Kiểm tra, giám sát tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
Quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích có sự chuyển biến tích cực
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 77/CĐ-TTg ngày 8/8/2024 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc.
Thời gian qua, triển khai các quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội, Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc đã đạt được một số kết quả nhất định.
Theo đó, hầu hết các địa phương đã xây dựng và ban hành văn bản quy định về quản lý tiền công đức, tài trợ, bảo đảm phù hợp với thực tế của từng di tích và phong tục, tập quán của địa phương. Nguồn thu công đức, tài trợ tại các di tích đã được sử dụng công khai, minh bạch, không những cho việc tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội, tạo sức hấp dẫn đối với du khách, mà còn đóng góp tích cực cho các hoạt động cộng đồng thông qua các hoạt động hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, ủng hộ xây nhà cho hộ nghèo, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ, công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ vẫn còn một số hạn chế. Số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ. Còn một số cơ sở di tích lịch sử - văn hóa chưa báo cáo kịp thời, đầy đủ công tác quản lý tiền công đức, tiền tài trợ; chưa thực hiện lắp đặt camera để giám sát tại các điểm tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức, tài trợ. Việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro để thất thoát, trộm cắp…
Trước đó, ngày 26/6/2024, Bộ Tài chính cũng đã có Văn bản số 174/BC-BTC báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023. Theo Bộ Tài chính, cả nước hiện có 31.211 di tích lịch sử - văn hóa (gồm 31.581 di tích thành phần). Trong năm 2023, tổng số tiền thực thu của các di tích lịch sử - văn hóa là 4.100 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo), trong khi tổng số chi là 3.612 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích đã và đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng công khai, minh bạch kể từ khi Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được ban hành. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực thì việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Theo đó, đa số báo cáo của địa phương cho rằng số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ. Tại các di tích là cơ sở tôn giáo về cơ bản đều có hoạt động thu, chi tiền công đức, tài trợ nhưng còn khoảng 31% (tương ứng 1.771 cơ sở di tích) không báo cáo.
Việc thực hiện tại những di tích chưa lắp camera có bảo đảm minh bạch hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự giác của người đại diện di tích. Ngoài ra, việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại không ít di tích chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro, để thất thoát, trộm cắp: Một số di tích giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm, cho các cá nhân vay, đã có trường hợp bị lừa nhiều tỷ đồng. Một số di tích có thói quen giữ tiền mặt mà không gửi vào tài khoản bị kẻ gian lấy trộm; nhiều di tích tiếp nhận tiền trong hòm công đức chưa kịp thời bị kẻ gian cạy phá hòm lấy tiền. Thậm chí, có trường hợp nhân viên Ban quản lý di tích lấy trộm tiền công đức bị phát hiện... Đến nay, vẫn còn xảy ra “va chạm” trong việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ tại một số di tích đan xen các chủ thể khác nhau quản lý, nhất là những di tích vừa có cơ sở tín ngưỡng, vừa có cơ sở tôn giáo (cụm di tích gồm đình, đền, miếu, chùa) và một số cụm di tích là cơ sở tín ngưỡng giao khoán cho các hộ gia đình quản lý, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo.
Chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm
Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu nội dung báo cáo, kiến nghị của Bộ Tài chính tại Văn bản số 174/BC-BTC ngày 26/6/2024, theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo quy định để tăng cường công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa.
Bên cạnh đó, rà soát văn bản, quy định của địa phương liên quan đến quản lý thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội để ban hành Quyết định mới hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp theo quy định của Bộ Tài chính; chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan công khai, minh bạch việc thu, chi các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội và cung cấp thông tin kịp thời khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Tăng cường tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, huy động sự vào cuộc, đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi, phục vụ lợi ích cá nhân...
Giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Thủ tướng yêu cầu theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao có trách nhiệm hướng dẫn UBND các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền trong quý IV/2024 để bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa và chế tài xử lý nghiêm khi để phát sinh sai phạm.