Kiểm soát thương mại chiến lược: Bước tiến giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro
Dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược được các doanh nghiệp đánh giá là bước tiến quan trọng, giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro khi giao thương...
Thực hiện Quyết định số 916/QĐ-BCT ngày 1/4/2025 về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định về kiểm soát thương mại chiến lược của Việt Nam, ngay trong chiều ngày 1/4/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược. Cũng trong chiều 1/4/2025, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược lên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi gồm 6 chương, 17 Điều. Dự thảo nghị định nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Thành Thiên (Quận 1, TP Hồ Chí Minh): Minh bạch và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Là một công ty chuyên cung cấp các giải pháp kỹ thuật, dịch vụ và thiết bị về điện & tự động hóa và đo lường & phân tích cho các ngành công nghiệp như dầu khí, năng lượng (điện – nhiệt điện), xi măng, sắt thép, phân bón và hóa chất, đồ uống và thực phẩm... tôi nhận thấy dự thảo Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược có rất nhiều điểm đáng chú ý, tạo thuận lợi cho những doanh nghiệp như chúng tôi.
Cụ thể, nghị định quy định rõ ràng phạm vi điều chỉnh đối với các hoạt động xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa lưỡng dụng. Điều này giúp các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp tự động hóa có thể nắm bắt được những yêu cầu pháp lý cụ thể và thực hiện các giao dịch quốc tế một cách minh bạch và hợp pháp.
Việc Nghị định áp dụng đối với các thương nhân và cơ quan, tổ chức liên quan là một bước đi thiết thực, giúp các doanh nghiệp rõ ràng hơn về quyền và nghĩa vụ trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hàng hóa lưỡng dụng. Điều này tạo sự đồng nhất trong quản lý và thực hiện các thủ tục, giúp bảo vệ lợi ích chung của quốc gia và doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược lên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi. (Ảnh: Cấn Dũng)
Ông Nguyễn Đức Minh - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, Vận tải và Đóng tàu Quang Minh (Kinh Môn, Hải Dương): Tránh được rủi ro khi nhập khẩu thiết bị công nghiệp
Tôi cho rằng việc xây dựng Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là rất cần thiết để đảm bảo hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và sử dụng thiết bị, vật tư, công nghệ trong ngành được quản lý chặt chẽ nhưng vẫn thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ngành đóng tàu thường xuyên sử dụng nhiều loại thiết bị công nghiệp, linh kiện cơ khí, hệ thống điều khiển tự động hóa, một số trong đó có thể thuộc danh mục hàng hóa lưỡng dụng. Vì vậy, một khung pháp lý rõ ràng như trong dự thảo Nghị định này giúp doanh nghiệp dễ dàng xác định loại hàng hóa nào cần khai báo, tránh rủi ro pháp lý khi xuất nhập khẩu.
Dự thảo Nghị định cũng đã cho thấy một quy trình khai báo rất rõ ràng và dễ hiểu thông qua Cổng Thông tin một cửa quốc gia. Tôi đánh giá cao việc các thương nhân chỉ cần khai báo một lần và nhận phản hồi trong thời gian ngắn, giúp tiết kiệm thời gian và tăng cường hiệu quả công việc. Điều này là một cải tiến rất đáng giá trong việc quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa lưỡng dụng. Những quy định trong dự thảo Nghị định này không chỉ giúp kiểm soát chặt chẽ hàng hóa có yếu tố nhạy cảm mà còn tạo môi trường kinh doanh minh bạch, giúp doanh nghiệp trong ngành đóng tàu yên tâm hơn khi thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế.
Bà Phạm Thị Giang - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông lâm sản Lạng Sơn: Quy trình khai báo rõ ràng, dễ hiểu
Dưới góc độ của một giám đốc doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hoa hồi, tôi đánh giá cao dự thảo Nghị định này ở điểm minh bạch hóa quy trình xuất khẩu và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tuân thủ quy định quốc tế.
Cụ thể, Điều 7 về quy trình khai báo trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia là một bước tiến lớn, giúp đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu, tránh tình trạng phải thực hiện nhiều khâu giấy tờ phức tạp. Điều này đặc biệt quan trọng với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như chúng tôi, nơi thời gian thông quan nhanh chóng giúp đảm bảo chất lượng hàng hóa và tối ưu chi phí vận chuyển.
Ngoài ra, quy định tại Điều 8 về trách nhiệm của thương nhân cũng rất rõ ràng, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hiểu rõ hơn về trách nhiệm pháp lý, đồng thời bảo vệ uy tín thương hiệu trong thương mại quốc tế.
Nhìn chung, Nghị định đã thiết lập một khung pháp lý rõ ràng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời đảm bảo sự tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Ngày 1/4/2025, Việt Nam chính thức công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược – trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương chủ động ban hành một khuôn khổ pháp lý toàn diện về lĩnh vực này.