Kiểm soát chặt chẽ, không để dịch sởi bùng phát trên địa bàn
Từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình bệnh sởi trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng so với năm 2024 với 81 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, ghi nhận 55 trường hợp dương tính với sởi…

Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Sản-Nhi Ninh Bình.
Thực tế này cho thấy cần phải triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh chặt chẽ, không để dịch sởi bùng phát trên địa bàn.
Theo ghi nhận tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2024, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 8 trường hợp mắc sởi và 3 trường hợp mắc rubella. Tuy nhiên, sang năm 2025, tính đến hết ngày 18/3, hệ thống y tế của tỉnh đã giám sát và lấy mẫu 81 trường hợp sốt phát ban nghi sởi; ghi nhận 55 trường hợp dương tính với sởi và 12 trường hợp dương tính với rubella (hay còn gọi là sởi Đức).
Trong 55 ca mắc sởi, có 38 trường hợp cư trú tại tỉnh Ninh Bình, 17 trường hợp đến từ các tỉnh lân cận như Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Hòa Bình…
Trong đó, có 7 trường hợp mắc sởi nặng, 31 trường hợp vừa và nhẹ, không ghi nhận trường hợp tử vong do sởi; 84,2% trường hợp mắc bệnh chưa được tiêm chủng, tiêm chủng chưa đầy đủ hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Độ tuổi mắc bệnh chủ yếu dưới 24 tháng tuổi, có 17/38 bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi, chiếm tỷ lệ 44,7%, cá biệt, có trẻ 2 tháng tuổi cũng mắc sởi.
Các trường hợp mắc sởi được ghi nhận rải rác ở 29 xã, phường, thị trấn của 6 huyện, thành phố. Riêng thành phố Tam Điệp chưa ghi nhận ca mắc sởi, rubella trong năm 2025.
Theo bác sỹ Nguyễn Mai Thanh, Trưởng Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra, là nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở trẻ em trên toàn cầu mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh an toàn và hiệu quả. Bệnh rất dễ lây và có khả năng gây dịch lớn, 90% người chưa có miễn dịch sẽ bị mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi. Trung bình 1 người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người khác. Người mắc bệnh chủ yếu là trẻ em chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi.
Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp hoặc qua các đồ vật mới bị nhiễm các dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban; có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy... Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt >95%.

Các trường hợp mắc sởi phần lớn là trẻ em dưới 24 tháng tuổi.
Tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, từ đầu năm 2025 đến nay đã có 34 trường hợp được chẩn đoán xác định dương tính với sởi. Đối tượng mắc sởi tập trung ở nhóm trẻ dưới 24 tháng tuổi, đặc biệt có 42,9% mắc sởi dưới 9 tháng tuổi.
Đưa con vào nhập viện điều trị, chị Phạm Thanh Xuân (Yên Mô) cho biết: Khi thấy con ốm mệt, có biểu hiện sốt liên tục và cứ 1, 2 tiếng thì lại sốt cao không hạ kèm theo các triệu chứng nghi ngờ sởi nên gia đình nhanh chóng đưa vào viện và được các bác sỹ chẩn đoán mắc sởi. Sau khi được thăm khám, điều trị theo phác đồ thì con đã giảm các triệu chứng, cắt sốt…
Bác sỹ Phạm Thị Thanh Nga, Trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh cho biết: Cùng với việc tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhi mắc sởi, đội ngũ y, bác sỹ cũng đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn, tư vấn cho người nhà bệnh nhi các kiến thức để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ và những người trong gia đình.
Để dự phòng bệnh sởi, cha mẹ cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng với các thực phẩm giàu vitamin như các loại rau xanh, rau củ theo mùa kèm theo các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng khác.
Đối với dự phòng đặc hiệu nhất của sởi đó là cho trẻ đủ 9 tháng tuổi đi tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Trong gia đình có những trường hợp chưa có miễn dịch đối với bệnh sởi hoặc đã được tiêm phòng sởi nhưng chưa đủ hoặc là chưa được tiêm phòng thì nên đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng sởi.
Hiện nay, đang ở giai đoạn chuyển mùa nên thời tiết có những thay đổi bất thường là nguyên nhân tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan, trong đó có bệnh sởi. Theo nhận định, Việt Nam cũng đang vào chu kỳ dịch sởi 5 năm một lần.
Do đó, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần xây dựng cho bản thân và gia đình lối sống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh bởi đây là những yếu tố quan trọng giúp nâng cao sức đề kháng phòng, chống dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi, không để dịch lây lan trong cộng đồng. Đồng thời, quan tâm đưa con em đi tiêm phòng sởi theo đúng lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh sởi.
Tại Ninh Bình, trong những năm gần đây, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi, sởi-rubella trên địa bàn luôn đạt tỷ lệ cao. Năm 2023-2024 đạt tỷ lệ từ 94,8% đến 99,2%. Trong những tháng đầu năm 2025, ngành Y tế Ninh Bình tích cực đẩy mạnh công tác tiêm chủng thường xuyên, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng, đảm bảo trẻ được tiêm đúng lịch và đủ 2 mũi vắc xin có thành phần sởi theo đúng khuyến cáo.
Ngành Y tế đã phối hợp với các địa phương tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho tất cả trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo Quyết định số 271/QĐ-BYT ngày 22/1/2025 của Bộ Y tế. Kết quả, đến hết tháng 2/2025, đạt tỷ lệ 93,6%.
Trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung cho trẻ từ 1-10 tuổi, đồng thời tổ chức tiêm mũi sởi sớm cho trẻ từ 6 tháng-dưới 9 tháng tuổi theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại Quyết định số 905/QĐ-BYT ngày 18/3/2025. Mục tiêu đặt ra là đảm bảo an toàn tiêm chủng và tỷ lệ đạt trên 95%.
KHUYẾN CÁO PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỞI ĐỐI VỚI CỘNG ĐỒNG
1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.
2. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.