Kiến nghị có bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng tạp chí khoa học trong nước
Chưa có bảng xếp hạng tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cũng khiến cho nhiều GV khó nắm được đâu là tạp chí khoa học uy tín để gửi bài.
Tính đến hết tháng 6/2024, Việt Nam có 14 tạp chí khoa học được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu của Scopus (cơ sở dữ liệu trích dẫn khoa học đa ngành lớn nhất thế giới), Web of Science (WoS) - còn được gọi là ISI (cơ sở dữ liệu trích dẫn khoa học uy tín và toàn diện).
Trong đó, một số tạp chí khoa học của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu của Scopus/Web of Science [1]
Theo chia sẻ của một số chuyên gia, hiện có nhiều thách thức đặt ra trong việc nâng cao chất lượng tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là thúc đẩy các tạp chí khoa học này được gia nhập vào danh mục tạp chí quốc tế uy tín (như Scopus/WoS).
Nhiều khó khăn khi đưa tạp chí khoa học gia nhập danh mục tạp chí quốc tế uy tín
Được biết, từ năm 2017, Tạp chí Khoa học Quốc tế AGU (AGU International Journal of Sciences) của Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đưa vào danh mục tạp chí được tính điểm công trình khoa học. Đến nay, Tạp chí đã giới thiệu và công bố kết quả nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, với những bài đăng trên Tạp chí Khoa học Quốc tế AGU của trường, bài báo sẽ tăng số lượng người có thể tiếp cận và trích dẫn; tác giả cũng có thể đưa thông tin vào phần kết quả nghiên cứu khoa học trong hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Cùng chia sẻ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Năng lượng (thành lập năm 2010, có mã số chuẩn quốc tế ISSN: 1859-4557) là “sản phẩm khoa học” của nhà trường, nơi công bố thông tin, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu lĩnh vực năng lượng. Tạp chí được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đánh giá là một trong các tạp chí khoa học uy tín; mỗi bài viết của Tạp chí được tính 0,5 điểm trong lĩnh vực Điện - Điện tử - Tự động hóa.
“Có thể hiểu, tạp chí khoa học tạo ra một diễn đàn ổn định để các nhà khoa học công bố, giới thiệu về kết quả nghiên cứu mới. Việc cơ sở giáo dục đại học có tạp chí được tính điểm sẽ góp phần tăng độ uy tín, tin cậy từ các bài viết của nhà khoa học”, thầy Châu nhận xét.
Đồng tình với những chia sẻ trên, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Giáo dục Kỹ thuật thuộc Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh Hoàng Anh Quốc cho rằng, không phải tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học nào cũng được tính điểm khoa học. Do đó, để tạp chí của cơ sở giáo dục đại học được tính điểm, nâng điểm là cả quá trình cố gắng, nỗ lực của trường, tập thể tạp chí.
Tạp chí Khoa học Giáo dục Kỹ thuật của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhận đăng các công trình khoa học mới có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và lao động sản xuất, chưa công bố trong các ấn phẩm khác. Tạp chí xuất bản 02 tháng/kỳ và được phát hành rộng rãi trên toàn quốc, trình bày bằng Tiếng Việt hoặc Tiếng Anh, trong đó khuyến khích viết bằng Tiếng Anh.
“Theo Khoản 3, Điều 5, Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học quy định, kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên được đánh giá thông qua các sản phẩm khoa học và công nghệ, các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; tối thiểu tương đương với một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở được nghiệm thu từ đạt yêu cầu trở lên hoặc một bài báo được công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN hoặc một báo cáo khoa học tại hội thảo khoa học chuyên ngành.
Cùng với đăng tải kết quả công trình nghiên cứu khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín, việc cơ sở giáo dục đại học có tạp chí khoa học được tính điểm, gia nhập danh mục tạp chí quốc tế uy tín sẽ tạo những lợi thế nhất định cho giảng viên, nhà trường trong mở rộng diễn đàn để công bố các kết quả công trình nghiên cứu khoa học”, Tổng Biên tập Hoàng Anh Quốc chia sẻ.
Chia sẻ với phóng viên, đại diện Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng: “Để tạp chí khoa học được tính điểm thì phải có bài đăng uy tín và liên tục thuộc lĩnh vực quy định của Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Với những tạp chí chưa được tính điểm, rất khó để thu hút công bố khoa học của nhà nghiên cứu có uy tín”.
Vị này cũng cho biết, do khó thu hút được những bài viết chất lượng, nhiều tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học phải đặt hàng với các nhà khoa học để xin được công bố khoa học của họ. Khi đó, tạp chí vừa không thu tiền, vừa mỗi bài lại phải thực hiện phản biện độc lập mới xuất bản (tuy kinh phí phản biện không nhiều nhưng cũng là một khoản lớn đối với tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học) nên khá khó khăn.
Một trong những khó khăn đối với hầu hết các tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học hiện nay là không ít nhà khoa học, giảng viên có xu hướng muốn đăng bài trên tạp chí quốc tế uy tín thay vì đăng bài trên tạp chí khoa học trong nước, trong khi đó, nhiều tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học được đánh giá có chất lượng rất tốt.
Theo lãnh đạo trường, để tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học gia nhập vào danh mục các tạp chí quốc tế uy tín như Web of Science, Scopus,... là không dễ.
Bàn về vấn đề này, đại diện Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho hay: “Điểm lợi thấy rõ khi tạp chí của cơ sở giáo dục đại học được nằm trong danh mục tạp chí quốc tế là uy tín khoa học của tạp chí, nhà trường tăng lên. Số lượng bài gửi về tạp chí từ các tác giả uy tín cũng nhiều hơn. Đồng thời, sinh viên cũng có thể căn cứ lựa chọn học ở cơ sở giáo dục đại học có tạp chí khoa học nằm trong danh mục tạp chí quốc tế”.
Cùng nêu quan điểm, Tổng Biên tập Hoàng Anh Quốc chia sẻ, nếu tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học được nằm trong danh mục tạp chí quốc tế uy tín là rất tốt vì sẽ thu hút được nhiều hơn các bài viết gửi đến từ chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên không chỉ ở trong nước mà còn nước ngoài.
Chưa kể, để các hội thảo quốc tế do nhà trường tổ chức thu hút nhận được nhiều sự quan tâm của nhà khoa học trên thế giới thì kỷ yếu của hội thảo phải được đăng trên tạp chí của các nhà xuất bản uy tín thế giới. Do đó, việc tạp chí khoa học của nhà trường nằm trong danh mục tạp chí quốc tế uy tín sẽ thu hút được nhiều nhà khoa học gửi bài viết để đăng tải, giúp nâng cao chất lượng tạp chí.
Mặt khác, thầy Châu cho rằng, phát triển tạp chí khoa học là một trong những nhiệm vụ mà nhà trường hướng tới nhưng phải tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng hệ thống biên tập, cố vấn, nhà phản biện có uy tín; tăng chất lượng bài viết thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế.
“Đưa tạp chí khoa học của nhà trường gia nhập danh mục tạp chí quốc tế uy tín là một quá trình dài, không phải một sớm một chiều có thể làm được. Trong đó, yếu tố quan trọng để tạp chí khoa học của nhà trường gia nhập cơ sở dữ liệu khoa học tin cậy và uy tín quốc tế là chất lượng các công trình công bố trên tạp chí phải đạt chất lượng theo thông lệ quốc tế; ngôn ngữ sử dụng trên tạp chí khoa học của nhà trường hiện nay là tiếng Việt nên nhà trường đang làm thủ tục để được phê duyệt xuất bản bài viết sử dụng bằng tiếng Anh”, thầy Châu chia sẻ.
Nhấn mạnh chiến lược phát triển của nhà trường, theo thầy Châu, trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tạp chí khoa học của nhà trường tiếp tục đổi mới, trở thành một trong những diễn đàn của các nhà khoa học, cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các nhà khoa học thường căn cứ vào chất lượng công trình nghiên cứu của bản thân để lựa chọn đăng bài trên tạp chí trong hoặc ngoài nước. Điều này đã và đang tạo ra sự cạnh tranh rất lớn và là khó khăn đối với nhiều tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học, trong đó có Tạp chí Khoa học và Công nghệ Năng lượng thuộc Trường Đại học Điện lực. Chính vì thế, việc đổi mới theo hướng nhanh chóng tiếp cận quy chuẩn quốc tế trong xuất bản công trình nghiên cứu khoa học trên tạp chí của trường là một trong những nhiệm vụ được thực hiện khẩn trương, liên tục.
Cùng chia sẻ, thầy Thắng cho biết, tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học khi gia nhập cơ sở dữ liệu khoa học uy tín Scopus/Web of Science sẽ góp phần khẳng định thương hiệu, chất lượng và nâng cao độ tin cậy. Tuy nhiên, để đưa tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học gia nhập danh mục tạp chí quốc tế uy tín đối mặt với nhiều khó khăn và cần có lộ trình. Cụ thể như: phải đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế, cơ sở dữ liệu của tạp chí phải công khai thông tin đầy đủ để thuận lợi cho việc kiểm soát (đạo văn, đăng bài cũ,...); tiêu chuẩn đăng bài cũng phải đảm bảo các điều kiện thì mới được nhà xuất bản quốc tế uy tín xem xét.
Sớm ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng tạp chí khoa học
Việc làm thế nào để nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cũng như ngày càng có nhiều tạp chí khoa học gia nhập danh mục tạp chí quốc tế như Web of Science, Scopus,... đang là trăn trở của lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, hướng giải quyết thường được nêu ra là phải có lộ trình cụ thể, kiểm duyệt bài đăng theo tiêu chuẩn của thông lệ quốc tế; tăng cường đầu tư về nhân sự, cơ sở vật chất, hệ thống cơ sở dữ liệu.
Hàng năm, Hội đồng Giáo sư Nhà nước tiến hành rà soát và phê duyệt tạp chí khoa học ở Việt Nam để làm cơ sở tính điểm, định hướng các công trình khoa học. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu tạp chí khoa học Việt Nam tiệm cận với quốc tế để làm căn cứ phê duyệt danh mục tạp chí khoa học.
Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá, nếu có bộ tiêu chuẩn chất lượng tạp chí khoa học thì sẽ tạo được thang đo cụ thể hơn trong xét duyệt tạp chí khoa học uy tín trong nước và có thể tránh được việc đánh giá độ uy tín của tạp chí theo cảm tính.
Đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học, Tổng Biên tập Hoàng Anh Quốc cho rằng, nếu có bảng xếp hạng các tạp chí khoa học uy tín, thì sẽ có nhiều hơn những bài báo chất lượng được đăng trên tạp chí khoa học trong nước, từ đó nâng cao được chất lượng của tạp chí, tiệm cận và phấn đấu đạt chuẩn quốc tế. Ngoài ra, cũng cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng tạp chí khoa học trong nước, ví dụ như bộ tiêu chí đánh giá tạp chí khoa học của Scopus.
Nhiều tạp chí khoa học trong nước có chất lượng tốt nhưng công bố quốc tế là một trong những tiêu chí quan trọng được các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới quan tâm. Chính vì thế, ngoài việc tăng cường các công bố bài báo khoa học quốc tế, việc nâng cấp tạp chí khoa học tiến tới đạt chuẩn mực quốc tế và được cơ sở dữ liệu quốc tế uy tín thừa nhận là mục tiêu mà nhiều tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học hướng tới. Tuy nhiên, việc chưa có bảng xếp hạng các tạp chí khoa học ở trong nước, nhất là tạp chí của cơ sở giáo dục đại học khiến cho không ít nhà khoa học, giảng viên khó nắm được đâu là tạp chí khoa học đủ uy tín để gửi bài công bố khoa học, dẫn đến việc tác giả tìm cách để đăng bài trên tạp chí quốc tế thay vì đăng bài trên tạp chí khoa học trong nước.
Cũng theo Tổng Biên tập Hoàng Anh Quốc, các cơ sở giáo dục có tạp chí khoa học được tính điểm cũng cần quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng đội ngũ ban biên tập để góp phần nâng cấp tạp chí.
Trong khi đó, đại diện Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận định: thứ nhất, muốn tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học gia nhập danh mục tạp chí quốc tế uy tín, cần phải có chính sách thu hút tác giả gửi bài đến tạp chí.
Do các bài báo xuất bản trên tạp chí quốc tế nằm trong danh mục tạp chí như Scopus, WoS được Hội đồng Giáo sư Nhà nước tính điểm cao khi xét chức danh giáo sư, phó giáo sư đối với ứng viên nên nhiều giảng viên có bài viết tốt không đăng bài trên tạp chí của nhà trường mà đăng bài trên tạp chí có chỉ mục Scopus, WoS. Điều này dẫn tới thiệt thòi đối với tạp chí của các cơ sở giáo dục đại học khi không thể công bố nghiên cứu của giảng viên trong cơ sở đào tạo vì điểm tính cho một công trình ở mỗi tạp chí rất khác nhau.
Thứ hai, hiện nay việc xem xét một tạp chí có uy tín được căn cứ vào quy trình tuyển chọn bài viết: nhận bài trực tiếp trên website của tạp chí, có quy trình phản biện nghiêm ngặt cùng đội ngũ phản biện khoa học có uy tín, duy trì số lượng ấn bản; số tạp chí trong năm/số người đặt mua tạp chí/số người truy cập toàn văn các bài, có chỉ số DOI (mã định danh số quốc tế viết tắt từ Digital Object Identifier là một mã số xác định sự tồn tại vĩnh viễn cho một tập tin trên Internet - PV); số lượng trích dẫn khoa học. Với các tiêu chuẩn chặt chẽ như trên sẽ rất khó để đưa các tạp chí khoa học Việt Nam vào bảng xếp hạng tạp chí quốc tế.
Thứ ba, cần phải bàn và xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá chất lượng tạp chí khoa học trong nước. Khi có bộ tiêu chí đánh giá rõ ràng thì các tạp chí sẽ đặt ra một lộ trình thực hiện mục tiêu trở thành tạp chí khoa học được tính điểm, nâng điểm và đỉnh cao là gia nhập danh mục tạp chí quốc tế uy tín.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://adubiz.edu.vn/cac-tap-chi-khoa-hoc-cua-viet-nam-dang-duoc-chi-muc-tren-co-so-du-lieu-cua-scopus-va-web-of-science-cap-nhat-thang-06-2024