Kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa, không để những việc đáng tiếc có thể xảy ra
Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã chỉ đạo như vậy, yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa, không để những việc đáng tiếc có thể xảy ra.
Sáng 8.4, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã chủ trì cuộc họp của tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ.
Tại cuộc họp, các thành viên của tổ công tác đã cập nhật tình hình với những diễn biến mới, thảo luận về các giải pháp sau khi phía Mỹ công bố áp mức thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các bộ ngành, cơ quan, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị các thành viên của tổ công tác tiếp tục thực hiện tốt những nhiệm vụ đã được phân công; tiếp tục các biện pháp ngoại giao trên những kênh khác nhau để tác động tới các cơ quan của Mỹ nhằm có giải pháp phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Về thuế, Phó thủ tướng Sơn giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án giảm thuế nhập khẩu.
Đối với vấn đề phi thuế quan, các bộ ngành rà soát những quy định pháp luật, nội dung nào bất hợp lý, kể cả đối với doanh nghiệp Việt Nam, thì xem xét loại bỏ, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền loại bỏ.
Về xuất xứ hàng hóa, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa, không để những việc đáng tiếc có thể xảy ra; Bộ Tài chính tăng cường trao đổi thông tin hải quan với phía Mỹ về các biện pháp phòng vệ thương mại, trốn thuế.

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu
Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng yêu cầu rà soát các quy định pháp luật, giải quyết sự quan tâm của Mỹ về sở hữu trí tuệ. Bộ Tài chính phối hợp với các bộ ngành trong việc xây dựng thỏa thuận song phương với Mỹ theo hướng nâng cấp Hiệp định thương mại song phương (BTA), trong đó bổ sung nội dung về thuế và sở hữu trí tuệ.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính xây dựng phương án tổng thể hỗ trợ cho doanh nghiệp; Bộ Công Thương tăng cường quảng bá, phổ biến nội dung của 17 hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh hơn việc xúc tiến thương mại sang các thị trường mới và hỗ trợ doanh nghiệp thích nghi với thị trường mới, thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về chính sách của các thị trường xuất khẩu.
Trước đó, tại cuộc họp với Thủ tướng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho hay đến nay đã có khoảng 50 quốc gia đề nghị được đàm phán với Mỹ, song Việt Nam là một trong những nước có phản ứng sớm nhất và là nước đầu tiên có trao đổi trực tiếp của lãnh đạo cấp cao nhất, đặt nền tảng quan trọng cho quá trình đàm phán song phương tới đây.
Các đại biểu cho rằng tình hình tới sẽ còn nhiều phức tạp, khó khăn và khó đoán định; không loại trừ khả năng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và đối tác sẽ từng bước làm thay đổi cấu trúc thương mại và đầu tư toàn cầu, định hình lại các chuỗi cung ứng, nhất là về công nghệ cao và các mặt hàng chiến lược.
Trong đó, cạnh tranh chiến lược, xu thế bảo hộ thương mại, dịch chuyển đầu tư, nhất là đầu tư công nghệ cao, gia tăng kiểm soát về công nghệ sẽ đẩy nhanh phân tách, phân mảng, đặc biệt về công nghệ. Điều này đặt các nền kinh tế đang phát triển ở vị trí ngày càng khó khăn, chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn về thương mại và thu hút đầu tư, và tham gia cân bằng, hiệu quả vào các chuỗi cung ứng.
Về tình hình mới trong thương mại quốc tế, trong đó có chính sách thuế đối ứng của Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phải luôn đặt con người, sự vật trong sự vận động và phát triển; nhìn nhận mọi vấn đề từ góc nhìn tích cực, tích cực hóa tiêu cực. Do đó, trong ứng phó, tinh thần chung là không hoảng hốt, hoang mang, lo sợ mà càng khó khăn thách thức, càng phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, thể hiện bản lĩnh, giá trị cốt lõi, trí tuệ và văn hóa của con người Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước, trong đó có Mỹ, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc; tăng cường đối thoại, đàm phán, không đối đầu, không gây căng thẳng, không làm phức tạp vấn đề; lựa chọn cách tiếp cận thông minh, tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo, cố gắng làm những việc có thể làm; lựa chọn phương án hiệu quả nhất, cân bằng, hài hòa lợi ích hai bên, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, đồng thời giữ vững độc lập, chủ quyền, tự chủ, vị thế đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh việc Mỹ áp dụng chính sách thuế quan mới sẽ ảnh hưởng tới kinh tế thế giới, trong đó có nước ta, song tình hình tuy có khó khăn, thách thức nhưng vẫn không khó khăn bằng những năm đầu đổi mới và càng không khó khăn bằng thời kỳ kháng chiến, đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bị bao vây, cấm vận.
Mặt khác, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, tái cấu trúc thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, vươn lên mạnh mẽ hơn, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.