Kiểm soát chặt thị trường bánh Trung thu, ngăn ngừa ngộ độc từ bánh nhập lậu
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh trung thu nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.
Ngày 5/9, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến, bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh, thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh về tiếp tục tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2022.
Theo đó, ông Nguyễn Thanh Phong đề nghị Chánh văn phòng UBND, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh/thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn;
Tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố....
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyên cơ quan công an để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Tập trung tuyên truyền về việc thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.
Đối với người tiêu dùng: Hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm quản lý nhà nước an toàn thực phẩm trong tình hình mới. .
Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.
Trước đó, ngày 15/8, Đội QLTT số 24 (Cục QLTT Hà Nội) phát hiện, thu giữ hơn 10.800 chiếc "bánh trung thu mini" của cửa hàng Hải Dũng (ở thôn Chùa Tổng, xã La Phù, Hoài Đức) đang được rao bán với giá 2.500 đồng/chiếc.
Đáng chú ý, dù hầu hết các loại bánh này có mặt tại thị trường Việt Nam đều bằng được nhập lậu, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nhưng vì lọi nhuận, gian thương vẫn bất chấp bày bán và sự việc chỉ được phát hiện, tịch thu khi có sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Chủ cửa hàng là ông Nguyễn Công Dũng, không xuất trình được hóa đơn chứng từ của lô bánh trung thu, đồng thời khai nhận, gần Tết Trung thu nhu cầu tiêu thụ cao nên ông đã nhập hàng trôi nổi trên thị trường về phục vụ nhu cầu của người dân. Ước tính lô hàng có trị giá khoảng 27 triệu đồng.
Đến ngày 26/8, Đội QLTT số 24 (Cục QLTT Hà Nội) tiếp tục phát hiện cơ sở kinh doanh tại đường Đồng Tiến, xã La Phù đang trữ 520 thùng bánh các loại, với nhãn mác mang ngôn ngữ nước ngoài và không tem nhãn phụ.
Trong đó, có 58 thùng kẹo mềm Hamberger, nhãn hiệu weisier (06 hộp/thùng; 60 chiếc/hộp);
32 thùng bánh ngọt nguyên chất thủ công, nhãn hiệu Mei man Fu Ren Jia (120g/gói x 32 gói/ thùng);
158 thùng bánh sanwich nhãn hiệu YaJiaFu (100g/gói; 30 gói/ thùng); 41 hộp bánh bông lan (2kg/thùng);
27 thùng kẹo Eyebooll (06 hộp/thùng; 50 chiếc/hộp); 8 thùng kẹo Gummy Candy (12 hộp/thùng; 60 chiếc/hộp);
162 thùng bánh quy 3Q Thank U (2kg/thùng); 25 thùng bánh trứng muối (02 kg/thùng); 9 thùng bánh bông lan trứng (160g/gói x 16 gói/thùng).
Toàn bộ số hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất, có nhãn bằng tiếng nước ngoài và chủ cơ sở kinh doanh này chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ của số hàng hóa trên.