Kiến ba khoang xuất hiện ở nhiều chung cư
Nhiều hộ dân ở Hà Nội ghi nhận sự xuất hiện của kiến ba khoang trong nhà. Chuyên gia côn trùng học nhận định, từ nay đến hết tháng 10 là cao điểm xuất hiện kiến ba khoang do miền Bắc bước vào mùa gặt lúa.
Chị Lê Thanh Tâm ở khu chung cư Ecohome 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) kể, mấy ngày nay, trong căn hộ của chị thường xuyên xuất hiện vài con kiến ba khoang khi ở bàn làm việc, bàn trang điểm, có lúc trên giường ngủ. Anh Hà ở khu đô thị Dương Nội cho biết, vào khoảng tháng 6, loài kiến này xuất hiện khá nhiều trong khu đô thị Dương Nội, sau đó gần như không có, mấy ngày nay lại xuất hiện.
Theo PGS.TS Trương Xuân Lam, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, kiến ba khoang thường xuất hiện nhiều nhất tại khu dân cư vào hai thời điểm là tháng 5-6 và tháng 9-10 hằng năm. Đây là thời điểm diễn ra và kết thúc vụ gặt lúa tại các tỉnh miền Bắc, trong đó có vùng ven đô Hà Nội.
Sau vụ gặt, nơi trú ngụ và kiếm ăn của kiến ba khoang không còn nên loài này tìm đến những hộ gia đình, khu chung cư gần cánh đồng, bãi đất trống, xuất hiện nhiều vào mùa mưa.
Do có tập tính hướng sáng nên kiến ba khoang thường xuất hiện ở nơi có ánh đèn. PGS Lam lưu ý, kiến ba khoang không chủ động tấn công con người. Tuy nhiên, khi chúng bò lên người và tiếp xúc với da, theo phản xạ của loài bắt mồi, độc tính được tiết ra và trực tiếp thấm vào da. Dưới bụng của kiến ba khoang có 2 tuyến độc chứa chất Pederin.
Theo Bộ Y tế, Pederin độc gấp 12-15 lần chất độc của rắn hổ mang, nhưng do lượng độc ít và tiếp xúc trên da nên kiến ba khoang chỉ gây ngứa rát, nặng hơn là phồng rộp, nhiễm trùng, mưng mụn nước.
Bộ Y tế khuyến cáo, những hộ dân sống gần cánh đồng, bãi đất trống nên trang bị lưới chống côn trùng, không nên mở cửa sổ và cửa chính vào buổi tối nếu để đèn sáng. Nên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh, buông màn khi ngủ.
Bắt kiến ba khoang ra khỏi da bằng cách thổi hoặc đặt một tờ giấy cho kiến bò lên và lấy ra khỏi người.
Nếu bị dính nọc độc của kiến ba khoang, phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác, bôi thêm thuốc làm dịu như hồ nước.
Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý, nhiều người dễ nhầm lẫn giữa viêm da do kiến ba khoang và bệnh Zona. Trong khi bệnh Zona thường gặp ở những người từng bị thủy đậu, với các dấu hiệu báo trước như đau nhức dọc theo dây thần kinh ở nửa người thì người bị viêm da do kiến ba khoang thường không có biểu hiện gì trước đó. Sau khoảng 5-7 ngày, vùng da bị viêm do kiến ba khoang sẽ lành. Lưu ý các biểu hiện để khám bác sĩ da liễu khi cần thiết.