Kiểm toán sẽ cung cấp tài liệu đầy đủ hơn cho công tác phòng chống tham nhũng

Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp kịp thời hơn, cung cấp tài liệu đầy đủ hơn, nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán để đưa ra ánh sáng vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Sáng nay 5/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) dẫn báo cáo cho thấy qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan cảnh sát điều tra các cấp xem xét, xử lý. Báo cáo cũng tự đánh giá rằng Kiểm toán Nhà nước chỉ mới phát huy vai trò ở khía cạnh phòng ngừa, số vụ việc chuyển còn hạn chế. Do đó, nữ đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán làm rõ nguyên nhân và định hướng định hướng giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nêu câu hỏi chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nêu câu hỏi chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước

Trả lời, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, từ 2019-2023 đã thực hiện kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo tài chính, trong đó kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 19 vụ việc, với phương châm thận trọng, chín, rõ mới chuyển.

Ông cũng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ rất được coi trọng là phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để điều tra, đưa ra ánh sáng những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Trong 5 năm đó, kiểm toán cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo, tài liệu cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra.

“Đây là tài liệu đầu vào giúp cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh, hiệu quả hơn việc điều tra, truy tố, xét xử đối tượng tham nhũng, tiêu cực” – ông Ngô Văn Tuấn nói.

Tổng Kiểm toán cũng cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp kịp thời hơn, cung cấp tài liệu đầy đủ hơn, gắn với theo dõi, đôn đốc, nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, phát hiện của kiểm toán rõ hơn, thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng, đưa ra ánh sáng vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Còn theo Đại biểu Hà Đức Minh (đoàn Lào Cai), qua kiểm toán phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế cũng như sai phạm của các doanh nghiệp, dự án đầu tư, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

“Trong trường hợp Kiểm toán Nhà nước vào thực hiện kiểm toán nhưng không phát hiện ra sai phạm, sau đó cơ quan khác phát hiện ra sai phạm thì trách nhiệm của của Kiểm toán Nhà nước sẽ như thế nào, việc xử lý trách nhiệm cá nhân hay trách nhiệm của cơ quan kiểm toán?” – đại biểu nêu chất vấn.

Trước băn khoăn của đại biểu, Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, Điều 68 Luật PCTN, tiêu cực quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra trong trường hợp này.

Báo cáo kiểm toán đã phát hành không phát hiện sai phạm, khi cơ quan chức năng vào làm cùng nội dung, cùng kỳ kiểm toán mà phát hiện sai phạm thì cần phải làm rõ trách nhiệm, nếu có lỗi thì tùy theo mức vi phạm để xử lý theo trách nhiệm hình sự hay hành chính. Trách nhiệm cá nhân thì xử lý cá nhân, trách nhiệm tập thể thì xử lý tập thể.

“Gần 30 năm hoạt động, Kiểm toán Nhà nước chưa có trường hợp nào phải xử lý như vậy” – ông Ngô Văn Tuấn khẳng định.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn

Ở góc độ khác, Đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) đặt vấn đề hiện nay mô hình tổ chức Kiểm tóa Nhà nước đang được phân theo khu vực, kiểm toán thường xuyên đối với một địa bàn.

“Mô hình tổ chức này có đảm bảo được tính độc lập, khách quan và liệu có nảy sinh tiêu cực trong mối quan hệ giữa kiểm toán khu vực và địa phương hay không, giải pháp của Kiểm toán Nhà nước cho vấn đề này là gì?” – nữ đại biểu chất vấn.

Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn cho biết, hiện Kiểm toán Nhà nước có trên 1800 biên chế được tổ chức theo 32 đơn vị, trong đó có 13 khu vực. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành luôn là nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng nhất.

Thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước làm rất mạnh việc luân chuyển, điều động cán bộ.

“Từ 2-3 năm là phải luân chuyển, luân phiên. Chúng tôi có chỉ đạo luân phiên trong kiểm toán và chỉ đạo kiểm toán đối với từng địa phương. Như thế cũng hạn chế được quan hệ thân hữu, giúp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” – ông Ngô Văn Tuấn nói.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/kiem-toan-se-cung-cap-tai-lieu-day-du-hon-cho-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-post1099559.vov