Kiên Giang: Xử lý nghiêm phá rừng, không có căn cứ trả lại đất cho 10 hộ dân tại U Minh Thượng

Tỉnh Kiên Giang vừa có chỉ đạo về hàng loạt vi phạm pháp luật về đất rừng cũng như những khiếu nại của người dân liên quan đến đất đai…

Nhiều vi phạm pháp luật trên lĩnh vực bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Phú Quốc.

Nhiều vi phạm pháp luật trên lĩnh vực bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Phú Quốc.

Các hộ yêu cầu cấp thêm đất ở, đất sản xuất cho đủ diện tích các hộ sử dụng trước đây là không có cơ sở giải quyết.

10 HỘ DÂN KHIẾU NẠI VỀ ĐẤT

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vừa có buổi tiếp công dân huyện U Minh Thượng và huyện Giang Thành liên quan đến khiếu nại đất đai.

Theo đó, 10 hộ dân ở xã Thạnh Yên và xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng yêu cầu Nhà nước giao trả đất do Nhà nước quản lý, sử dụng từ năm 1976 tại kênh Làng Thứ Bảy, xã Đông Thái và xã Thạnh Yên thuộc huyện An Biên (nay thuộc địa bàn huyện U Minh Thượng) hoặc bồi thường bằng việc giao cấp đất khác.

Bà Đỗ Thị Thống, ngụ ấp Minh Trung, xã An Minh Bắc yêu cầu Nhà nước trả lại 52.000m2 đất tại ấp Kinh Tư, xã An Minh Bắc hoặc bồi thường bằng tiền cho gia đình bà. Các hộ dân ở xã Vĩnh Phú và xã Vĩnh Điều yêu cầu trả lại đất tại khu vực kênh HT2, HT3.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho rằng các cấp, các ngành của tỉnh đã giải quyết thấu tình, đạt lý, các vụ việc đã được giải quyết đúng pháp luật. Hiện nay, các hộ dân yêu cầu giải quyết trả đất nhưng không có căn cứ pháp luật để giải quyết.

“Nhà nước không để người dân bị thiệt thòi, nhưng phải giải quyết vụ việc bằng quy định pháp luật”, ông Thành nói.

Việc khiếu nại của các hộ dân được chủ tịch UBND các huyện và Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ban hành các quyết định giải quyết đúng quy định pháp luật. Nội dung không thừa nhận khiếu nại đòi lại đất của các hộ dân, các hộ không đồng ý, tiếp tục làm đơn khiếu nại đến Trung ương.

Theo Thanh tra tỉnh Kiên Giang, việc khiếu nại đòi lại đất của các hộ dân là không có cơ sở giải quyết. Việc UBND tỉnh Kiên Giang xem xét giao cấp đất ở, đất sản xuất nêu trên cho các hộ dân là thực hiện chính sách an sinh xã hội nhằm để ổn định cuộc sống, không phải Nhà nước bồi thường về đất cho các hộ. Vì vậy, các hộ yêu cầu cấp thêm đất ở, đất sản xuất cho đủ diện tích các hộ sử dụng trước đây là không có cơ sở giải quyết.

13 VỤ PHÁ RỪNG CÓ DẤU HIỆU HÌNH SỰ

Trước đó, nhằm xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn TP. Phú Quốc, ông Lâm Minh Thành cũng đã có buổi làm việc với tổ công tác đặc biệt.

Tại buổi làm việc, ông Trương Thanh Hào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết từ ngày 20/6/2022 đến 08/9/2022, tổ công tác đặc biệt của tỉnh Kiên Giang đã thu hồi 139,44ha đất rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp bị chiếm sử dụng trái pháp luật tại TP. Phú Quốc. Trong đó, 20,39ha đất Nhà nước quản lý, 65,36ha đất quy hoạch lâm nghiệp, 11,88ha rừng phòng hộ và 41,81ha rừng đặc dụng.

Ông Lâm Minh Thành (thứ hai, từ phải qua), Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, kiểm tra công tác khắc phục các công trình xây dựng trái phép tại TP. Phú Quốc - Ảnh: TH.

Ông Lâm Minh Thành (thứ hai, từ phải qua), Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, kiểm tra công tác khắc phục các công trình xây dựng trái phép tại TP. Phú Quốc - Ảnh: TH.

Tổ công tác đặc biệt cũng chỉ đạo các lực lượng kiểm lâm, cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát nhân dân, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Phú Quốc, UBND các xã, phường củng cố chứng cứ, xử lý 13 vụ trọng điểm có dấu hiệu hình sự. Trong đó, hành vi hủy hoại rừng 11 vụ, chống người thi hành công vụ 1 vụ, hủy hoại tài sản 1 vụ.

Theo kết quả rà soát, kiểm tra tình hình vi phạm về lâm nghiệp, đất đai trên địa bàn TP. Phú Quốc từ năm 2019 đến ngày 30/8/2022 có 1.584 vụ vi phạm, diện tích 573ha. Các cơ quan chức năng xử lý 929 vụ, diện tích vi phạm 383,07ha, xử phạt hành chính 7,9 tỷ đồng, đã nộp 2,5 tỷ đồng, chưa nộp 5,4 tỷ đồng. Hiện vẫn còn 655 vụ chưa xử lý với diện tích 190ha.

Tổ công tác đặc biệt tiến hành tiêu hủy tại chỗ 32.130 cây trồng các loại, 6.765m kẽm gai, 1.138 trụ xi măng, 100 trụ gỗ, 661m tường rào bê tông, 30m lưới B40, 107 trụ điện ống kẽm tròn, 240m ống nước, 360m đường bê tông; 18 nhà tạm, 2 căn nhà cấp 4...

Đối với các vụ việc đã đủ điều kiện xử lý, ông Lâm Minh Thành đề nghị tổ công tác đặc biệt phải khẩn trương xử lý nghiêm minh, nhanh, đúng pháp luật, vụ việc nào vi phạm hình sự thì khởi tố, xét xử công khai.

Sau khi tổ công tác đặc biệt đã xử lý, thu hồi đất, các cấp, ngành, chính quyền địa phương phải giữ cho được, không để tái chiếm, tái vi phạm. Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương áp dụng công nghệ, nhất là flycam trong tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng, lấn, chiếm, phá rừng…

Đối với các vụ việc tại Vườn quốc gia Phú Quốc, ông Lâm Minh Thành chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Vườn quốc gia Phú Quốc, UBND TP. Phú Quốc kiểm kê, bàn giao diện tích đất ngoài khu vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vườn và địa phương quản lý…

Theo ông Nguyễn Văn Tiệp, Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc, hiện có 5 doanh nghiệp hoạt động trái phép trong khu bảo tồn biển gồm Công ty Namaste, Công ty Cổ phần sinh thái Đại Dương, Công ty Việt Asian, Công ty ngọc trai Ngọc Hiền Phú Quốc, Công ty Huy Bảo.

Các công ty trên đều hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lặn bình khí, lặn ngắm san hô bằng mũ trùm đầu (đi bộ dưới đáy biển). Vườn quốc gia Phú Quốc đã lập biên bản làm việc và thông báo di dời phương tiện, bè nổi ra khỏi khu vực bảo tồn biển…

Mộc Minh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kien-giang-xu-ly-nghiem-pha-rung-khong-co-can-cu-tra-lai-dat-cho-10-ho-dan-tai-u-minh-thuong.htm