảm bảo ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giai đoạn 2021 - 2025.
Đến nay có 70 cơ sở sản xuất, sơ chế rau củ quả các loại ở tỉnh Lâm Đồng đang cung cấp cho các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối tại TPHCM. BQL ATTP TPHCM đã xác nhận 29 cơ sở sản xuất sơ chế rau củ quả được cấp giấy chứng nhận chuỗi ATTP. Sản lượng rau củ quả hơn 38.000 tấn/năm, trái cây hơn 1.000 tấn/năm, trà 60 tấn/năm.
Ông Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng Thu mua thực phẩm tươi sống MM Mega Market Việt Nam, cho biết, sản phẩm tươi sống muốn vào siêu thị phải có đầy đủ giấy tờ chứng nhận của địa phương trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi; các sản phẩm khác cũng phải đáp ứng đầy đủ chứng từ liên quan nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Đại diện hệ thống Saigon Co.op cho biết, đơn vị này có bộ tiêu chí riêng để đánh giá ATTP của các loại rau củ quả, thủy hải sản; có nhân viên thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá nhà cung cấp. Siêu thị này còn có xe lưu động đến tận nơi nuôi trồng lấy mẫu kiểm tra thực phẩm, nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa khi đưa vào hệ thống phân phối.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng BQL ATTP TPHCM, cho biết, bên cạnh công tác chống thực phẩm bẩn, tăng cường thanh kiểm tra, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, Ban còn xây dựng hệ thống chuỗi thực phẩm sạch. Nông sản thực phẩm của tỉnh Lâm Đồng đã trở thành thương hiệu của người dân thành phố.
Vừa qua, tỉnh Lâm Đồng và TPHCM ký kết hợp tác đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm sạch. TPHCM có 3 chợ đầu mối tập trung hầu hết các nông sản, thực phẩm của các tỉnh thành. Trong đó, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức chuyên về rau củ quả, các mặt hàng Đà Lạt chiếm thị phần rất lớn.
“Làm sao có thể nhận biết sản phẩm chất lượng của Đà Lạt và chống gian lận thương mại là điều chúng tôi rất trăn trở. Chúng tôi thường đột xuất kiểm tra, tổ chức lấy mẫu để kịp thời phát hiện các chất độc hại nếu có” - bà Lan nói.
Theo bà Lan, thời gian qua, để bảo đảm thực phẩm chất lượng, không chờ hàng về thành phố mới đi kiểm nghiệm, mà phải quản lý ngay khâu sản xuất ban đầu. Việc giám sát chất lượng từ khâu trồng trọt, chăn nuôi rất quan trọng.
“Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào việc giám sát từ nguồn của các sở, ngành địa phương. Hiện, nhiều DN, siêu thị cũng có chương trình kiểm soát chất lượng sản phẩm nhằm đảm bảo ATTP cao nhất khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, đặc biệt trong những dịp lễ Tết sắp đến” - bà Lan nói.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/kiem-soat-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-tet-post1598285.tpo