Mối đe dọa lây bệnh giữa động vật hoang dã và người

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có khoảng 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật, trong đó nguồn gốc từ động vật hoang dã (ĐVHD) chiếm phần lớn. Trong 5 thập kỷ vừa qua, hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm trên người có nguồn gốc từ động vật đã xuất hiện và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng cũng như an sinh xã hội. Những bệnh này xuất phát từ mối tương tác con người - động vật - hệ sinh thái và có khả năng gây hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người, sinh kế, sự phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác.

Tội phạm liên quan động vật hoang dã gia tăng

Việt Nam là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao bậc nhất thế giới với hơn 50.000 loài động, thực vật. Chính sự đa dạng sinh học và thói quen tiêu dùng ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD là nguyên nhân dẫn tới các hoạt động tìm kiếm, săn bắt, buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã ngày càng tăng. Không chỉ là điểm nóng tiêu thụ động vật hoang dã, Việt Nam cũng dần trở thành điểm trung chuyển động vật hoang dã bất hợp pháp với số lượng vụ việc và tang vật vi phạm gia tăng trong những năm gần đây.

 Động vật hoang dã vẫn bị săn bắt, buôn bán lén lút, dù pháp luật có đầy đủ chế tài xử phạt.

Động vật hoang dã vẫn bị săn bắt, buôn bán lén lút, dù pháp luật có đầy đủ chế tài xử phạt.

Theo Tổ chức Wildlife Conservation Society, Văn phòng đại diện tại Việt Nam (WCS Việt Nam), từ năm 2018 đến tháng 12/2023, Việt Nam có hơn 1.300 vụ bắt giữ liên quan đến 140 loài động vật hoang dã, với hơn 22 nghìn cá thể, bộ phận, sản phẩm động vật hoang dã; 110 tấn bộ phận, sản phẩm động vật hoang dã.

Các loài bị xâm hại phổ biến là rắn hổ mang chúa, tê tê, hổ, gấu ngựa, cầy hương. Hành vi vi phạm pháp luật về ĐVHD phổ biến là buôn bán; vận chuyển; tàng trữ; nuôi nhốt; săn bắt, giết; nhập khẩu; quảng cáo và không có dữ liệu về hành vi vi phạm. Những số liệu này được WCS Việt Nam ghi nhận từ nguồn mở.

Ông Dương Hồng Hòa, Trưởng phòng 3, VKSND tỉnh Nam Định cho biết, thời gian qua, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD đã bị phát hiện và xử lý hình sự trên địa bàn tỉnh Nam Định. Cụ thể: năm 2016 là 3 vụ/3 bị can, năm 2022 là 6 vụ/5 bị can, năm 2023 là 7 vụ/6 bị can. Tang vật thu giữ chủ yếu trong các vụ án này gồm các loài như tê tê, cu li, rùa hộp trán vàng,..với số lượng dao động dưới 5 cá thể ĐVHD mỗi vụ. Bên cạnh đó, các vụ việc bị xử lý vi phạm hành chính cũng có chiều hướng phức tạp, phổ biến là hành vi săn, bắt chim hoang dã để cung cấp cho các nhà hàng kinh doanh ăn uống. Điển hình, năm 2023, Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nam Định phát hiện ông Đinh Văn Định tại: xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy có hành vi săn, bắt chim hoang dã trái phép và tịch thu 2 cá thể chim diệc, 2 cá thể cò trắng, 14 cá thể chim vạc; 1 lưới rập, 1 máy phát âm thanh, 2 loa. Cũng trong năm 2023, Hạt Kiểm lâm Nghĩa Hưng phát hiện ông Trần Văn Hữu tại xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Hưng đang nuôi nhốt trái phép 80 cá thể vạc hoang dã, 22 cá thể chim diệc....

Là một trong những tỉnh có đường biên giới với Lào, Hà Tĩnh có các vụ buôn bán động vật hoang dã khá phức tạp. Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện, bắt giữ 31 vụ, 31 đối tượng (30 cá nhân, 1 tổ chức) vi phạm trên lĩnh vực môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; trong đó, có 3 vụ việc về buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm, thu giữ 6 cá thể tê tê, 7 cá thể hổ con, 1 cá thể gấu ngựa, 5 cá thể cầy hương, cầy vòi, 1 cá thể rắn hổ chúa, 1 đầu Sơn Dương...

Buôn bán trái phép ĐVHD chỉ đem lại lợi nhuận cho một bộ phận nhỏ người vi phạm nhưng lại gây tổn hại đến đa dạng sinh học của đất nước, gia tăng nguy cơ lan truyền các dịch bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học toàn cầu cũng như hình ảnh con người, đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Nguy cơ nguồn lây bệnh từ động vật hoang dã

Các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở trên người được cho là có nguồn gốc hoặc có liên quan đến động vật hoang dã, có thể kể đến bao gồm: bệnh AIDS do nhiễm vi rút HIV lây nhiễm từ các loài linh trưởng; dịch SARS do lây nhiễm vi rút corona có nguồn gốc từ một loài cầy hương; dịch MERS-CoV do lây nhiễm vi rút corona từ lạc đà; dịch cúm gia cầm tuýp A (H5N1) do lây nhiễm vi rút cúm có nguồn gốc từ chim hoang dã; dịch Ebola do lây nhiễm vi rút từ một loại dơi ăn quả. Gần đây nhất là dịch bệnh COVID-19, dù chưa có bằng chứng chính thức khẳng định về con đường lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 từ động vật, tuy nhiên, mầm bệnh là một chủng vi rút corona lưu hành trên động vật, bao gồm cả động vật nuôi và động vật hoang dã.

 Những người chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã có nguy cơ cao lây bệnh từ ĐVHD.

Những người chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã có nguy cơ cao lây bệnh từ ĐVHD.

Nghiên cứu gần đây nhất của tổ chức WCS Việt Nam cho biết, kết quả thu thập các mẫu bệnh phẩm của động vật hoang dã từ các trang trại, chợ, nhà hàng, từ các động vật hoang dã bị buôn bán trái phép đã phát hiện nhiều vi rút mới, trong đó có 5 vi rút corona, 2 vi rút herpes (có chủng vi rút gây bệnh thủy đậu, mụn rộp, zona...), 5 vi rút Paramyzo (có chủng vi rút gây bệnh do Nipah, sởi, quai bị...) và 14 vi rút Rhabdo (có chủng vi rút gây bệnh dại...).

Theo ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Sở dĩ những bệnh truyền nhiễm trên người do lây từ ĐVHD thường nguy hiểm vì thường là các bệnh mới xuất hiện do đó chưa thể tạo ra miễn dịch cộng đồng cũng như các nghiên cứu về mầm bệnh, đường lây truyền, điều trị và phòng, chống… không thể bắt kịp với tốc độ xuất hiện và lây lan của dịch bệnh. Bên cạnh đó, thế giới tự nhiên vô cùng đa dạng nên chúng ta khó có thể khám phá hết các loại mầm bệnh để có những biện pháp dự phòng và ngăn chặn phù hợp và kịp thời. Mặt khác, không chỉ có động vật lây nhiễm cho con người, mà ngược lại con người cũng có thể truyền các mầm bệnh cho động vật. Sự lây truyền qua lại đó có thể khiến cho các mầm bệnh biến chủng và trở nên nguy hiểm hơn cho cả con người và động vật.

 Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

“Việt Nam là một trong những quốc gia có tổng đàn gia cầm nuôi lớn nhất trên thế giới, vì vậy nguy cơ dịch cúm trên đàn gia cầm do lây nhiễm mầm bệnh từ chim hoang dã vẫn luôn hiện hữu, từ đó gia tăng nguy cơ lây nhiễm sang người. Bệnh cúm A (H5N1) là một trong những bệnh có tỉ lệ tử vong rất cao, khoảng 50%. Bên cạnh đó, bệnh dại vẫn là một bệnh lây truyền từ động vật đáng quan tâm tại Việt Nam và là một trong những bệnh có số ca tử vong cao trong số những bệnh truyền nhiễm lưu hành. Bên cạnh nguồn bệnh từ chó, mèo nuôi, vi rút dại có ổ chứa trong tự nhiên là các loài động vật hoang dã như chồn, cầy, chó mèo hoang, dơi...” – Phó Cục trưởng Nguyễn Lương Tâm cho hay.

Dịch bệnh lây truyền giữa động vật và người là một mối đe dọa thường trực gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, kinh tế và xã hội. Trong những năm qua, bên cạnh những giải pháp về chuyên môn như: tăng cường năng lực giám sát, phát hiện và cảnh báo sớm, xử lý dịch bệnh kịp thời, ngành Y tế dự phòng còn tập trung vào công tác truyền thông và giáo dục sức khỏe thông qua các chương trình truyền thông đại chúng thường xuyên, các chiến dịch truyền thông lớn để phòng, chống bệnh dại, bệnh cúm gia cầm… Ngoài ra, việc truyền thông nguy cơ luôn được ưu tiên hàng đầu, được thực hiện trước mỗi khi nguy cơ về dịch bệnh, trong và sau khi dịch bệnh xảy ra. Ngành Y tế thường xuyên đưa ra các khuyến cáo về việc hạn chế tiếp xúc, tiêu thụ và sử dụng thịt và các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ

Để hạn chế và kiểm soát được những bệnh lây truyền giữa người và động vật, cần phải có những biện pháp cụ thể, phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức thực hiện giữa các ngành chức năng trong quản lý hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ động vật, hoạt động săn bắn, buôn bán, gây nuôi, cứu hộ và giám sát dịch bệnh ở ĐVHD.

Người dân tộc Đan Lai, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An trong một buổi nghe tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã.

Người dân tộc Đan Lai, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An trong một buổi nghe tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã.

Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của nhiều ngành như: Y tế, Nông nghiệp, Công an, Quản lý thị trường…đồng thời, cần phải thực thi đầy đủ theo các văn bản pháp luật có liên quan. Luật Thú y (số 79/2015/QH13 ban hành ngày 19/6/2015, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016) là một trong những văn bản pháp luật cao nhất được áp dụng để kiểm soát các bệnh động vật, trong đó có bệnh chung giữa người và động vật cũng như bệnh ĐVHD.

Điều 16 của Luật Thú y đã quy định về việc giám sát dịch bệnh động vật nhằm phát hiện sớm dịch bệnh có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, các bệnh lây truyền giữa động vật và người. Trong đó, đã chú trọng việc giám sát các bệnh truyền nhiễm có thể lây giữa động vật hoang dã và động vật nuôi tại các cơ sở nuôi động vật hoang dã, vườn thú, vườn chim, khu bảo tồn đa dạng sinh học, khu bảo tồn thiên.

Bộ Y tế có hướng dẫn giám sát và phòng chống các bệnh truyền nhiễm nói chung và các bệnh lây truyền từ động vật sang người nói riêng như: cúm gia cầm, dại, liên cầu lợn... trong đó, hướng dẫn những biện pháp dự phòng lây truyền dịch bệnh cho người dân, người có nguy cơ cao như người tham gia phòng chống dịch, người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật.

 Tái thả ĐVHD về tự nhiên tại Vườn quốc gia Cúc Phương.

Tái thả ĐVHD về tự nhiên tại Vườn quốc gia Cúc Phương.

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Lương Tâm nhấn mạnh: Để kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật nói chung, ngành Y tế đã và đang phối hợp chủ động, chặt chẽ, thường xuyên với các bộ, ngành liên quan như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường… và rất nhiều tổ chức trong và ngoài nước liên quan như WHO, FAO, US CDC, USAID, WCS, IUCN, Four Paws, HSI.. Sự phối hợp liên ngành này nhằm mục đích ngăn ngừa các nguy cơ lây truyền, bùng phát dịch bệnh, nâng cao năng lực giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, đánh giá nguy cơ để có những can thiệp phù hợp, đáp ứng khẩn cấp khi dịch bệnh xảy ra, truyền thông thay đổi hành vi, đào tạo và nghiên cứu.

Ngoài những giải pháp về chuyên môn như: tăng cường năng lực giám sát, phát hiện và cảnh báo sớm, xử lý dịch bệnh kịp thời, ngành Y tế dự phòng còn tập trung vào công tác truyền thông và giáo dục sức khỏe thông qua các chương trình truyền thông đại chúng thường xuyên, các chiến dịch truyền thông lớn để phòng, chống bệnh dại, bệnh cúm gia cầm…Ngành Y tế thường xuyên đưa ra các khuyến cáo về việc hạn chế tiếp xúc, tiêu thụ và sử dụng thịt và các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, các chuyên gia pháp luật cho rằng, cần thiết phải tăng cường công tác thực thi pháp luật, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm để chấm dứt ngay việc săn bắt, buôn bán, giết mổ, ăn thịt các loại động vật hoang dã, nhằm cắt đứt nguồn lây truyền các vi rút, vi trùng, ký sinh trùng nguy hiểm gây ảnh hưởng có hại đến sức khỏe con người. Đó là, cần tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã và Luật Đa dạng Sinh học (2008).

Việt Nam là một trong những quốc gia chủ động nhất tại khu vực trong quản lý rủi ro dịch bệnh lây truyền và dịch bệnh mới nổi, đặc biệt là dịch bệnh từ động vật sang người. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 8.600 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã với 2,5 triệu cá thể, 300 loài được nuôi.

Lê Sử

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/y-te/moi-de-doa-lay-benh-giua-dong-vat-hoang-da-va-nguoi-160090.html