Kiểm soát giá gạo không để ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước
Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN). Đây là phiên chất vấn thứ 4 được tổ chức tại phiên họp của UBTVQH khóa XV.
Khó xử lý dứt điểm tình trạng chậm ban hành văn bản
Trong buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long về nhiều vấn đề như nguyên nhân và giải pháp khắc tình trạng nợ đọng văn bản, tình trạng ban hành văn bản pháp luật chồng chéo, không thống nhất, tình trạng sợ trách nhiệm, việc xử lý cán bộ ban hành văn bản sai…
Trả lời đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh), đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) về giải pháp khắc phục tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, việc nợ, chậm ban hành văn bản là vấn đề từ lâu chưa được giải quyết dứt điểm.
Dù đã rất cố gắng, nhưng có những nghị định nợ đã lâu, chưa xử lý được, ví dụ như nghị định về tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể, xử lý cho Bộ luật Lao động; nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, an ninh mạng…
Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng cho rằng, do có quá nhiều nội dung giao quy định chi tiết, hoặc một số nghị quyết có hiệu lực ngắn, cần cấp tốc ban hành nghị quyết thay thế… Về giải pháp, Bộ trưởng cho hay, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về một số giải pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có các quy định đảm bảo tính kỷ luật hành chính trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về lâu dài, theo Bộ trưởng cần tính toán trong xây dựng pháp luật để quy định rõ nhiều vấn đề ngay trong luật, không nên dựa vào việc xây dựng văn bản giải thích, hướng dẫn
Trả lời đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) về chế tài xử lý đối với cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chủ thể soạn thảo phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, đó mới chỉ là quy định cơ bản, còn chế tài cụ thể phải đi vào pháp luật chuyên ngành.
Về mặt hành chính, nếu làm không đủ chức trách, nhiệm vụ của cán bộ công chức thì sẽ xử lý qua biện pháp hành chính. Đến nay, chúng ta chưa đặt vấn đề bồi thường, xử lý về mặt dân sự. Về mặt hình sự, nếu chứng minh được lỗi cố ý, gây thiệt hại, đặc biệt có yếu tố vụ lợi thì sẽ xử lý theo hình sự. Điều này đã có quy định. “Tôi hy vọng vào các quy định siết chặt thêm của các cơ quan của Đảng để xem xét, xử lý vấn đề này nghiêm túc hơn” - Bộ trưởng Lê Thành Long nói.
Cam kết trách nhiệm về an ninh lương thực
Trong buổi chiều ngày 15/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan về các nhóm vấn đề: giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo…
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) đề nghị Bộ trưởng làm rõ về quy hoạch và các vị trí khu vực đất lúa cấm không cho phép chuyển nhượng, chuyển đổi sang mục đích khác để người dân yên tâm canh tác, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.
Chuyển đổi đất đai là sự đánh đổi
Về câu hỏi đã chốt vị trí 3,5 triệu đất lúa chưa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chịu trách nhiệm với Chính phủ. “Tôi nghĩ tất cả địa phương đều ổn định đất lúa, tất nhiên mọi quy hoạch không phải đứng yên vì sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng chúng ta cũng cố gắng giữ gìn khi chuyển đổi đất đai là sự đánh đổi” - Bộ trưởng nói. Theo Bộ trưởng, sự đánh đổi có thể là ngang giá, có thể lời trước mắt, có thể lâu dài. Vì quỹ đất là hữu hạn còn nhu cầu phát triển là vô hạn.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cách đây 10 năm quy mô đất lúa là trên 4,15 triệu ha. Sau hơn 10 năm, hiện tại, theo số liệu thống kê còn 3,93 triệu ha. Theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ thì chúng ta sử dụng linh hoạt 3,5 triệu ha đất lúa. Sử dụng linh hoạt để đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế - xã hội thì phải dùng quỹ đất nông nghiệp trong đó có đất lúa phát triển kinh tế - xã hội, khu công nghiệp dịch vụ, đường cao tốc... Đó là quy luật phát triển, vấn đề là ta lựa chọn hướng nào, Bộ trưởng nêu vấn đề.
Đề cập đến việc sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số nước, xuất hiện việc mua gom ồ ạt, đẩy giá mặt hàng này tăng cao, đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết giải pháp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, trong tình hình giá lúa gạo tăng cao.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, Bộ NN&PTNT đã sớm có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cũng đã có công điện chỉ đạo khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực, hoặc khi một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo làm nảy sinh cơ hội, thời cơ cho chúng ta. Bộ trưởng đề nghị các bên liên quan cần có thái độ bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt. Nếu chỉ phân tích một khía cạnh, một phía, thì sẽ không có được cái nhìn toàn diện.
Về giá, Bộ trưởng phân tích, giá nông sản nói chung, trong đó có giá lúa, chịu quy luật cung cầu. Ngoài ra, tại Việt Nam giá lúa gạo còn chịu nhiều vấn đề khác như vấn đề về đặt cọc, thỏa thuận, mua bán, mùa vụ…
Trước thời cơ như hiện tại, Bộ trưởng kêu gọi các bên phải tôn trọng nhau, phải chia sẻ thời cơ, làm sao để mùa sau mọi người còn có thể mua bán, thỏa thuận, làm ăn với nhau. Công điện của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, ưu tiên hiện tại là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực; đồng thời cũng không gây sốc cho thị trường nội địa, hay làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước.
Chất vấn là hình thức giám sát rất có hiệu quả
Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, từ các chất vấn của đại biểu Quốc hội, nhiều vấn đề tồn tại và đang bức xúc trong xã hội đã được kịp thời xem xét, giải quyết; nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh.
Thông qua hoạt động chất vấn, còn giúp phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật cũng như nâng cao trách nhiệm của các bộ trưởng trong việc tìm ra các giải pháp để khắc phục những hạn chế, tồn tại; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát rất có hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Qua báo cáo của Bộ Tư pháp, Bộ NN&PTNN, diễn biến của phiên chất vấn và tình hình thực tiễn, thay mặt UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nhấn mạnh một số nội dung.
Trong đó, với lĩnh vực tư pháp, tập trung khắc phục cơ bản tình trạng chậm hồ sơ, đề xuất xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội không phù hợp với quy định Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng, chậm ban hành hoặc văn bản quy định chi tiết.
Chỉ đạo thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức pháp chế của các Bộ, ngành, địa phương…
Về lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông sản cần khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực; cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường.
Tiếp tục đàm phán, ký kết, phân định vùng biển chồng lấn, vùng chưa phân định giữa Việt Nam với các nước. Điều tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.