Kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai năm 2021 với tỉnh Nam Định và Thái Bình
Sáng 29/9, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã dẫn đầu Đoàn công tác họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Nam Định và Thái Bình nhằm kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai năm 2021 của địa phương, trong đó có tuyên truyền cho ngư dân các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế, khẳng định vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về việc phân công phụ trách địa bàn và tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai năm 2021, do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, Ban chỉ đạo không tổ chức kiểm tra trực tiếp mà họp trực tuyến kiểm tra công tác phòng, chống thiên tại tại các địa phương.
Tham dự buổi làm việc về phía Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Cục Kiểm ngư, Cục Quản lý đê điều, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao).
Về phía tỉnh Nam Định có ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Về phía tỉnh Thái Bình có ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông thôn, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đại diện UBND huyện, thành phố.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đã báo cáo công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong thời gian qua, nêu thuận lợi, khó khăn và đề xuất định hướng cho giai đoạn 2021-2025. Qua ý kiến đóng góp của lãnh đạo tỉnh Nam Định và Thái Bình cho thấy, các địa phương tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân nắm được các quy định của pháp luật trong hoạt động thủy sản của Việt Nam và quốc tế.
Địa phương cũng đã hướng dẫn ranh giới vùng biển Việt Nam với các nước, giúp ngư dân tích cặc vươn khơi, bám biển đánh bắt thủy hải sản, góp phần khẳng định vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Đặc biệt, tỉnh Nam Định và Thái Bình cũng đã tổ chức tập huấn, huấn luyện cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu cá hoạt động khai thác xa bờ về các quy định của pháp luật và quy trình xử lý các tình huống khi gặp sự cố, tai nạn trên biển.
Cùng với đó, các thành viên đoàn kiểm tra cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp vào báo cáo của các địa phương, tiếp thu các ý kiến đề xuất của địa phương về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với phương châm “4 tại chỗ”.
Thay mặt Đoàn công tác, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng đã biểu dương kết quả của hai tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai. Thứ trưởng khẳng định, các địa phương đã xây dựng được phương án ứng phó thiên tai, bảo vệ trọng điểm thiên tai theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của văn phòng thường trực ban chỉ huy.
Các địa phương cũng đã có biện pháp khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng, củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, qua đó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Để sẵn sàng cho công tác phòng, chống thiên tai trong những tháng còn lại năm 2021 và nâng cao hiệu quả trong công tác này, Thứ trưởng Tô Anh Dũng đề nghị Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hai tỉnh tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý bãi sông, bãi triều ven biển, xử lý triệt để vi phạm quản lý đê điều, không để phát sinh vi phạm mới.
Cho rằng hai địa phương có đường ven biển, thường xuyên hứng chịu mưa bão, mưa lũ, trước tình trạng biến đổi khí hậu, tình hình Covid-19 phức tạp, Thứ trưởng mong muốn hai tỉnh hết sức theo dõi sát dự báo, diễn biến tình hình để kịp thời nắm bắt, xây dựng phương án dự phòng đối với các tình huống xấu có thể xẩy ra.
Theo ý kiến của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Thứ trưởng đề nghị, các địa phương cần tranh thủ thời gian để kiên cố hóa, sửa chữa hệ thống đê điều, chống xâm nhập mặn; nhanh chóng hoàn thiện chính sách, bộ máy ban chỉ đạo, lực lượng xung kích; tăng cường biện pháp tập huấn, xây dựng phương án phòng chống cứu nạn, thiên tai…
Liên quan đến “thẻ vàng” của EU, Thứ trưởng nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này, các địa phương cùng nỗ lực, cố gắng để tháo gỡ thẻ trong thời gian tới nhằm tận dụng lợi thế của ngành ngư nghiệp.
Ngoài ra, địa phương cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế với địa phương các nước láng giềng qua đường dây nóng, lực lượng cứu hộ cứu nạn để bảo hộ công dân trong tình huống thiên tai; Nhanh chóng hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát với các tàu cá để phục vụ công tác điều hành trong mùa mưa bão; tăng cường công tác truyền thông; sử dụng hiệu quả Quỹ phòng, chống thiên tai…
Về kiến nghị và đề xuất của hai tỉnh, các thành viên trong Ban chỉ đạo và các đơn vị liên quan đã ghi nhận, sẽ báo cáo với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để tiếp tục hỗ trợ các nguồn lực cho địa phương trong công tác này thời gian tới.