Kiểm soát chặt về giá sau khi tăng lương từ 1-7
Các đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc cắt giảm lao động, giờ làm, nghỉ luân phiên và lương tăng nhưng giá lại tăng theo lương.
Ngày 8-6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội (QH).
Làm sao không bị cắt lao động, giảm giờ làm?
Đại biểu (ĐB) Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, cho biết thực trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, nhất là ở các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động, xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập và đời sống của người dân. Do đó, ĐB Vương Thị Hương đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết định hướng và các giải pháp trọng tâm để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng cho hay: Những tháng đầu năm 2023 đã xảy ra những hiện tượng bị mất việc, giảm việc tại những TP lớn, những khu công nghiệp như khu trọng điểm kinh tế phía Nam, phía Bắc và miền Trung. Số lao động bị ảnh hưởng khoảng 510.000 người, trong đó mất việc, thôi việc khoảng 279.000 người và số lao động bị giảm giờ làm là khoảng 195.000 người.
Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều giải pháp xử lý tình huống này. Đó là tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động bình thường, hiệu quả… Các ngành, các cấp và địa phương theo chính sách, chế độ của Nhà nước hỗ trợ cho người lao động. Tăng cường kết nối cung-cầu và tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận việc làm, nhất là những sàn giao dịch việc làm ở các địa phương.
Đồng thời, Chính phủ cũng đề nghị các địa phương và các ngành nắm bắt kịp thời để ngăn chặn tình trạng lôi kéo, kích động bằng những thông tin không đúng sự thật, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng tới việc làm cũng như ảnh hưởng tới hành vi của người lao động như việc rút bảo hiểm một lần…
Tránh lạm phát khi tăng lương
ĐB Triệu Thị Huyền (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) cho biết Chính phủ đã ban hành nghị định về tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2023. Theo đó, giá của một số loại mặt hàng dịch vụ thiết yếu như điện, y tế, giáo dục, bảo hiểm… trong thời gian tới có thể xem xét tăng theo lộ trình giá thị trường. Từ đó, ĐB Yên Bái đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết các giải pháp tổng thể về điều hành giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát và tránh được hiệu ứng tâm lý tăng lương, tăng giá.
Phó Thủ tướng trả lời: “Điều hành giá là một nghệ thuật, cần hết sức uyển chuyển trong điều kiện kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nguyên tắc của nó là phải quan tâm đến đời sống của người dân, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa”.
Theo Phó Thủ tướng, cần phải nắm bắt được tín hiệu thị trường để có giải pháp, kịch bản điều hành sao cho CPI năm 2023 tăng khoảng 4,5%. Đồng thời, cân đối được cung - cầu nhằm giữ giá, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm… Cùng với đó phải thực hiện các quy định pháp luật về giá, nhất là vai trò của Nhà nước đối với những mặt hàng theo quy định Nhà nước phải định giá.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Giải pháp hết sức quan trọng là phải tuyên truyền, thông tin đầy đủ để nhân dân hiểu và ủng hộ việc điều hành giá của Chính phủ, tránh lạm phát cũng như tăng giá dẫn đến không kiểm soát được.
“Đặc biệt, trong thời điểm tháng 7 là tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, chúng tôi tính toán rất kỹ rồi, cũng không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hết sức quan tâm để kiểm soát giá, để cuối năm 2023 đạt được trong mức QH cho phép CPI không vượt quá 4,5%” - Phó Thủ tướng nói.
Kiểm soát thị trường trái phiếu
Về thị trường bất động sản đóng băng, trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn lớn mà ĐB Sùng A Lềnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) nêu, Phó Thủ tướng cho hay: Hai thị trường đều gặp khó và cùng với các khó khăn trong lĩnh vực khác đang làm ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô cũng như hoạt động của các doanh nghiệp.
Lý do được Phó Thủ tướng đề cập là khâu luân chuyển, sử dụng dòng tiền trong đòn bẩy tài chính cũng còn nhiều vấn đề chưa hợp lý; một số trường hợp vi phạm pháp luật và có một số trường hợp đã điều tra, truy tố.
Sau khi nhận định về thị trường trái phiếu hiện chưa có sự bền vững về cơ cấu, số nhiều trên thị trường là rủi ro, các khó khăn về pháp lý, cơ cấu giá, sản phẩm cũng còn nhiều bất hợp lý... Phó Thủ tướng cho hay: Chính phủ vừa rồi lập hai tổ công tác để đánh giá những tồn tại, hạn chế, những nguyên nhân và đưa ra giải pháp. “Chúng tôi cũng đã kịp thời chỉ đạo làm sao hoàn thiện căn cứ pháp lý để tháo gỡ những vướng mắc, để cho thị trường hoạt động một cách thông suốt và hiệu quả” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng đề cập đến biện pháp kiểm tra, giám sát, thúc đẩy công khai, minh bạch... để củng cố niềm tin thị trường.
Quốc hội, Chính phủ tận lực, tận tâm, trách nhiệm
Phát biểu kết luận, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu rõ: Sau 2,5 ngày làm việc hết sức khẩn trương, sôi nổi, tập trung, trí tuệ và trách nhiệm cao, QH đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ năm.
Qua đó, tiếp tục khẳng định chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của QH, đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và phản ánh sát với diễn biến thực tế, đời sống, tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân và cử tri cả nước.
Các bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn đều thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh nhiều vấn đề khó, phức tạp.
Chủ tịch QH khẳng định phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã tiếp tục phát huy tích cực tinh thần “tận tâm - tận lực - tích cực - tâm huyết - trách nhiệm” của các vị ĐBQH, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng Chính phủ và các vị bộ trưởng, trưởng ngành...
Nguồn PLO: https://plo.vn/kiem-soat-chat-ve-gia-sau-khi-tang-luong-tu-1-7-post737098.html