Kiến nghị bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu vì 'người dân không cảm nhận được'

Các doanh nghiệp có thị phần lớn như Petrolimex, PVOil kiến nghị bỏ quỹ bình ổn bởi giá xăng dầu trong nước đã bám sát thế giới.

Sáng 7-5, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) tổ chức hội nghị lấy ý kiến xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.

Qua 3 lần sửa đổi vẫn chưa triệt để

Tại hội nghị, ông Trịnh Quang Khanh, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội, cho biết Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu từ khi có hiệu lực đến nay đã được sửa đổi bởi các Nghị định 08/2018, Nghị định 95/2021, Nghị định 80/2023. Trong thời gian gần 10 năm thực hiện, nguồn cung xăng dầu cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu kinh tế xã hội và tiêu dùng của người dân.

 Sáng 7-5, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) tổ chức hội nghị lấy ý kiến xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. Ảnh: AH

Sáng 7-5, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) tổ chức hội nghị lấy ý kiến xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. Ảnh: AH

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều quy định cần sửa đổi để đáp ứng tình hình thực tiễn đã có nhiều thay đổi. Đơn cử như cơ cấu nguồn xăng dầu trong nước đã đáp ứng được 70%, nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan đến xăng dầu được ban hành hoặc được sửa đổi, bổ sung như Luật Giá, Luật Quản lý ngoại thương… dẫn tới một số quy định điều hành thị trường xăng dầu có nhiều thay đổi…

Theo lãnh đạo VINPA, Hiệp hội đã tổ chức các buổi lấy ý kiến, đã nhận được một số ý kiến của hội viên, các nhà khoa học. Các ý kiến chủ yếu tập trung nhiều vào các vấn đề về giá, quyền của doanh nghiệp trong xác định giá, các khoản chi phí phản ánh trong công thức giá, các điều kiện tổ chức kinh doanh, những quy định liên quan đến quỹ bình ổn, lượng hàng tồn kho bắt buộc…

Bổ sung thêm, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch VINPA cho hay: “Có ý kiến cho rằng Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đã trải qua ba lần sửa đổi nhưng vẫn không triệt để, không hoàn chỉnh. Nhưng thật sự thì theo quy định, mỗi lần sửa đổi không được sửa đổi quá 20% nội dung của Nghị định hiện tại. Do vậy chúng ta chỉ sửa đổi được những vấn đề rất lớn, mang tính nhất thời”.

Kiến nghị bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu

Tại hội nghị, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex, cho biết dự thảo nghị định đã có nhiều nội dung mới. “Một số ý kiến cho rằng dự thảo ‘bình mới rượu cũ’, chúng tôi không đồng tình. Vì những nội dung nào còn phù hợp thì chúng ta vẫn phải kế thừa” - ông Năm bày tỏ.

 Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: AH

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: AH

Góp ý cho dự thảo, đề cập đến vấn đề quỹ bình ổn giá xăng dầu, Phó Tổng giám đốc của Petrolimex đề nghị xem xét bỏ quỹ.

Lý do là nếu thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần như hiện nay thì mức độ biến động giá giữa các lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn. Diễn biến giá xăng dầu trong nước đã bám sát giá thế giới, do đó những tác động của việc điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế xã hội không lớn qua mỗi lần điều chỉnh giá bán.

Bên cạnh đó, cũng giảm thiểu rủi ro, bất cập trong việc quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu như trường hợp của một số thương nhân đầu mối như Xuyên Việt Oil, Hải Hà, Thiên Minh Đức… được phát hiện thời gian qua. Qua đó, góp phần minh bạch thông tin, tránh tình trạng người dân hiểu nhầm quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ của doanh nghiệp.

“Chúng tôi biết là khó cho cơ quan quản lý nhà nước, nhưng về góc độ thị trường, chúng tôi đề nghị mạnh dạn bỏ quỹ bình ổn. Quan sát chúng ta cũng thấy thời gian qua quỹ bình ổn hầu như không trích, chi sử dụng quỹ nhưng thị trường vẫn không sao” - ông Năm nói.

Phó Tổng giám đốc của Petrolimex cũng bày tỏ ý kiến nếu trong trường hợp vẫn tiếp tục duy trì quỹ bình ổn thì đề xuất cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp quản lý quỹ được hình thành từ các doanh nghiệp đầu mối, đồng thời có quy định cụ thể để trích/chi quỹ và đảm bảo kịp thời, thuận tiện trong trường hợp chi sử dụng quỹ để không làm ảnh hưởng đến vốn của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty dầu Việt Nam - PVOil cũng đề xuất bỏ quỹ bình ổn. Chia sẻ thêm, ông Dương cho biết hiện nay giá thị trường xăng dầu lên xuống không theo quy luật, nhưng mỗi kỳ điều hành giá doanh nghiệp cứ phải hồi hộp đoán xem kỳ này quỹ sử dụng thế nào, trích ra sao… Bên cạnh đó, quỹ bình ổn là nguồn lực của người dân đóng góp vào, thì bản chất không phải bình ổn.

“Chúng ta xây dựng quỹ với mục đích bình ổn cho người dân, nhưng hiện nay người dân không cảm nhận được, thì duy trì quỹ để làm gì. Do vậy tôi kiến nghị nếu được thì bỏ quỹ bình ổn” - ông Dương nói.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kien-nghi-bo-quy-binh-on-gia-xang-dau-vi-nguoi-dan-khong-cam-nhan-duoc-post789278.html