Kiểm soát, hạn chế dịch bệnh truyền nhiễm
Giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm; đảm bảo kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững, hạn chế nguy cơ bùng phát... là những mục tiêu trọng tâm mà tỉnh Gia Lai đặt ra trong phòng-chống dịch bệnh truyền nhiễm từ nay đến cuối năm 2025.
Cơ bản ổn định, nhưng chưa hết lo
Thông tin nhanh từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) cho hay, tính đến ngày 22.7, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Gia Lai tương đối ổn định. Các bệnh lưu hành trên địa bàn tỉnh như sốt xuất huyết Dengue, tay - chân - miệng, cúm, tiêu chảy, thủy đậu, vẫn ghi nhận ca bệnh, tuy nhiên số mắc thấp hơn so với cùng kỳ năm 2024 và không ghi nhận ca tử vong. Cụ thể, toàn tỉnh ghi nhận 1.155 ca bệnh sốt xuất huyết Dengue (giảm 1.202 ca so với cùng kỳ năm 2024), với 262 ổ dịch (giảm 210 ổ dịch); 450 ca bệnh tay - chân - miệng (giảm 84 ca so với cùng kỳ), với 8 ổ dịch; cúm mùa hơn 2.200 ca…

Nhân viên y tế Trạm y tế xã Gào hướng dẫn người dân đổ bỏ dụng cụ đọng nước, không tạo nơi trú ngụ cho lăng quăng, bọ gậy. Ảnh: Đinh Cất
Các bệnh có vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng từng ghi nhận số ca mắc cao từ cuối năm 2024, gần đây đã giảm dần. Các bệnh truyền nhiễm lưu hành khác chỉ mắc rải rác, không thành dịch; chưa ghi nhận trường hợp bệnh nguy hiểm mới nổi khác như cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), Ebola.
Giám đốc Trung tâm CDC Nguyễn Thanh Truyền cho biết, các bệnh sởi, bệnh Covid-19 đã được ghi nhận trở lại trong bối cảnh gia tăng ở một số nước trong khu vực và một số tỉnh, thành của nước ta. Trong đó, toàn tỉnh có 594 ca dương tính với sởi (tăng 592 ca so với cùng kỳ); 112 ca Covid-19 (tăng 85 ca). Song, trong tuần gần đây, số ca sởi và Covid-19 đã giảm sâu, đơn cử như bệnh sởi ở tuần 28 (từ ngày 9 - 15.7) giảm 9 lần so với tuần 13; còn Covid-19 giảm từ 35 ca ở tuần 23 xuống 0 ca trong tuần 28.
Tính từ đầu năm đến nay, Gia Lai ghi nhận 5 ca mắc và tử vong do bệnh dại. Trong đó, địa bàn huyện Ia Grai (cũ) có 2 ca ở xã Ia Chia và xã Ia Hrung. Theo Giám đốc TTYT Ia Grai Ngân Văn Thư, sau ca tử vong do bệnh dại tại xã Ia Hrung, đơn vị đã lập đoàn kiểm tra liên ngành và yêu cầu trạm y tế các xã tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh nói chung, bệnh dại nói riêng. Người dân được hướng dẫn nhận biết các mức độ tổn thương khi bị chó, mèo cắn để xử lý vết thương đúng cách.
Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm từ sớm, từ xa
Từ nay đến cuối năm 2025, cùng với cả nước, Gia Lai bước vào cao điểm của nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là khu vực phía Tây tỉnh. Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm của UBND tỉnh xác định mục tiêu 6 tháng cuối năm giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm. Đảm bảo kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững các dịch bệnh truyền nhiễm; hạn chế nguy cơ bùng phát dịch.
Trong bối cảnh toàn tỉnh vừa hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, đòi hỏi công tác phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa cần được tập trung.

TTYT Đức Cơ chú trọng công tác phát hiện sớm, điều trị kịp thời các bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Phương Dung
Ông Nguyễn Tấn Dũng, Giám đốc TTYT Đức Cơ, cho biết, đơn vị chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai truyền thông, nâng cao ý thức cộng đồng về giữ gìn vệ sinh môi trường, tiêm chủng vắc xin đầy đủ cho trẻ để phòng bệnh. Năm 2025, Đức Cơ được tỉnh chọn làm điểm tổ chức mít tinh phòng chống bệnh dại, bởi đây từng là địa bàn trọng điểm với 5 ca tử vong trong giai đoạn 2023 - 2024.
Bác sĩ Nguyễn Duy Hiển, Trưởng Trạm Y tế xã Ia Chia, chia sẻ: Trạm đã phân công nhân viên y tế thường xuyên xuống từng thôn, làng để tuyên truyền, hướng dẫn bà con vệ sinh môi trường xung quanh nhà, phát quang bụi rậm, loại bỏ các ổ chứa nước để diệt lăng quăng, bọ gậy. Bên cạnh đó, trạm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo; hướng dẫn xử lý kịp thời khi có người bị chó cắn.
Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Công Hòa, Chủ tịch UBND xã Ia Chia cho biết: Xã có 10 thôn, làng, với gần 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với trạm y tế, ban, ngành, đoàn thể để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, tiêm phòng và kịp thời xử lý khi có dấu hiệu dịch bệnh phát sinh.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho hay, hiện ngành tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh và có biện pháp xử lý triệt để ổ dịch nhằm giảm đến mức thấp nhất số ca mắc; bảo đảm công tác phân tuyến điều trị, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp biến chứng nặng, tử vong.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân về chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh dại… Chuẩn bị đầy đủ kinh phí, trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm... sẵn sàng đáp ứng kịp thời với mọi tình huống dịch bệnh xảy ra tại địa bàn tỉnh.
“Một vấn đề hết sức quan trọng là phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động phòng, chống dịch nhanh chóng, hiệu quả. Đặc biệt là phối hợp với ngành thú y trong phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người như bệnh dại”, ông Hùng nhấn mạnh.
Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh 6 tháng cuối năm 2025 đặt ra các chỉ tiêu cụ thể:
- Duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh.
- Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt từ 96% trở lên.
- 100% bệnh, dịch mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời. Hạn chế tối đa các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Ebola, MERS-CoV, cúm A(H7N9) xâm nhập và lây lan. 100% ổ dịch cúm A(H5N1), cúm A(H5N6), đậu mùa khỉ, viêm gan cấp không rõ nguyên nhân và bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi khác được phát hiện, xử lý kịp thời, không để bùng phát trong cộng đồng, cơ sở y tế…
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/kiem-soat-han-che-dich-benh-truyen-nhiem-post561573.html