Kiểm toán chỉ ra hàng loạt hạn chế, thiếu sót trong các dự án đầu tư phát triển
Hàng loạt những hạn chế, thiếu sót trong công tác xây dựng kế hoạch vốn, giải ngân, thực hiện dự án, quản lý vốn đầu tư, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản... đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) thẳng thắn chỉ ra khi kiểm toán chi đầu tư phát triển trong khuôn khổ cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Theo KTNN, tổng nguồn vốn kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là 55.582,67 tỷ đồng, giải ngân trong năm 44.086,91 tỷ đồng, đạt 79,3%. Ảnh minh họa
Nhiều bất cập ảnh hưởng đến giải ngân và thực hiện dự án
Năm 2024, qua kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023, KTNN xác nhận còn 11.495,76 tỷ đồng nguồn vốn chi đầu tư phát triển kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân từ năm 2022 sang năm 2023 nhưng không thực hiện được phải hủy dự toán.
Cụ thể, tổng nguồn vốn kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là 55.582,67 tỷ đồng, giải ngân trong năm 44.086,91 tỷ đồng, đạt 79,3%.
Trong khi Công văn số 361/TTg-KTTH ngày 03/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…; bố trí ngân sách trung ương và triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân 100% số vốn được kéo dài”.
Theo KTNN, việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách trung ương còn bất cập do thiếu quy định cụ thể về mốc thời gian các đơn vị báo cáo và Bộ KH&ĐT rà soát, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án kéo dài thời gian giải ngân.
Đối với nguồn vốn năm 2023 được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024, tại một số địa phương được kiểm toán đã thực hiện kéo dài kế hoạch vốn chưa đúng quy định hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng; phân loại cơ cấu nguồn vốn kéo dài chưa phù hợp (tổng hợp các dự án bổ sung có mục tiêu cho huyện vào ngân sách cấp tỉnh). Ngoài ra, có 10 dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thông báo kéo dài nguồn ngân sách trung ương song chưa đủ cơ sở xác định thuộc đối tượng kéo dài theo quy định số tiền 205,12 tỷ đồng. Qua rà soát năm 2022, 2023 cho thấy, đến tháng 5 hàng năm, Bộ mới ban hành thông báo kéo dài, dẫn đến thời gian giải ngân chỉ còn khoảng hơn 06 tháng, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn kéo dài.

Đến tháng 5 hàng năm, Bộ KH&ĐT mới ban hành thông báo kéo dài, dẫn đến thời gian giải ngân chỉ còn khoảng hơn 06 tháng, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn kéo dài. Ảnh minh họa
Chưa phản án đúng thực trạng nợ đọng xây dựng cơ bản
Qua kiểm toán, KTNN nhận định, công tác tổng hợp, theo dõi nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) chưa chính xác, chưa phản ánh đúng thực trạng nợ (Báo cáo nợ đọng XDCB đến 31/12/2022 là 4.500 tỷ đồng, trong khi năm 2023 đã bố trí 6.100 tỷ đồng để trả nợ đọng XDCB song số nợ đọng đến 31/12/2023 vẫn còn 8.657 tỷ đồng).
Bộ KH&ĐT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các đơn vị làm rõ số liệu nợ đọng theo đúng quy định tại Luật Đầu tư công năm 2014 và 2019, trách nhiệm và biện pháp xử lý trong trường hợp làm phát sinh nợ đọng XDCB trái quy định. Đồng thời, Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ rà soát, xác định chính xác số nợ đọng XDCB vốn NSNN để báo cáo Quốc hội song đến thời điểm kiểm toán (tháng 3/2025) Chính phủ vẫn chưa báo cáo.
Tuy nhiên, theo KTNN, cơ sở xác định nợ đọng XDCB tại Luật Đầu tư công năm 2014 và 2019 chưa rõ ràng là xác định theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn hay Kế hoạch đầu tư công hàng năm, phải đến Luật Đầu tư công năm 2024 ban hành mới quy định cụ thể về nợ đọng XDCB.
Kết quả kiểm toán cho thấy, tính đến 31/12/2023, một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn nợ đọng XDCB lớn (Bộ Xây dựng 15,07 tỷ đồng, Bộ NN&PTNT 27,12 tỷ đồng, Bộ Công Thương 3,63 tỷ đồng, Bộ Tư pháp 1,98 tỷ đồng...; TP Hồ Chí Minh 61,29 tỷ đồng, Hải Phòng 575,906 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 7,37 tỷ đồng, Quảng Bình 320,84 tỷ đồng, Quảng Trị 27,82 tỷ đồng, Nghệ An 77,89 tỷ đồng, Gia Lai 16,90 tỷ đồng, Tuyên Quang 462,85 tỷ đồng...; có bộ nợ đọng tới 986 tỷ đồng; có địa phương nợ đọng tới 804 tỷ đồng…). Số nợ đọng XDCB trước 01/01/2015 được KTNN xác nhận là 2.452,2 tỷ đồng, năm 2023 còn để phát sinh nợ (có địa phương phát sinh hơn 291 tỷ đồng).
Việc tổng hợp, theo dõi nợ đọng XDCB chưa đầy đủ, nguyên nhân do địa phương không kiểm tra, rà soát, tổng hợp báo cáo nợ đọng XDCB của cấp huyện, xã; số liệu nợ đọng XDCB đến 31/12/2023 tại các báo cáo giám sát đầu tư không trùng khớp, thậm chí có địa phương trong Báo cáo đầu tháng 3/2024 nêu không có nợ đọng song tại Báo cáo vào đầu tháng 10/2024 lại báo cáo có nợ đọng; có địa phương có 05 dự án nợ khối lượng 3,18 tỷ đồng nhưng không dự kiến bố trí vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, việc tổng hợp số liệu nợ đọng XDCB còn chênh lệch giữa số báo cáo của Bộ KH&ĐT với số liệu của KTNN tại Báo cáo kiểm toán thực hiện năm 2024 đối với niên độ 2023.

Tính đến 31/12/2023, một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Ảnh minh họa
Xây dựng và thực hiện kế hoạch vốn chưa chuẩn
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư tại nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn thấp so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, có 38 bộ, cơ quan trung ương và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Theo kết quả kiểm toán, năm 2023, một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân vốn trong nước dưới 30% (Bộ KH&CN 8%; Bộ LĐ,TB&XH 6,3%; Liên minh HTX Việt Nam 0%; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 11,8%; Ban Quản lý khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc 3,9%...); tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 53,9% kế hoạch.
Việc đánh giá kế hoạch đầu tư công đã được Bộ KH&ĐT thực hiện theo quy định, tuy nhiên, báo cáo đánh giá còn thiếu một số nội dung như: tác động của kế hoạch đầu tư công trong việc thu hút đầu tư từ các nguồn vốn khác và kết quả phát triển kinh tế - xã hội; tính khả thi của kế hoạch đầu tư công.
Ngoài ra, việc lập báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư còn chậm, nội dung báo cáo chưa đầy đủ thông tin, một số thông tin chưa thống nhất và sai lệch so với thực tế. Cụ thể, số liệu kế hoạch vốn đầu tư công tại báo cáo là 1.927.883 tỷ đồng vượt 1.216.324 tỷ đồng so với số được Thủ tướng Chính phủ giao...
Bộ cũng chưa tổng hợp tình hình phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư để báo cáo Chính phủ theo quy định tại khoản 4 Điều 59 Luật Đầu tư công.
Qua kiểm toán, có 09 bộ, cơ quan trung ương và 06 địa phương đã báo cáo dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023 từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư với kế hoạch vốn dự kiến bố trí là 3.478,27 tỷ đồng cho 308 nhiệm vụ, dự án.
Liên quan đến công tác quyết toán dự án hoàn thành, theo KTNN, còn tới 13.716 dự án chậm lập, thẩm tra phê duyệt quyết toán, trong đó 5.760 dự án chậm phê duyệt quyết toán; 2.009 dự án chậm thẩm tra; 5.947 dự án chậm lập hồ sơ quyết toán.
Song qua rà soát cho thấy, dự kiến kế hoạch vốn cho dự án không có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (như tại Bộ KH&CN; Đại học Quốc gia TP.HCM); vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn vượt tổng mức đầu tư dự án; dự kiến kế hoạch vốn vượt Kế hoạch đầu tư công trung hạn...
Xây dựng và quản lý vốn đầu tư thiếu chặt chẽ
Đánh giá về hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư các dự án, KTNN nêu rõ, công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án; khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán còn nhiều hạn chế, thiếu sót, như tính sai khối lượng, áp dụng sai định mức, đơn giá xảy ra tại hầu hết các dự án được kiểm toán. Áp dụng tiêu chuẩn không phù hợp; lập dự toán thiếu cơ sở; triển khai, nghiệm thu khi chưa được thẩm tra, phê duyệt...

Theo KTNN, cần phải chấn chỉnh việc ghi chép nhật ký công trình, hồ sơ hoàn công tại các dự án đầu tư công. Ảnh minh họa
Về lựa chọn nhà thầu, tại nhiều dự án chưa thực hiện hoặc chậm phê duyệt kế hoạch đấu thầu; một số công việc thuộc giai đoạn chuẩn bị đầu tư hoặc Chủ đầu tư “tự thực hiện” không được lập và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; xác định hình thức hợp đồng, phân chia gói thầu, áp dụng hình thức chỉ định thầu chưa phù hợp quy định; chưa nêu rõ thời gian cấp vốn để thanh toán cho nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi chưa có kế hoạch vốn. Phê duyệt giá gói thầu chưa đảm bảo quy định; hồ sơ mời thầu chưa cập nhật giá gói thầu; chỉ định thầu chưa đảm bảo điều kiện, chưa đúng hình thức được duyệt...
Tại nhiều dự án, việc ký kết hợp đồng xây dựng được thực hiện thiếu chặt chẽ, chưa đầy đủ nội dung hoặc nội dung không phù hợp quy định của hồ sơ yêu cầu; bổ sung một số điều khoản không phù hợp; ký khi chưa đảm bảo điều kiện; không phù hợp với hình thức hợp đồng trọn gói. Chưa kịp thời điều chỉnh hợp đồng hoặc điều chỉnh không đúng quy định; chưa kê khai khối lượng sử dụng nhà thầu phụ; chậm gia hạn bảo đảm, bảo đảm thực hiện hợp đồng không liên tục; sử dụng thầu phụ khi chưa được chủ đầu tư chấp thuận; hợp đồng tư vấn chưa quy định trách nhiệm đền bù đối với việc tính toán sai khối lượng, số lượng công việc xây lắp.
Việc ghi chép nhật ký công trình, hồ sơ hoàn công chưa đầy đủ xảy ra tại hầu hết dự án được kiểm toán; chủ đầu tư chưa lập báo cáo gửi cấp thẩm quyền trước khi tổ chức nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng; thay đổi biện pháp thi công chưa đảm bảo thủ tục; chưa kiểm tra năng lực thực tế của nhà thầu so với hợp đồng đã ký kết; chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư...
Về tiến độ, nhiều dự án chậm tiến độ so với thời gian phê duyệt ban đầu, trong đó có dự án chậm trên 05 năm. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, dịch bệnh Covid-19, thay đổi chuyển giao chủ đầu tư, thay đổi điều chỉnh thiết kế, khan hiếm nguồn vật liệu, một số dự án kỹ thuật thi công đặc thù nên chưa lường hết mức độ phức tạp trong thi công. Điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng nhưng chưa báo cáo người có thẩm quyền; chưa báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng. Ngoài ra, còn trường hợp dự án đã đình hoãn, chưa tái khởi động.
Công tác nghiệm thu, thanh toán tại nhiều dự án còn tính trùng, thừa khối lượng so với bản vẽ hoàn công, thanh toán sai đơn giá, thanh toán khi chưa đầy đủ điều kiện; chậm lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, chậm nghiệm thu bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng; chưa thực hiện điều chỉnh giá, chưa thu hồi tạm ứng theo quy định.
Nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân vốn thấp, chưa đạt kế hoạch vốn được giao; sử dụng vốn không đúng nguồn, không đúng phạm vi dự án. Thực hiện thanh toán công việc phát sinh ngoài hợp đồng khi chưa thống nhất được khối lượng trước khi ký phụ lục hợp đồng; chưa xác định khối lượng vật tư thu hồi khi quyết toán; chưa xử lý dứt điểm công nợ đối với dự án đã phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành./.