Kiểm soát chặt thức ăn đường phố

Tại các đô thị lớn, đặc biệt là thành phố Hà Nội, thức ăn đường phố và quà vặt thường được chế biến sẵn hoặc chế biến ngay tại chỗ rất phổ biến vì tiện dụng. Tuy nhiên, các hàng quán vỉa hè lại luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Năm 2024 vừa qua, tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được các cơ quan chức năng kiểm tra, hậu kiểm, giám sát trên địa bàn thành phố là 70.809, trong đó tiến hành xử phạt vi phạm 3.234 cơ sở với số tiền hơn 14,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay tình hình vận chuyển, buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng vẫn xảy ra. Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến quà vặt, đồ ăn trước cổng trường đã gây hậu quả nghiêm trọng, khiến phụ huynh lo lắng…

Trước thực trạng trên, mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành Công văn số 532/ATTP-NĐTT gửi Sở Y tế thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025. Theo đó, Cục đề nghị Sở Y tế Hà Nội chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường giám sát, triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm; tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu… tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, thức ăn xung quanh trường học.

Để góp phần thực hiện có hiệt quả Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030, các địa phương và cơ quan chức năng của thành phố cần tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, đó là: Bảo đảm an toàn thực phẩm chính là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe nhân dân, là một nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của mỗi người dân.

Muốn tạo sự chuyển biến thực chất, bền vững trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, chúng ta cũng cần tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, đặc biệt các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Tiếp tục duy trì mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người để chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Thường xuyên tổ chức các đoàn giám sát, tư vấn hướng dẫn người dân thực hiện quy định về an toàn thực phẩm tại những gia đình tổ chức cỗ tập trung đông người. Kiên quyết giải tỏa những hàng quán không đủ điều kiện kinh doanh trước cổng trường. Kiểm soát chất lượng đồ ăn vặt bằng cách test nhanh và kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những người vi phạm.

Các địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch triển khai có hiệu quả “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 bắt đầu từ ngày 15-4 đến 15-5-2025, qua đó tăng cường năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm tại các cơ sở có bếp ăn tập thể, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố... Giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm; bảo vệ an toàn tuyệt đối sức khỏe cho nhân dân, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước.

Hà Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kiem-soat-chat-thuc-an-duong-pho-697318.html