Kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh

Chiều 8-2, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2023. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Tiến Lam, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Văn Hải, Bí thư Đảng ủy khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Năm 2022, NHNN Thanh Hóa bám sát mục tiêu của toàn ngành, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cụ thể hóa thành các mục tiêu, giải pháp và chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Ngành Ngân hàng tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất, thanh toán nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn của dịch COVID-19, khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống. Đến ngày 31-12-2022, tổng nguồn vốn hoạt động của các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt 139.398 tỷ đồng, tăng 13.152 tỷ đồng (tăng 10,4%) so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của các TCTD đạt 175.819 tỷ đồng, tăng 23.988 tỷ đồng (tăng 15,8%) so với đầu năm.

Đồng chí Tống Văn Ánh, Giám đốc NHNN Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Tống Văn Ánh, Giám đốc NHNN Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị.

Toàn ngành chủ động thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt, hiệu quả trong việc hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19; triển khai khẩn trương, quyết liệt Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh tháo gỡ khó khăn, giảm áp lực tài chính, thuận lợi tiếp cận vốn vay ngân hàng để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Công tác chuyển đổi số hoạt động ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được đẩy mạnh và phát triển. Các TCTD tập trung đầu tư vốn vào các chương trình, mục tiêu, các đối tượng chính sách xã hội... góp phần thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu, kế hoạch của cấp trên, của ngành và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Không chỉ đáp ứng nguồn vốn phục vụ các thành phần kinh tế, ngành Ngân hàng còn thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, hướng đến cộng đồng, với tổng số tiền thực hiện trong năm 2022 là hơn 60 tỷ đồng.

Năm 2023, ngành Ngân hàng Thanh Hóa tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Đẩy mạnh công tác huy động vốn với các mức lãi suất linh hoạt, phù hợp với quy định và chỉ đạo của NHNN Việt Nam về lãi suất. Toàn ngành phấn đấu nguồn vốn huy động tại địa phương tăng khoảng 11% so với năm 2022. Tăng trưởng tín dụng hợp lý, phù hợp với diễn biến, nhu cầu của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% so với năm 2022.

Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi ghi nhận sự nỗ lực và biểu dương những kết quả quan trọng mà toàn ngành Ngân hàng đạt được trong năm 2022, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh: Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong hoàn thành các mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu NHNN Thanh Hóa cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố bám sát và triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN và những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của UBND tỉnh.

NHNN Thanh Hóa tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17-1-2023 của Thống đốc NHNN Việt Nam. Điều hành Chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; thực hiện nghiêm chỉ đạo của NHNN về điều chỉnh lãi suất huy động tiết kiệm nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, an toàn thanh khoản hệ thống. Các chi nhánh TCTD trong tỉnh phải ưu tiên sử dụng nguồn huy động vốn tại chỗ để đáp ứng nhu cầu vay vốn trên địa bàn, trước khi điều chuyển để thực hiện cho vay tại các địa phương khác. Kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của tỉnh; cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp; kiểm soát chặt tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án và kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025”; Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống quỹ tín dụng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ, kế hoạch của NHNN và các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại theo định hướng phát triển ngân hàng số, đi đôi với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán.

Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật trong hoạt động ngân hàng. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành ngân hàng, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các lĩnh vực dịch vụ công, gắn với triển khai Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia...

Các ngân hàng thương mại trên địa bàn ký kết biên bản thỏa thuận về mặt bằng lãi suất huy động trên địa bàn .

Các ngân hàng thương mại trên địa bàn ký kết biên bản thỏa thuận về mặt bằng lãi suất huy động trên địa bàn .

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các ngân hàng thương mại, TCTD trên địa bàn tập trung triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tín dụng; phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các sở, ngành, tháo gỡ khó khăn, bất cập trong triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ và các chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức các hội nghị, hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại địa phương; thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp. Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách; hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục; chủ động nắm bắt, đánh giá những khó khăn trong triển khai thực hiện để có giải pháp giải quyết kịp thời; chủ động tham mưu, đề xuất NHNN Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý các vướng mắc theo thẩm quyền.

Tại hội nghị, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã ký kết biên bản thỏa thuận về mặt bằng lãi suất huy động trên địa bàn.

Khánh Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/kiem-soat-tang-truong-tin-dung-hop-ly-huong-nguon-von-tin-dung-vao-cac-linh-vuc-san-xuat-kinh-doanh/178650.htm