Kiểm tra mực nước các hồ thủy điện sau khi liên tục xảy ra động đất

2 ngày qua, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) liên tục xảy ra động đất với tần suất đột biến. Các đơn vị tổ chức kiểm tra mực nước hồ chứa thủy điện để làm cơ sở đối chiếu, xác định nguyên nhân.

Ngày 29-7, đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Kon Tum cho biết, đơn vị đang phối hợp với Văn phòng đại diện Cục quản lý đê điều, phòng chống thiên tai miền Trung và Tây Nguyên (Cục quản lý đê điều và phòng chống thiên tai) kiểm tra tình hình thiệt hại do động đất gây ra vào ngày 28-7.

Bên cạnh đó, đoàn sẽ khảo sát, kiểm tra, nắm số liệu mực nước hồ chứa thủy điện vào thời điểm xảy ra động đất, làm cơ sở đối chiếu với các năm trước, nhằm mục đích xác định động đất có phải do ảnh hưởng của hồ chứa thủy điện hay không.

Chỉ riêng từ ngày 28-7 đến 15 giờ 32 phút ngày 29-7, Kon Plông đã xảy ra 45 trận. Trong đó, trận động đất diễn ra vào trưa ngày 28-7 có độ lớn 5 richter, gây rủi ro thiên tai cấp 2. Vụ động đất cũng đã làm rung chấn sang các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung.

Theo UBND huyện Kon Plông, các trận động đất ngày 28-7 không gây thiệt hại về người, nhưng đã làm nứt một số trường học, trạm y tế, phòng làm việc công an… Nhân dân lo lắng, bất an sau động đất.

 Lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum ở xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông. Ảnh: HP

Lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum ở xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông. Ảnh: HP

Ông A Lang, Bí thư chi bộ thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, vùng tâm chấn) cho biết, khi trận động đất có độ lớn 5 richter xảy ra, bản thân ông đang trồng cây. Lúc này, ông nghe trong lòng đất có tiếng nổ, sau đó cây rừng rung lắc, người ngã nghiêng. Lo sợ, ông bỏ dở công việc đang làm để về nhà.

Cũng theo ông A Lang, nhiều năm qua, địa bàn xảy ra nhiều trận động đất. Tuy nhiên, bà con đã quen nên sinh hoạt, lao động bình thường. Trận động đất có độ lớn 5 richter vào trưa ngày 28-7, là trận động đất lớn nhất mà người dân cảm nhận được, khiến nhiều người trong thôn lo lắng, giờ không dám đi làm một mình.

Theo ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, trên địa bàn, ngày 28-7, tần suất xảy ra các động đất tăng đột biến. Trong khi những ngày trước đó, tần suất xảy ra động đất giảm hơn so với mấy năm trước. Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều biện pháp để giúp người dân ứng phó với động đất, như phát sổ tay, cẩm nang hướng dẫn.

 Trạm bảo vệ rừng xây dựng ở xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông (nơi tâm chấn) bị nứt sau trận động đất ngày 28-7. Ảnh: HP

Trạm bảo vệ rừng xây dựng ở xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông (nơi tâm chấn) bị nứt sau trận động đất ngày 28-7. Ảnh: HP

Tới đây, huyện sẽ ban hành kế hoạch tổ chức diễn tập ứng phó động đất đến tận thôn làng, trong đó sẽ chú trọng các công việc người dân cần làm triển khai để đảm bảo an toàn khi xảy ra động đất. Việc diễn tập sẽ bắt đầu và hoàn thành trong tháng 8-2024.

Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương Kon Tum cho biết, trên địa bàn huyện Kon Plông, có 3 thủy điện có dung tích hồ chứa trên 10 triệu m3, là Thủy điện Thượng Kon Tum, Thủy điện Đắk Đrinh và Thủy điện Đăk Re.

Vào ngày 28-7, đề phòng các nhà máy thủy điện sợ động đất xảy ra nhiều, sẽ xả nước quá lưu lượng về hạ du để đảm bảo an toàn công trình thủy điện, sở đã yêu cầu các nhà đầu tư nói trên tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, không để xảy ra thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân; báo cáo kịp thời thời các vướng mắc để tháo gỡ khó khăn, khắc phục. Qua kiểm tra, cả 3 thủy điện đang tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, mực nước hồ hiện nằm dưới mực nước dâng bình thường rất xa.

Như Báo SGGP đã thông tin, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông liên tục xảy ra động đất. Bước đầu các chuyên gia, nhà khoa học nhận định, động đất khu vực huyện Kon Plông là động đất kích thích gây ra do hồ chứa.

HỮU PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kiem-tra-muc-nuoc-cac-ho-thuy-dien-sau-khi-lien-tuc-xay-ra-dong-dat-post751558.html