Kiên Giang: Kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc thông qua giám sát, khảo sát

Trong năm 2024, thông qua các cuộc giám sát, khảo sát, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đã kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, từ đó chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đưa ra các giải pháp kiến nghị xác đáng, yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết. Ngoài ra, Đoàn cũng nắm bắt những vấn đề vướng mắc về chủ trương, chính sách để kịp thời kiến nghị sửa đổi chính sách pháp luật cho phù hợp.

Trong năm 2024 Đoàn ĐBQH và các ĐBQH tỉnh Kiên Giang đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân và cử tri, triển khai thực hiện có kết quả nhiệm vụ, quyền hạn pháp luật quy định, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và cả nước; có nhiều đổi mới về phương thức hoạt động để hoàn thành chương trình, kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Công tác giám sát tiếp tục được quan tâm, nâng cao chất lượng

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé cho biết, thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội năm 2024 tại địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động phối hợp với Thường trực HĐND và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức các cuộc hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành, các cá nhân có chuyên môn am hiểu sâu về nhiều lĩnh vực, những người có hoạt động thực tiễn đối với 18 dự án Luật, làm việc với 17 lượt Sở ngành trong tỉnh để nắm thông tin góp ý một số dự án luật tại Kỳ họp thứ 7, thứ 8. Các ý kiến đóng góp các dự án luật tổ chức tại địa phương đã được Đoàn ĐBQH tổng hợp, gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cung cấp thông tin cho các đại biểu trong Đoàn nghiên cứu và tham gia phát biểu.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu tại Tổ trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu tại Tổ trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Các ĐBQH còn tham gia đóng góp cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật để làm cơ sở cho Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 9 năm sau. Trên cơ sở nghiên cứu các văn bản, tài liệu, ý kiến phát biểu của các vị ĐBQH tại các kỳ họp, sự tư vấn của các chuyên gia, các ĐBQH trong Đoàn đã tham gia biểu quyết thông qua 31 dự án luật và 44 Nghị quyết góp phần hoàn thành chương trình xây pháp luật năm 2024 của Quốc hội.

Công tác giám sát tiếp tục được Đoàn ĐBQH quan tâm nâng cao về chất lượng, trên cơ sở Nghị quyết số 90/2023/QH15 ngày 8/6/2023 của Quốc hội; Nghị quyết số 833/2023/UBTVQH15 ngày 27/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngay từ đầu năm Đoàn đã chủ động phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh trong điều hòa chương trình giám sát của HĐND tỉnh trong năm để tránh trùng lắp về nội dung, thời gian, địa điểm, đơn vị chịu sự giám sát. Thành viên Đoàn giám sát đều có sự tham gia của Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành có liên quan đến nội dung giám sát. Trong năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức xong 2 cuộc giám sát chuyên đề trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Qua 2 cuộc giám sát, Đoàn đã kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc, từ đó chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đưa ra các giải pháp kiến nghị xác đáng, yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết. Cụ thể, Đoàn đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu điều chỉnh Quyết định số 03/QĐ-UBND ngày 13/01/2023 ban hành quy định bảng giá đất giai đoạn năm 2020-2024 trên địa bàn tỉnh cho phù hợp về giá đất trong vùng; góp ý giải quyết cơ bản đối với các hộ khiếu nại, để sớm thu hồi đất, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công; tăng cường kiểm tra, giám sát để hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc của các đơn vị sự nghiệp công lập trong thực hiện nhiệm vụ.

Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang thường xuyên giám sát theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Ngoài ra, các ĐBQH chuyên trách đã tích cực tham gia 3 Đoàn giám sát, khảo sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội mà đại biểu là thành viên (Trong đó, Lãnh đạo Đoàn đã tham gia 2 cuộc; ĐBQH chuyên trách ở Trung ương tham gia 1 cuộc) để nắm bắt những vấn đề vướng mắc về chủ trương, chính sách, kịp thời kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật cho phù hợp.

Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được quan tâm chuyển đến cơ quan chức năng để giải quyết

Về tiếp xúc cử tri: Trước và sau Kỳ họp thứ 7, thứ 8 Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri (TXCT) được 63 cuộc (2 cuộc nơi công tác; 01 cuộc nơi cư trú; 01 cuộc theo nhóm đối tượng; 57cuộc nơi ứng cử; 2 cuộc theo chuyên đề), với trên 4.780 lượt cử tri tham dự. Qua các cuộc TXCT, các ĐBQH đã ghi nhận được 47 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của trung ương. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tham mưu cho Đoàn ĐBQH kịp thời tổng hợp chuyển đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo quy định. Tại các cuộc TXCT, các vị ĐBQH đã ghi nhận và giải thích, tuyên truyền với cử tri nhiều chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, các văn bản pháp luật đã ban hành, qua đó đã góp phần giải quyết nhiều bức xúc của cử tri và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang tham gia Phiên thảo luận Tổ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang tham gia Phiên thảo luận Tổ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Về công tác tiếp công dân: Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tham dự cùng Chủ tịch UBND tỉnh và các ban ngành có liên quan họp xét, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai 7 buổi với 20 lượt công dân, 20 vụ việc tại UBND tỉnh. Các ĐBQH hoạt động chuyên trách ở Trung ương và ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm là thủ trưởng các ngành cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp công dân theo luật định, góp phần giải quyết nhiều vướng mắc của người dân và tuyên truyền chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân để thực hiện. (có phụ lục 4 kèm theo)

Về công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo: Năm 2024, Đoàn ĐBQH đã tiếp nhận tổng số 84 đơn (trong đó: Khiếu nại 31 đơn; tố cáo 4 đơn; yêu cầu, phản ánh, kiến nghị 49 đơn) thuộc các lĩnh vực: Hành chính: 3 đơn; Tư pháp: 23 đơn; đất đai: 27 đơn; nội dung khác: 31 đơn. Xử lý 44/84 đơn đủ điều kiện; ban hành 25 công văn chuyển đơn, yêu cầu thông báo kết quả giải quyết đơn và hồ sơ kèm theo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, kết quả trả lời có 16/25 đơn đạt 64%; 10 Công văn hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; 9 Công văn trả lời đơn cho công dân. Lưu 40 đơn do không đủ điều kiện xử lý (đã xử lý nhiều lần, đơn không có ủy quyền, không ký tên hoặc điểm chỉ, không có hồ sơ kèm theo đơn, nội dung không rõ ràng…)

Nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, làm tốt vai trò cầu nối giữa cử tri với các cơ quan Nhà nước

Đánh giá chung về hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang trong năm 2024, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé nhấn mạnh: Trong năm 2024, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Đoàn Quốc hội, của Tỉnh ủy Kiên Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh đã hoàn thành tốt công tác xây dựng pháp luật, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân... Trên cơ sở thống nhất và đồng thuận cao, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh gợi ý cho từng đại biểu trong Đoàn tham gia các hoạt động của Quốc hội tại địa phương cũng như các nội dung theo chương trình 6 kỳ họp (có 4 kỳ họp bất thường) hoàn thành tốt các mặt công tác theo quy định của pháp luật.

Các đại biểu trong Đoàn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, làm tốt vai trò cầu nối giữa cử tri với các cơ quan nhà nước. Đoàn cũng đã chuyển tải các kiến nghị của cử tri, của tỉnh về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thực hiện chính sách pháp luật tại địa phương đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương để kịp thời xem xét, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, tạo hành lang pháp lý thuận lợi triển khai thực hiện. Các hoạt động của các vị ĐBQH trong Đoàn đã góp phần tích cực cho sự thành công chung của 6 kỳ họp. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh được phân công nhiệm vụ đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp việc, phục vụ cho các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu tại Hội trường trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu tại Hội trường trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang trong năm 2025 vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Theo đó, việc quy định ĐBQH kiêm nhiệm dành 30% thời gian cho hoạt động Quốc hội là chưa đảm bảo vì ngoài tham dự các kỳ họp, thực hiện việc tiếp xúc cử tri trước và sau 2 kỳ họp thường lệ là đã đủ tỷ lệ này, nên các hoạt động khác tại địa phương các ĐBQH do bận công việc chuyên môn, khó bố trí thời gian tham gia đầy đủ các hoạt động của Đoàn như đóng góp xây dựng luật, hoạt động giám sát, tiếp công dân…

Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang vẫn còn tình trạng gửi dự án luật xuống địa phương tổ chức lấy ý kiến còn chậm so với quy định, có dự án luật mang tính chất chuyên ngành, thời gian nghiên cứu ngắn, nên các sở, ngành chuyên môn tham gia đóng góp ý kiến còn hạn chế, chất lượng chưa cao. Một số chế độ chính sách đã ban hành để hỗ trợ ĐBQH trong hoạt động lập pháp, mức quy định hỗ trợ quá thấp, như hỗ trợ thuê chuyên gia, thuê thư ký,….. ĐBQH rất khó mời được chuyên gia giỏi theo mức giá quy định.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=92005