Kiên Giang bảo tồn và phát huy phong trào dạy tiếng Khmer và tiếng Hoa

Nhiệm vụ bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer và Hoa đang được tỉnh quan tâm thực hiện, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Học sinh học đọc chữ Khmer. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Học sinh học đọc chữ Khmer. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Tỉnh Kiên Giang sẽ hỗ trợ người dạy tiếng Khmer tại các cơ sở tôn giáo và tiếng Hoa tại các điểm dạy tiếng Hoa do Hội Tương tế người Hoa tổ chức vào dịp Hè hằng năm với mức hỗ trợ 30.000 đồng/tiết.

Người dạy tiếng Khmer gồm các vị sư, Achar, Ban Quản trị chùa Phật giáo Nam tông Khmer và giáo viên đã về hưu, nhân sỹ trí thức đã về hưu biết tiếng Khmer.

Người dạy tiếng Hoa gồm thành viên Ban Quản trị chùa người Hoa, Hội Tương tế người Hoa và giáo viên dạy tiếng Hoa có văn bằng, chứng chỉ phù hợp, đủ năng lực giảng dạy.

Định mức tiết dạy đối với dạy tiếng Khmer không quá 24 tiết/tuần/lớp và dạy tiếng Hoa không quá 12 tiết/tuần/lớp.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, tỉnh có 27 dân tộc sinh sống, với tổng dân số hơn 1,74 triệu người, trong đó, 3 dân tộc có dân số đông, gồm: Kinh (85%), Khmer (13,19%) và Hoa (1,69%), còn lại các dân tộc khác.

 Học sinh học viết chữ Khmer. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Học sinh học viết chữ Khmer. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Việc thực hiện các chủ trương, chính sách đối về phát triển văn hóa và giáo dục trong đồng bào các dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Nhiệm vụ bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer và Hoa đang được tỉnh quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao trình độ học vấn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, chia sẻ dân tộc Khmer ở tỉnh đa số đều theo Phật giáo Nam tông Khmer. Toàn tỉnh có 75 chùa với trên 831 vị sư sãi đang tu học.

Mùa Hè hằng năm, nhiều chùa Phật giáo Nam tông Khmer tổ chức các lớp dạy chữ cho sư sãi và con em đồng bào Khmer với tinh thần tự nguyện, không thu tiền học phí.

Các lớp học được hình thành từ sự chung tay góp sức của nhà chùa, quý sư sãi, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương...

Hoạt động không chỉ có ý nghĩa trong việc bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa dân tộc Khmer mà còn giúp con em đồng bào có thêm không gian sinh hoạt lành mạnh trong dịp nghỉ Hè.

Song song đó, thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng, chính sách xã hội hóa giáo dục, nhiều điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở giáo dục ngoài công lập của người Hoa được trùng tu, sửa chữa được các Hội Tương tế người Hoa được quan tâm.

Toàn tỉnh có 3 điểm trường tư thục dạy tiếng Hoa với 8 giáo viên, khoảng 250 học sinh từ lớp 1-5, các Hội Tương tế người Hoa còn tổ chức dạy tiếng Hoa tại cơ sở thờ tự tín ngưỡng.

Việc thành lập và duy trì hoạt động của các trường tư thục, tổ chức dạy tiếng Hoa đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết, phát huy bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Hoa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kien-giang-bao-ton-va-phat-huy-phong-trao-day-tieng-khmer-va-tieng-hoa-post967640.vnp