Kiến nghị Chính phủ về cơ chế đặc thù liên quan nguồn vật liệu san lấp phục vụ các công trình trọng điểm
Sáng 13/7, tại TP Cần Thơ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm; Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh vùng ĐBSCL.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Cùng dự có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ làm việc với các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL để đánh giá tình hình việc thực hiện 3 nội dung quan trọng: nắm tình hình tổ chức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp; rà soát việc triển khai các dự án giao thông, hạ tầng quan trọng tại ĐBSCL; rà soát việc triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp tại vùng ĐBSCL nhằm đảm bảo nguồn lúa gạo ổn định, chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu…

Quang cảnh hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương ĐBSCL nỗ lực phấn đấu, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cùng cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo. Đồng thời, tiếp tục rà soát, thúc đẩy việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, đảm bảo xóa hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình chính sách trước ngày 27/7 và hoàn thành xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc trước 31/8/2025.
Phân tích về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Việc giải quyết chế độ chính sách đối với những cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc; rà soát hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, thực hiện tiếp nhận phân cấp, phân quyền, phân định thẳm quyền từ Trung ương đến địa phương đã rất chủ động.
Bộ trưởng còn cho biết thêm, tới đây sẽ tổng rà soát lại toàn bộ tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cấp xã, cấp tỉnh: “Chủ tịch UBND tỉnh phải ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và Chủ tịch UBND cấp xã phải ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã”.
Nêu tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm các địa phương vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết: Hiện nay các dự án cao tốc của vùng đang triển khai đồng bộ, an toàn. Một số công trình cầu dần hoàn thiện và đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Về các dự án đang triển khai, Bộ và các địa phương đang tiến hành các thủ tục, đảm bảo tiến hành nhanh chóng, hiệu quả.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho biết: Đề án phát triển 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao vùng ĐBSCL đang được triển khai với nhiều hiệu quả tích cực, cuối tháng 6/2025, Việt Nam đã xuất khẩu 500 tấn gạo mang thương hiệu “gạo Việt sạch, phát thải thấp” sang thị trường Nhật Bản. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong phạm vi triển khai đề án có 620 hợp tác xã tham gia. Đến nay, có khoảng 200 doanh nghiệp được liên kết. Đây là tin mừng và cũng chính là mục tiêu của đề án, là mong muốn có sự liên kết mà đề án đang hướng đến.
Tham dự hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại thông tin: Đến thời điểm hện tại, tỉnh Cà Mau bắt tay vận hành chính quyền địa phương 2 cấp đạt hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, thời gian tới, tỉnh cần có giải pháp tăng cường đội ngũ nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ cho cấp xã và thực hiện chính sách khuyến khích hợp lý để thu hút và giữ chân cán bộ giỏi về công tác tại cơ sở, cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số và mở rộng quy mô một số trụ sở làm việc nhằm đáp ứng nhu cầu. Vấn đề này tỉnh cần sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại phát biểu tại hội nghị.
Về các dự án trọng điểm trên địa bàn như: Dự án Đường bộ cao tốc Cà Mau - Đất Mũi; Dự án đường ra Cảng Hòn Khoai; Cảng Hòn Khoai; Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau…, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông tin: Vấn đề vật liệu phục vụ các dự án trọng điểm như cát, đá trên địa bàn tỉnh rất lớn. Tỉnh đã phối hợp với Binh đoàn 12, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) chủ động đăng ký làm việc với một số tỉnh, thành phố về việc hỗ trợ cung cấp nguồn vật liệu xây dựng cho các dự án nêu trên; tuy nhiên, khả năng đáp ứng nhu cầu vật liệu phục vụ các dự án là khó khăn. Do vậy, Cà Mau đề xuất Chính phủ cần xem xét có cơ chế đặc thù để thực hiện trong vấn đề nguồn vật liệu.
Với Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh, chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ chỉ đạo thực hiện Đề án, tổng diện tích đăng ký thực hiện đến năm 2030 là 54.680 ha (lúa 2 vụ 39.980 ha, lúa - tôm 14.700 ha), trên địa bàn 20 xã. Đến nay, đã thực hiện 110 ha; triển khai áp dụng đúng quy trình canh tác lúa của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, dự kiến năng suất 6 tấn/ha, cao hơn bên ngoài mô hình từ 0,3-0,5 tấn/ha.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất với báo cáo của các Bộ và ý kiến phát biểu của lãnh đạo bộ, ngành và địa phương. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh công tác quy hoạch vùng, các địa phương, đồng thời quan tâm sự kết nối giữa các địa phương ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ để tạo động lực, không gian phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Song song đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xúc tiến đẩy nhanh quy hoạch Đề án 1 triệu héc-ta lúa phát thải thấp, trong đó phải xác định cụ thể địa phương nào quy hoạch quy mô ra sao để có phương án cụ thể, lâu dài. Cùng với đó là chú trọng xây dựng thương hiệu lúa, gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế./.