Kiến nghị bỏ quy định cứng nhắc, gây tốn kém cho doanh nghiệp trong phòng cháy chữa cháy
Đại diện nhiều doanh nghiệp và hiệp hội kiến nghị bãi bỏ các quy định trong phòng cháy chữa cháy còn cứng nhắc, không thỏa đáng, gây tốn kém cho doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.
Chi phí tốn kém
Tại hội nghị "Đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về phòng cháy chữa cháy" ngày 20/7, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, những tiêu chuẩn, thủ tục phòng cháy chữa cháy (PCCC) liên quan đến sự thuận lợi và hấp dẫn của môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp (DN).
Chi phí vừa phải, thủ tục dễ dàng, quy trình minh bạch thì DN kinh doanh thuận lợi. Ngược lại, chi phí quá tốn kém, thủ tục phức tạp, quy trình không minh bạch ảnh hưởng đến phát triển của DN, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, giảm tính cạnh tranh. Từ đó, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc làm và thu ngân sách.
Thời gian qua, cộng đồng DN và VCCI đánh giá cao Bộ Công an, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện các quy định, quy chuẩn về PCCC. Hiện khung khổ pháp lý cho lĩnh vực này đã có bước hoàn thiện rất lớn.
Tuy nhiên, hiện tỷ lệ DN cho biết gặp vướng mắc về thủ tục PCCC rất nhiều. Khảo sát PCI của VCCI về DN trong và ngoài nước tại 63 tỉnh, thành cho thấy, nhóm thủ tục về PCCC nằm trong nhóm 4 khó khăn lớn nhất (cùng với đất đai, thuế phí, bảo hiểm xã hội).
Ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang đề cập những bất cập gây tốn kém cho DN trong công tác PCCC. Theo mục 5, phụ lục VII của Nghị định số 136/2020 quy định chi tiết một số điều về biện pháp thi hành luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC: Đối với các công trình bệnh viện, việc kiểm định PCCC đối với mẫu kết cấu được bảo vệ bằng chất hoặc vật liệu chống cháy.
"Như vậy, theo quy định thì nhiều mẫu kết cấu bắt buộc phải thử nghiệm chịu lửa, nói nôm na là "đốt thử". Khi thử nghiệm chịu lửa thì gần như 100% các kết cấu đều biến dạng cho dù đạt yêu cầu hay không. Điều này đồng nghĩa với việc mẫu thử nghiệm không thử sử dụng hoặc tái sử dụng. Với các kết cấu có chi phí thấp thì việc thử nghiệm không phải là vấn đề lớn nhưng một số kết cấu vô cùng đắt đỏ như cửa giếng thang máy có chi phí hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng thì đây thực sự là sự lãng phí không cần thiết", ông Thập nói.
"Các DN cho rằng, quy định cửa của phòng bệnh 100% phải làm bằng vật liệu ngăn cháy gây tốn kém rất nhiều chi phí không cần thiết cho DN. Do đó, hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng bãi bỏ các quy định không cần thiết và gây lãng phí cho DN", ông Thập nêu.
Quy định cứng nhắc
Bà Nguyễn Thị Thu Liên - đại diện Hiệp hội Thực phẩm minh bạch có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh đưa ra 2 vấn đề gây bất cập cho DN.
Bất cập thứ nhất liên quan đến kho hàng. Quy chuẩn 06 quy định: kệ hàng có chiều cao từ 5,5 m trở lên phải theo phương án riêng và thẩm định riêng.
"Quy định này rất bất cập, bởi vì hiện nay kho hàng được làm cao tới 40 - 50 m, có xe nâng, robot để lấy hàng trên cao. Tại những kho hàng này, số lượng người phục vụ rất ít. Vì vậy, quy định kho hàng cao trên 5,5m phải có phương án riêng và thẩm định riêng là bất cập, không phù hợp với tính thực tiễn của DN", bà Liên nói.
Bất cập thứ hai, do tình hình phát triển của kinh tế - xã hội, việc DN thay đổi công năng sản xuất, thay đổi từ loại hình này sang loại hình khác diễn ra rất bình thường.
Chẳn hạn, một số DN thành viên trước đây làm về dệt may, xuất khẩu và chế biến gỗ đã làm các phương án về PCCC và đã được phê duyệt. Nhưng hiện tại, gỗ không xuất khẩu được, dệt may không có đơn hàng, các DN này chuyển sang xuất khẩu trái cây tươi và trái cây đóng hộp - loại hàng không dễ cháy. Tuy vậy, cơ quan PCCC tại địa phương yêu cầu thẩm định lại. Dệt may, gỗ là hàng dễ cháy nhưng đã qua thẩm định về PCCC nhưng khi DN chuyển sang kinh doanh trái cây lại yêu cầu thẩm định lại là cứng nhắc và không thỏa đáng.
"Hai vấn đề này dù nhỏ nhưng rất mong các cơ quan chức năng từ Bộ Xây dựng, Bộ Công an lưu tâm xem xét. Việc triển khai các quy định trong thực tiễn gây rất nhiều khó khăn cho DN", đại diện Hiệp hội Thực phẩm minh bạch nhấn mạnh.
Tại sự kiện, đại diện một số DN cũng nêu bất cập về quy định liên quan tới quản lý cơ sở dữ liệu PCCC truyền tin báo sự cố đối với cửa hàng xăng dầu. Các DN kiến nghị đối với nhà xưởng trong các khu chế xuất, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp cần cho phép sử dụng chung hệ thống PCCC của Ban Quản lý khu công nghiệp xây dựng.
Các DN cũng đề xuất, trong thời gian chờ sửa đổi các quy định và quy chuẩn PCCC, chỉ khuyến khích các DN có điều kiện áp dụng quy định mới ban hành, các DN khác được tiếp tục áp dụng các quy định, quy chuẩn cũ.
Doanh nghiệp còn ỷ lại vào đơn vị tư vấn
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) nhìn nhận, một số DN chưa nghiên cứu kỹ các quy định về PCCC. DN, chủ đầu tư chưa quan tâm nhiều đến công tác PCCC nên khi xây dựng các công trình mới, DN thường ỷ lại vào đơn vị tư vấn.
Các DN, hiệp hội nên phổ biến cho chủ đầu tư việc phải trực tiếp thực hiện. Nếu ủy quyền qua đơn vị tư vấn thì cũng phải giám sát. DN không thể ủy quyền cho đơn vị tư vấn chỉ biết về PCCC và không nắm rõ những vấn đề liên quan đến kết cấu, kiến trúc, mặt bằng... Do đó, hồ sơ về thẩm định PCCC phải sửa đi sửa lại, DN không triển khai tốt các quy định.
Ở góc nhìn khác, nhấn mạnh vai trò chủ động của DN trong việc đưa ra đề xuất, kiến nghị, ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương - Chủ tịch Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam cho rằng, trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến cho dự thảo Quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC, hiệp hội đã gửi dự thảo đến 50 hiệp hội DN ngành nghề trong nước và 39 hiệp hội, DN nước ngoài để xin ý kiến góp ý.
Kết quả chỉ có 1/50 hiệp hội DN ngành nghề trong nước gửi ý kiến đóng góp. Trong khi đó, hầu hết các hiệp hội, DN nước ngoài đều có phản hồi. Điều đó cho thấy các DN trong nước thiếu tính chủ động và chỉ khi vấn đề phức tạp xảy ra mới đưa ra ý kiến.