Vị thế cho OCOP
HNN.VN - Xin được bắt đầu với câu chuyện về quả dứa ở Điện Biên - một tỉnh ở cực Bắc của Tổ quốc. Trải qua chặng đường dài, quả dứa được một hướng dẫn viên du lịch mang về Huế cùng câu chuyện làm du lịch từ đặc sản nông nghiệp địa phương.

Khách hàng tìm hiểu về sâm bố chính Hoàng Gia, một sản phẩm OCOP 3 sao của Huế
Quả dứa, vốn quá quen thuộc ở Việt Nam, hầu như nơi nào cũng có. Nhưng quả dứa Điện Biên mà chúng tôi được tặng lần này lại có phần đặc biệt, to và nặng đến hơn 3kg, khi bổ ra thì có hương thơm dịu nhẹ, màu vàng chanh và ngọt thanh. Với những đặc tính ấy, quả dứa của Điện Biên trở thành sản phẩm hàng hóa kết hợp du lịch địa phương được ưa thích.
Quả dứa ở Điện Biên chỉ là một trong số hàng ngàn sản phẩm trên cả nước, đã được hình thành từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với mục tiêu khuyến khích mỗi xã lựa chọn và phát triển một sản phẩm đặc biệt, độc đáo, mang tính địa phương để phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kể từ năm 2018 đến nay, trên cả nước đã có trên 16.800 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, trên 76% là sản phẩm 3 sao, trên 22 % là sản phẩm 4 sao và 126 sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia - đạt tiêu chuẩn 5 sao. Tổng cộng có trên 9.800 chủ thể OCOP ra đời, bao gồm các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, hộ sản xuất, cơ sở kinh doanh; trong đó, có hơn 3.000 hợp tác xã đã tham gia sản xuất sản phẩm OCOP.
So với khoảng hơn 940.000 doanh nghiệp tư nhân và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và 32.000 hợp tác xã hiện có trên cả nước, con số sản phẩm OCOP chưa nhiều, nhưng vị trí, vai trò của sản phẩm OCOP lại đặc biệt được chú trọng.
Mới đây, sau 4 ngày vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, ngày 4/7, Chính phủ lập tức tổ chức cuộc họp để góp ý sửa đổi Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình OCOP.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, OCOP không chỉ là sản phẩm đặc thù địa phương mà cần vươn tầm trở thành thương hiệu hàng hóa quốc gia, có ý nghĩa quan trọng trong nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nông thôn, giúp nông dân từng bước tham gia vào thị trường toàn cầu.
Đối với Huế, tính đến tháng 6/2025, toàn thành phố có 115 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó, có 1 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia (0,9%); 19 sản phẩm đạt 4 sao (16,5%); 95 sản phẩm đạt 3 sao (82,6%). Có thể kể tên những sản phẩm tiêu biểu như hương sạch Tân Nguyên; rượu vang Bạch Mã; đông trùng hạ thảo Narasa; yến sào Anna; các sản phẩm của Hữu cơ Huế Việt; Yes Huế; trà rau má; mỹ nghệ mây tre đan; nấm linh chi; rau sạch; dầu lạc; gạo hữu cơ…
Các sản phẩm OCOP đã góp phần tạo công ăn việc làm, đánh thức tiềm năng kinh tế; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa như khôi phục các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, gắn kết du lịch với phát triển làng nghề. Về hiệu quả kinh tế, chỉ riêng Hợp tác xã Mây tre đan Bao La của Huế, mỗi năm đạt doanh thu hơn 5 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
Để phù hợp, thích ứng với bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp vừa được vận hành, từ các đề xuất tại cuộc họp ngày 4/7, Chính phủ đã thống nhất chủ trương sửa đổi, chuyển thẩm quyền đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao cho cấp tỉnh, nhằm bảo đảm tính thống nhất, khách quan và nâng cao uy tín thương hiệu cho sản phẩm OCOP - được định vị là thương hiệu quốc gia.
Việc hoàn thiện Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm là điều kiện để Chương trình Mỗi xã một sản phẩm ổn định và phát triển, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm, vai trò của mỗi địa phương trong việc định vị tầm quan trọng của sản phẩm OCOP để phát triển chuỗi sản phẩm thương hiệu địa phương đặc thù, khác biệt, có sức cạnh tranh, góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu Việt có giá trị kinh tế, văn hóa và đối ngoại.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/vi-the-cho-ocop-155523.html