Kiểm soát khí thải xe máy: Quyết liệt và rõ ràng hơn nữa!
Lượng khí thải 'khổng lồ' mà xe máy; đặc biệt là xe máy cũ nát thải ra không chỉ là câu chuyện về môi trường sống mà còn liên quan tới hạ tầng y tế, câu chuyện ùn tắc và tai nạn giao thông.
Kiểm soát khí thải xe máy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), thống kê đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 68 triệu mô-tô. Riêng Hà Nội có khoảng 6 triệu xe máy với gần 3 triệu xe máy cũ sản xuất trước năm 2000. Trong khi đó, Luật Đường bộ năm 2008 vẫn chưa có quy định về kiểm soát khí thải đối với xe mô-tô, xe gắn máy.
Nếu người sử dụng xe thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất thì có thể kiểm soát tốt lượng khí thải, giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe 7%, tương đương với lượng nhiên liệu tiết kiệm khoảng 170.000 đồng/năm.
Chi phí này cao hơn so với việc người dân sẽ mất khoảng 110.000 đồng/xe để bảo dưỡng và thay thế phụ tùng cho phần khí thải. Đây cũng là chi phí bảo dưỡng đương nhiên để đảm bảo hiệu quả khai thác và độ bền của xe trong quá trình sử dụng.
Để bù đắp chi phí đầu tư, vận hành trạm kiểm định, chi phí kiểm định cho mỗi xe khoảng 35.000 đồng/lần/năm. Nếu thực hiện kiểm soát khí thải thì người dân không bị tăng chi phí mà còn tiết kiệm được 25.632 đồng/xe/năm trong trường hợp Nhà nước có tiến hành thu phí kiểm định khí thải.
Bộ GTVT cho rằng, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhằm tổ chức quản lý, kiểm soát nguồn khí thải do hoạt động của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây ra.
Hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm không khí chỉ mới được áp dụng đối với xe ô-tô, xe mô-tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, xe ô-tô tham gia giao thông và xe ô-tô đã qua sử dụng nhập khẩu, chưa áp dụng đối với xe mô-tô, xe gắn máy tham gia giao thông.
Hiện Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong đó những đô thị lớn chắc chắn phải đi trước bởi lượng phương tiện quản lý rất lớn. Đến tháng 9/2020, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã có khoảng 7,4 triệu xe máy với lượng xe sử dụng trên 10 năm chiếm tới 67,89%.
Đánh giá của Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, đây là những loại xe thường có lượng phát thải vượt tiêu chuẩn hiện hành. Lượng khí thải “khổng lồ” mà xe máy cũng như các phương tiện giao thông nói chung mỗi năm thải ra không chỉ là câu chuyện về môi trường sống mà còn liên quan tới hạ tầng y tế, câu chuyện ùn tắc và tai nạn giao thông.
Nghiên cứu về chất lượng không khí do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh GreenID thực hiện chỉ ra rằng, chỉ số ô nhiễm môi trường không khí AQI trung bình của Hà Nội là 123 (ở mức kém), nồng độ bụi PM2.5 gấp 5 lần ngưỡng trung bình theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.
Một khảo sát của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) cũng chỉ ra rằng, trong 6 nguồn gây ô nhiễm không khí của Hà Nội thì xe máy và ô-tô chiếm tới 70% lượng chất độc thải môi trường.
Phần lớn lượng khói bụi độc hại phát thải ra môi trường không khí của thành phố Hà Nội bắt nguồn từ hàng triệu chiếc xe máy cũ nát đang ngày ngày lưu thông trên đường.
Cần quy định cụ thể, rõ ràng để tháo gỡ khó khăn
Thực tế việc kiểm soát khí thải mô-tô, xe máy không phải là đề xuất mới. Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 909/QĐ-TTg phê duyệt đề án kiểm soát khí thải mô-tô, xe máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố.
Từ năm 2010 - 2013, tiến hành tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và phấn đấu đạt 20% số xe máy ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tham gia kiểm định khí thải định kỳ. Đồng thời phải hoàn thiện mạng lưới cơ sở kiểm định khí thải xe máy với ít nhất 100 cơ sở ở Hà Nội và 150 cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh.
Mục tiêu giai đoạn 2013 - 2015 là kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải từ 80 - 90% lượng xe tại 2 thành phố lớn này. Mở rộng mạng lưới cơ sở kiểm định để 60% số xe ở các thành phố loại 1 và 2 đạt tiêu chuẩn khí thải.
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành xây dựng, trình Chính phủ bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe gắn máy không thực hiện kiểm định, xe không đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải. Dù vậy sau 13 năm, đến nay vẫn chưa thể luật hóa hay thực hiện các mục tiêu mà đề án này đưa ra.
Kiểm soát khí thải mô-tô, xe máy thực tế là vấn đề lớn đối với xã hội, nhạy cảm, phức tạp vì liên quan đến đông đảo người dân nghèo, người lao động thu nhập thấp, trong khi đây vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại.
Theo chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy, qua kiểm định có thể dần thay thế, thải loại các phương tiện cũ nát vẫn đang tham gia lưu thông hằng ngày.
Nhưng việc đưa ra được cách thức tổ chức thực hiện làm sao để không gây phiền phức, tốn kém cho người dân và bảo đảm tính khả thi là điều đáng bàn. Cần lưu ý tính toán xem loại phương tiện nào cần kiểm định, phương tiện nào không; cần có tiêu chí rất cụ thể.
Trao đổi với PV, một chuyên gia khẳng định, do chưa có quy định về niên hạn đối với xe máy nên muốn thực hiện kiểm định, Nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý vững chắc, có quy chuẩn về khí thải xe máy. Với những xe không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải có thể dừng lưu hành. Người dân có trách nhiệm bảo dưỡng, nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn về khí thải.
Nếu xe cũ nhưng sửa chữa vẫn hoạt động tốt nên có quy định về bảo trì, sửa chữa chứ không nhất thiết phải dừng lưu hành. Nếu xe quá cũ nát, không thể sửa chữa, không thể bảo dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn về khí thải, không đủ tiêu chuẩn lưu hành, người dân sẽ tự thải bỏ.
Mặt khác Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ tài chính hợp lý cho chủ xe bị thu hồi như giảm giá mua xe mới hoặc cho vay mua xe không lãi suất để không ảnh hưởng đời sống người dân, nhất là người nghèo, vị chuyên gia bày tỏ.
Song song với nhóm giải pháp kiểm soát khí thải xe máy, cần giảm dần lượng xe máy mới lưu thông; khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các phương tiện “xanh” như xe máy điện, xe buýt điện, tàu điện...
Những năm qua, xe máy điện, xe buýt điện đã dần trở nên quen thuộc với người dân. Với ưu thế không phát thải, không tiêu tốn chi phí nhiên liệu như xe máy xăng; nếu có các biện pháp phù hợp, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các đô thị lớn có thể kêu gọi người dân dần chuyển sang sử dụng loại hình này.