Kiểm tra, xác minh vụ phá rừng giáp ranh Gia Lai - Đắk Lắk

Tại xã Ia Piơr, huyện Chư Prông (Gia Lai), một diện tích rừng lớn vừa bị san bằng ngang nhiên tại khu vực giáp ranh hai tỉnh Gia Lai - Đắk Lắk, gây bức xúc đối với người dân địa phương.

Dấu hiệu tại hiện trường cho thấy vụ việc diễn ra trong thời gian dài và liên tục. Ảnh: TTXVN phát

Dấu hiệu tại hiện trường cho thấy vụ việc diễn ra trong thời gian dài và liên tục. Ảnh: TTXVN phát

Ghi nhận của phóng viên vào trung tuần tháng 4/2024 cho thấy, khu vực rừng bị phá nằm sát với khu vực đất sản xuất của người dân thôn Đoàn Kết, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông. Tại hiện trường, hàng nghìn cây gỗ lớn nhỏ bị "lâm tặc" đốn hạ không thương tiếc, nhiều gốc cây vẫn còn rỉ nhựa tươi mới. Những thân cây có đường kính lớn được các đối tượng chở đi, xung quanh chỉ còn lại cành nhánh cây nằm vương vãi.

"Việc phá rừng này diễn ra một thời gian rồi. Các đối tượng được một người tên G. thuê vào đây phá rừng nhằm chiếm đất. Thông thường họ chia thành nhiều đợt để thực hiện, đầu tiên tập trung vào việc cưa hạ và vận chuyển gỗ lớn; sau đó quay lại thu gom cành nhánh, lá cây chất thành đống, phơi khô; cuối cùng đốt toàn bộ để phi tang" - một người dân gần đó cho biết.

Khi phóng viên phản ánh vụ việc lên chính quyền địa phương, lãnh đạo xã Ia Piơr tỏ ra bất ngờ và chưa nắm được thông tin về vụ việc. Sau khi xem hình ảnh và xác định vị trí qua bản đồ do phóng viên cung cấp, ông Ngô Ngọc Tiến, Chủ tịch UBND xã Ia Piơr thừa nhận diện tích rừng bị phá thuộc quyền quản lý của xã.

“Qua phản ánh thì việc quản lý để mất rừng, lấn chiếm rừng, phá rừng như vậy là rất nghiêm trọng. Xã sẽ cùng đơn vị chức năng kiên quyết xử lý vụ việc.” - ông Tiến cho biết.

Trao đổi về vụ việc, ông Trần Anh Tài, Hạt trưởng Hat Kiểm lâm huyện Chư Prông cho biết, Hạt Kiểm lâm huyện đã cử cán bộ phối hợp cùng UBND xã Ia Piơr đi kiểm tra hiện trường. Tuy nhiên, khu vực xảy ra thuộc đất nông nghiệp và đất có cây gỗ tái sinh núi đất, tất cả đều nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Phần lớn diện tích rừng bị phá thuộc địa giới hành chính tỉnh Đắk Lắk. Do vậy, Hạt Kiểm lâm huyện chỉ xử lý vi phạm nếu có.

“Chúng tôi đang tiếp tục chỉ đạo cho nhân viên, cán bộ kỹ thuật có chuyên môn kiểm tra kỹ lại lần nữa. Nếu phát hiện sự việc vi phạm lâm luật, sẽ xử lý”, ông Trần Đình Tài cho biết thêm.

Hiện trường vụ việc. Ảnh: TTXVN phát

Hiện trường vụ việc. Ảnh: TTXVN phát

Liên quan đến vụ việc, theo báo cáo số 65 ngày 23/4/2024 của UBND xã Ia Piơr và biên bản làm việc giữa các đơn vị liên quan hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk ngày 11/4/2024, xác định khu vực đất có cây bị chặt hạ có tổng diện tích hơn 3,5 ha, xảy ra tại Lô 6 và Lô 10, Khoảnh 10, Tiểu khu 927 (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, Gia Lai). Đây là khu vực giáp ranh giữa hai xã Ia Piơr, huyện Chư Prông (Gia Lai) và xã Ia JLơi, huyện Ea Súp (Đắk Lắk).

Qua đối chiếu hệ thống bản đồ và các hồ sơ quản lý của 2 tỉnh, về phía huyện Chư Prông (Gia Lai) xác định, trong diện tích đất hơn 3,5 ha có cây bị chặt nói trên chỉ có 0,42 ha thuộc địa giới hành chính của tỉnh Gia Lai, tuy nhiên diện tích này nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp; còn lại 3,14 ha không thuộc địa giới hành chính tỉnh quản lý. Về phía huyện Ea Súp (Đắk Lắk) lại cho rằng toàn bộ diện tích hơn 3,5 ha nói trên không thuộc diện tích do huyện này quản lý.

Cũng theo biên bản làm việc nói trên, do chưa xác định được rõ ràng ranh giới và trách nhiệm quản lý, nên cả hai địa phương và ngành chức năng hai tỉnh sẽ cử lực lượng trông coi, bảo vệ hiện trường cho đến khi có kết quả thống nhất về ranh giới hành chính các bên.

Tại Gia Lai, huyện Chư Prông nổi lên như một "điểm nóng" về phá rừng, với 14 vụ vi phạm lâm luật chỉ trong quý I/2024.

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phap-luat/kiem-tra-xac-minh-vu-pha-rung-giap-ranh-gia-lai-dak-lak-20240428090609906.htm