Khan hiếm lao động phổ thông, đặc biệt là công nhân xây dựng
Dù mức lương được trả cao từ hơn 10 triệu đồng, việc tìm kiếm thợ xây dựng tại Hà Nội vẫn vô cùng khó khăn.
Tuyển dụng tăng tốc, dịch chuyển lao động
Thị trường lao động Hà Nội trong 6 tháng đầu năm phục hồi nhờ các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân, tinh gọn bộ máy hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Từ đó thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao.

Các vị trí việc làm phổ biến được săn đón bao gồm: Nhân viên bán hàng, thu ngân, nhân viên kinh doanh...
Tháng 6/2025 ghi nhận nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh với ước tính trên 68.000 vị trí việc làm trên toàn thành phố.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động để đáp ứng kế hoạch sản xuất kinh doanh cho nửa cuối năm, thể hiện sự lạc quan trước những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch.
Các ngành "nóng" và tuyển dụng nhiều nhân sự trong 6 tháng đầu năm tập trung vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nhu cầu tuyển dụng. Các vị trí phổ biến được săn đón bao gồm: Nhân viên bán hàng, thu ngân, nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng và kỹ thuật viên lắp đặt, bảo trì dịch vụ.
Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm ưu thế với 42,6%, tăng so với tháng trước. Mức lương phổ biến dao động từ 5-10 triệu đồng, tuy nhiên, các vị trí yêu cầu kinh nghiệm hoặc chuyên môn cao có thể nhận mức lương từ 10-20 triệu đồng.
Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn tồn tại sự chênh lệch đáng kể giữa cung và cầu. Trong khi doanh nghiệp tìm kiếm lao động có trình độ cao, phần lớn người tìm việc lại chưa qua đào tạo.
Đặc biệt, số người nhận trợ cấp thất nghiệp tăng 14,8% so với tháng trước, phản ánh quá trình tái cấu trúc nhân sự ở các ngành như Công nghệ thông tin và Tài chính - Ngân hàng. Đồng thời, một bộ phận lớn người lao động đang chủ động thay đổi công việc để tìm kiếm cơ hội mới.
Khan hiếm lao động phổ thông
Trao đổi với phóng viên, về thực trạng khó khăn trong tuyển dụng lao động phổ thông, đặc biệt là trong ngành xây dựng, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội chia sẻ: "Lao động phổ thông trong ngành xây dựng (thợ xây dựng, công nhân) trực tiếp tại Hà Nội ngày càng khan hiếm bởi mức sống thay đổi, người lao động có xu hướng tìm kiếm công việc nhẹ nhàng hơn.
Dù mức lương được trả rất cao, thậm chí hơn chục triệu đồng, việc tìm kiếm thợ xây dựng vẫn vô cùng khó khăn".

Lao động xây dựng trực tiếp tại Hà Nội ngày càng khan hiếm bởi mức sống thay đổi, người lao động có xu hướng tìm kiếm công việc nhẹ nhàng hơn.
Ông Thành cũng nhấn mạnh rằng, nhiều khi tìm lao động phổ thông trong ngành xây dựng còn khó hơn cả tìm vị trí có trình độ.
"Bây giờ đi tuyển dụng thợ xây dựng, lao động phổ thông khó vô cùng. Các doanh nghiệp thường đau đầu tìm đủ thợ cho công trình để làm cho kịp tiến độ dự án.
Tuy nhiên, khi tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng không tuyển được bao nhiêu", ông Thành chia sẻ.
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo, tháng 7/2025, thị trường lao động Hà Nội sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định, nhờ các động lực từ du lịch, dịch vụ, đầu tư công và thu hút FDI.
Các ngành như y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ du lịch và thương mại, dịch vụ được dự báo có nhu cầu nhân lực cao.
Tuy nhiên, thị trường lao động cũng đối mặt với một số thách thức. Chính sách thuế quan dự kiến của Hoa Kỳ có thể tạo gánh nặng chi phí và áp lực cạnh tranh cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, gỗ, điện tử, dẫn đến nguy cơ cắt giảm lao động, đặc biệt là lao động giản đơn.
Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp giải thể tăng cũng cho thấy một bộ phận lao động có nguy cơ mất việc hoặc phải chuyển đổi nghề nghiệp.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần có những giải pháp linh hoạt để cân bằng cung cầu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế đang phục hồi và phát triển.