Giám đốc điều hành AmCham: Còn thời gian để Việt - Mỹ đàm phán về thuế quan
Bình luận về mức thuế thuế 46% mà chính quyền Mỹ áp lên hàng Việt từ ngày 9/4, đại diện AmCham cho rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế chịu thuế cao nhất, nhưng vẫn có khoảng thời gian một tuần để hai bên đàm phán.

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham thông tin về tác động của mức thuế 46% mà Chính quyền Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam, chiều 3/4/2025.
Chỉ ít giờ sau khi người đứng đầu Chính phủ Mỹ tuyên bố áp thuế 10% đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời áp mức thuế cao hơn đối với hàng chục quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ, trong đó Việt Nam chịu mức thuế 46%, đầu giờ chiều nay, 3/4/2025, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đã họp báo, đánh giá về những tác động nhiều mặt của thuế quan mà Mỹ áp với hàng hóa Việt Nam, cũng như tổng thể quan hệ song phương Việt - Mỹ.
Chia sẻ với báo giới, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội cho hay, năm 2025 là năm đánh dấu cột mốc đặc biệt trong quan hệ Việt - Mỹ, khi 2 nước kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ, cùng đó, Việt Nam cũng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Trong khoảng thời gian đó tới nay, các nhà đầu tư Mỹ đã đến Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 12 tỷ USD, tạo ra nhiều việc làm cho người dân Việt Nam, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.
"Chúng tôi tự hào vì đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam rất chất lượng, các doanh nghiệp Mỹ đóng góp khoản thuế lớn tại Việt Nam, nhưng trên hết là dấu ấn trong thương mại, khi Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam, nền tảng thương mại,đầu tư song phương tiếp tục được củng cố khi 2 nước thiết lập Đối tác Chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023", ông Adam Sitkoff nói.
Nói về mức thuế thuế 46% mà chính quyền Mỹ áp lên hàng Việt từ ngày 9/4, đại diện AmCham cho rằng, "Việt Nam là một trong những nền kinh tế chịu thuế cao nhất, nhưng vẫn có khoảng thời gian một tuần để hai bên đàm phán".
Không chỉ Việt Nam, chính quyền của các nền kinh tế bị áp thuế cũng sẽ có những động thái với Mỹ để đi đến một thỏa thuận có lợi nhất cho cả hai bên.
"Chúng tôi thừa nhận là hiện nay Nhà Trắng đang tạo nhiều rào cản cho các đối tác thương mại, nhưng họ có công thức tính thuế riêng, dựa trên một Đạo luật năm 1977 và mức thuế, rào cản thương mại mà hàng Mỹ sang Việt Nam được tính toán ở mức 90%", ông Adam Sitkoff chia sẻ.
Theo tính toán của AmCham, nếu mức thuế 46% áp lên toàn bộ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ trở thành hiện thực thì thực sự nghiêm trọng với nhiều ngành sản xuất cũng như nền kinh tế Việt Nam.
Nhưng theo góc nhìn của ông Adam Sitkoff, việc 2 nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện tạo ra những thuận lợi và tích cực nhất định, khi lãnh đạo 2 nước ngồi đàm phán cho mức thuế quan này. Bản thân AmCham và doanh nghiệp Mỹ muốn 2 nước làm ăn, kinh doanh thuận lợi, không bị hạn chế bởi thuế quan.
"Thuế quan có đi có lại và các loại thuế quan khác, về kỹ thuật sẽ khiến giá cả tăng cao, đẩy lạm phát gia tăng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhưng xét về cơ cấu xuất khẩu, thì nhiều hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đang có lợi cho người tiêu dùng Mỹ, đem lại nhiều sự lựa chọn cho họ", đại diện AmCham cho hay.
Trước quan ngại về thuế quan cao, tác động làm dịch chuyển chuỗi cung ứng, phía AmCham quả quyết, không dễ để dịch chuyển chuỗi cung ứng từ nước này sang nước khác vì quá tốn kém.
"Để xây dựng một dự án đầu tư rất dày công, mất nhiều thời gian, nhiều quy trình, mà xét về chính sách thì thời gian qua Việt Nam đã làm tốt để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ có những chính sách cụ thể hơn để tiến tới cân bằng thương mại với Mỹ", ông Adam Sitkoff nhấn mạnh.
Liên quan đến Chính quyền Tổng thống Donald Trump chính thức công bố việc áp dụng mức thuế đối ứng với hàng loạt quốc gia, trong đó, Việt Nam bị áp mức thuế 46%. Con số này được cho là do phía Mỹ tính toán rằng, Việt Nam đã áp mức thuế và rào cản thương mại lên tới 90% đối với hàng hóa của Mỹ, trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 3/2025, ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, cho biết, hiện nay, phần lớn các hàng hóa mà Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam chỉ chịu mức thuế suất 15%, thấp hơn nhiều mức 90% mà phía Mỹ tính toán.
Theo ông Tuấn, mức thuế 46% mà Mỹ áp dụng đối với Việt Nam cao hơn rất nhiều so với mức thuế suất hiện hành Mỹ đang áp dụng. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành sản xuất của Việt Nam, nhất là những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ như đồ điện tử, dệt may, da giày, nông sản…