Kiên cường thời chiến, bản lĩnh thời bình

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, hy sinh, Đảng bộ và nhân dân Bình Phước đã luôn kề vai, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang chiến đấu kiên cường, lập nên nhiều chiến công vang dội với các địa danh đi vào lịch sử. Trong đó, chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô của Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 là một trong những thắng lợi có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) trân trọng giới thiệu bài viết của Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền tại lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28-8-1972 - 28-8-2022), do UBND tỉnh Bình Phước phối hợp Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 tổ chức ngày 26-8.

50 năm trôi qua, Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 đã lùi xa, nhưng những giá trị và vai trò của chiến dịch mang tên người anh hùng áo vải đã đi vào lịch sử dân tộc như một thiên anh hùng ca bất tử, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4, Sư đoàn 7 cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Bình Phước.

150 NGÀY, ĐÊM RỰC LỬA

Trong thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ, chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô nổi lên như một mốc son chói lọi. Với địa thế đặc biệt quan trọng, nằm án ngữ trên Đường 13, con đường huyết mạch của Mỹ - ngụy trong tuyến phòng thủ Bắc Sài Gòn, Chốt chặn Tàu Ô trở thành một trọng điểm quyết chiến giữa ta và địch trong trận chiến năm 1972 ở Đông Nam Bộ.

Cùng với việc tiến công giải phóng Lộc Ninh (ngày 7-4-1972), quân ta bao vây thị xã An Lộc, gián tiếp uy hiếp Sài Gòn. Trước tình hình đó, địch điều binh chi viện nhằm cứu nguy cho thị xã An Lộc và tái chiếm Lộc Ninh. Để đánh bại âm mưu của địch, Bộ chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 7 bố trí lực lượng chốt chặn ở phía Nam và phía Bắc thị xã An Lộc, trong đó Tàu Ô là chốt chặn chính, nhằm ngăn chặn địch chi viện bằng đường bộ từ Sài Gòn lên. Để thực hiện kế hoạch giải tỏa Đường 13, địch tập trung lực lượng lớn, sử dụng nhiều thủ đoạn chiến tranh, các loại phương tiện, trang bị vũ khí hiện đại nhằm giải tỏa các điểm chốt chặn của Sư đoàn 7.

Phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, Bình Phước quyết tâm đồng hành, cùng cả nước đi lên, xứng đáng với những hy sinh, cống hiến của các thế hệ cha anh. Trong ảnh: Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền và lãnh đạo các sở, ngành dâng hương tại Di tích địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô

Phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, Bình Phước quyết tâm đồng hành, cùng cả nước đi lên, xứng đáng với những hy sinh, cống hiến của các thế hệ cha anh. Trong ảnh: Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền và lãnh đạo các sở, ngành dâng hương tại Di tích địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô

Trong suốt 150 ngày đêm (từ ngày 5-4-1972 đến 28-8-1972), trên Đường 13 đoạn từ Tàu Ô đến Nam Chơn Thành dài gần 20km, Sư đoàn 7 phối hợp cùng quân và dân địa phương đã chiến đấu kiên cường, thực hiện phương châm “chốt cứng, chặn đứng, giữ vững trận địa dài ngày, không cho xe dưới lên, trên xuống”, hình thành thế bao vây chia cắt chiến dịch ngay từ đầu, chặn cho được lực lượng của địch lên tăng viện và ngăn không cho địch tháo chạy về Sài Gòn, bảo đảm cho lực lượng chủ yếu của chiến dịch tiến công tiêu diệt địch ở khu vực Lộc Ninh và An Lộc.

Trải qua 150 ngày đêm, với gần 800 trận đánh lớn, nhỏ được thực hiện bằng nhiều phương thức linh hoạt, quân ta đã tiêu diệt hơn 8.000 tên địch; bắt 211 tên ngụy; bắn rơi và phá hủy 119 máy bay; phá hủy 202 xe và nhiều vũ khí, đạn dược, buộc địch phải rút chạy khỏi khu vực tác chiến.

Bằng ý chí bám trụ và sức chiến đấu phi thường cùng sự vận dụng sáng tạo chiến thuật phòng ngự trận địa để trụ vững và đánh thắng địch, ta đã biến Chốt chặn Tàu Ô trở thành một “bức tường thép trên Đường 13”, tạo nên sự chia cắt triệt để, bao vây và cô lập hoàn toàn Bình Long, giành thế chủ động chiến dịch.

Việc ngăn chặn hiệu quả, tiêu hao, đánh bại lực lượng cơ động ứng biến của địch trên Đường 13 đã bảo vệ địa bàn vùng mới giải phóng Lộc Ninh và các cơ quan đầu não của Trung ương Cục, tạo điều kiện hỗ trợ và đẩy mạnh thế trận chiến tranh nhân dân, phá vỡ kế hoạch phòng thủ của địch; thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta.

CHIẾN CÔNG NỐI TIẾP CHIẾN CÔNG

Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô đã góp phần vào thành tích chung của Chiến dịch Nguyễn Huệ trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, góp phần đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta bước sang giai đoạn toàn thắng cả về quân sự và trên nghị trường, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán hòa bình, ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Từ đó mở ra một thời kỳ mới, chiến công nối tiếp chiến công, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đọc diễn văn lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô. Ảnh: Như Nam

Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô là thắng lợi của đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng; sự chỉ huy sáng suốt của các cấp ủy và Bộ tư lệnh Miền; là minh chứng hùng hồn của tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4, Sư đoàn 7 cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân Bình Phước trong suốt tiến trình từ khi chuẩn bị đến khi thực hành chiến dịch.

Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước sẽ đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, quyết tâm gặt hái nhiều thành quả hơn nữa, đưa Bình Phước đồng hành và đi lên cùng cả nước; xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và niềm tin của nhân dân.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước NGUYỄN MẠNH CƯỜNG

Nửa thế kỷ đã trôi qua, Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô vẫn luôn in đậm trong tâm trí cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4, Sư đoàn 7 cùng các lực lượng và nhân dân tỉnh Bình Phước. Ghi nhớ công ơn của những người con đã hy sinh vì Tổ quốc, trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô, tỉnh Bình Phước đã phối hợp với Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa như: thăm hỏi, tặng quà, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc cho Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách.

Ngày 25-8, tỉnh Bình Phước và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 phối hợp tổ chức thành công tọa đàm “Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô - 50 năm một chặng đường”, với sự tham gia của nhiều cựu chiến binh - những nhân chứng lịch sử của trận chiến oai hùng cách đây nửa thế kỷ.

Cuộc tọa đàm tiếp tục khẳng định chiến lược đúng đắn và quyết tâm cao độ của quân và dân ta trong chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô; làm rõ hơn tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi, bài học kinh nghiệm của chiến thắng; tôn vinh sự hy sinh, đóng góp của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào tham gia chốt chặn; tuyên truyền giá trị to lớn của Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972; làm phong phú thêm truyền thống lịch sử tỉnh Bình Phước và Quân đoàn 4.

TRÂN TRỌNG QUÁ KHỨ, VỮNG CHẮC TƯƠNG LAI

Tách ra từ tỉnh Sông Bé năm 1997, sau hơn 25 năm tái lập, Bình Phước từ một địa phương khó khăn đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Thu ngân sách năm 2021 đạt 13.675 tỷ đồng, tăng 79 lần, thu nhập bình quân đầu người đạt 76 triệu đồng, tăng 29 lần so với năm 1997. Đến nay, toàn tỉnh có 70/90 xã và 3/11 huyện, thị xã, thành phố được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Năm 2021, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng dịch Covid-19, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực thực hiện thành công mục tiêu phòng, chống dịch trong từng giai đoạn. Kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được kết quả tích cực với những điểm sáng nổi bật như: Tăng trưởng kinh tế đạt 6,32%, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thì Bình Phước là tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất trong vùng Đông Nam Bộ. Bình Phước xếp thứ nhất cả nước về 3 lĩnh vực: kết nối dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia; thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai và chứng thực điện tử. Đến nay, Bình Phước vẫn duy trì được thứ hạng này.

Trân trọng quá khứ, trân quý hiện tại cũng chính là cách giúp chúng ta bước đến tương lai một cách vững chắc hơn. Thời gian tới, Bình Phước sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Tỉnh tiếp tục chú trọng đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, giao thông. Tập trung xây dựng chính quyền, phục vụ, gần gũi nhân dân, sâu sát doanh nghiệp. Tăng cường liên kết vùng, phát huy lợi thế của tỉnh trong thu hút đầu tư; đảm bảo tốt an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước TRẦN TUỆ HIỀN

Đặc biệt, trong xếp hạng chuyển đổi số vừa được công bố ngày 8-8-2022, Bình Phước trong top 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước (xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố) về chuyển đổi số cấp tỉnh.

8 tháng năm 2022, Bình Phước đạt được hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo tiến độ. Đặc biệt, thu ngân sách toàn tỉnh đến ngày 22-8-2022 đạt trên 10.400 tỷ đồng, bằng 85% dự toán Bộ Tài chính giao và tăng 26% so cùng kỳ năm 2021. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Công tác hậu phương quân đội thường xuyên được quan tâm, chăm lo chu đáo.

Bình Phước đạt được những kết quả nêu trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành, địa phương; sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời có sự đóng góp quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hớn Quản - địa phương vinh dự có sự hiện diện của “Tượng đài chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô” - Di tích lịch sử quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận từ tháng 3-2012.

Với sức trẻ và dòng máu anh hùng cuộn chảy được lưu giữ bởi Chốt chặn Tàu Ô oai hùng, huyện Hớn Quản sẽ tiếp tục góp sức quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian tới, UBND tỉnh giao các sở, ngành chức năng phối hợp với UBND huyện Hớn Quản tham mưu, đề xuất giải pháp tu bổ, tôn tạo, phát triển Di tích địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô, để nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn của ngày càng nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước.

(*) Tít và lời tựa do Tòa soạn đặt.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/136425/kien-cuong-thoi-chien-ban-linh-thoi-binh